Chưa chắc hãng hàng không thứ 6 của Việt Nam sẽ là liên minh AirAsia, Vietravel vừa tiến thêm một bước trong kế hoạch lập Vietravel Airlines

22/02/2019 09:29 AM | Kinh doanh

Trong khi AirAsia chưa có động thái mới về việc xin cấp phép để vận hành liên doanh AirAsia - Thiên Minh kể từ đầu tháng 12/2018, mới đây Vietravel đã gửi Sở Giao thông Vận tải Thừa Thiên - Thuế đề án thành lập Công ty Hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines), đặt trụ sở ở miền Trung.

CTCP Du lịch và tiếp thị giao thông Việt Nam (Vietravel) đã gửi Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Thừa Thiên - Thuế đề án thành lập Công ty Hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines), Người Lao động đưa tin. Dự kiến hãng hàng không của Vietravel sẽ đặt trụ sở tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Trước đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019 được tổ chức ngày 14/1, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng giám đốc Vietravel, chia sẻ công ty của ông dự định sẽ đầu tư hãng hàng không Vietravel Airlines với trụ sở đặt tại Huế để không chỉ khai thác thị trường du lịch Huế mà còn ngành hàng không còn đầy tiềm năng.

Theo quy định, để được bay, Vietravel phải được Bộ GTVT cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng không sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Từ 4-5 năm trở lại đây, Viettravel đã hợp tác với các hãng hàng không thực hiện các chuyến bay charter (thuê bao nguyên chuyến), với các tour du lịch bay thẳng từ Việt Nam đến đến Phuket, Chiang Mai (Thái Lan); Ninh Ba (Trung Quốc); Jeju (Hàn Quốc), Fukushima (Nhật Bản)...

Theo đó thay vì mua vé máy bay bình thường, vài năm gần đây nhiều công ty đã thuê bao trọn chuyến bay. Cách làm này đã đáp ứng nhu cầu thiết thực của du khách, "đánh trúng" tâm lý vừa muốn bay thẳng vừa lại tiết kiệm thời gian và chi phí vì vậy thuê bao chuyến bay - xu hướng mới lên ngôi.

Theo thông tin từ Vietravel, việc đi máy bay riêng nhưng giá lại rẻ hơn từ 20-35% so với tour thông thường. Lịch khởi hành theo đúng kế hoạch, hiếm khi hoãn hoặc hủy chuyến, giờ bay linh hoạt theo hướng có lợi nhất cho khách hàng. Thêm vào đó, công ty thuê máy bay có thể yêu cầu hãng cung cấp dịch vụ bay theo yêu cầu đến bất cứ sân bay nào mà hãng được phép khai thác.

Hiện Việt Nam có 5 hãng hàng không gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air, Bamboo Airways và Vasco.

Theo Nghị định 92/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng, mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không với hãng hàng không khai thác đến 10 máy bay là 700 tỷ đồng đối với doanh nghiệp có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế; 300 tỷ đồng đối với doanh nghiệp chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa;

Khai thác từ 11 đến 30 máy bay: 1.000 tỷ đồng đối với doanh nghiệp có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế; 600 tỷ đồng đối với doanh nghiệp chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa;

Khai thác trên 30 máy bay: 1.300 tỷ đồng đối với doanh nghiệp có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế; 700 tỷ đồng đối với doanh nghiệp chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa.

Mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung: 100 tỷ đồng.

PV

Cùng chuyên mục
XEM