Chủ trường mầm non tư thục 'mất trắng' miếng đất tiền tỉ sau nửa năm cơ sở đóng cửa

18/11/2021 19:00 PM | Xã hội

Nhiều trường mầm non tư thục tại Hà Nội đang rất khó khăn, đứng trước nguy cơ đóng cửa sau nửa năm tạm ngừng hoạt động vì đại dịch.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, trong đó ngành giáo dục mầm non cũng gặp nhiều khó khăn khi phải dừng hoạt động nửa năm nay. Những cơ sở giáo dục mầm non tư thục hiện đang chịu áp lực căng thẳng đến từ nguồn chi phí thường xuyên như tiền thuê mặt bằng , hỗ trợ giáo viên,... trong khi không có nguồn thu.

6 tháng nghỉ dịch mất tiền tỷ vì thuê mặt bằng

Thuê mặt bằng tại vị trí vàng thuộc khu chung cư ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), mỗi tháng chị Nguyễn Hà Phương - chủ trường mầm non A.D mất 300 triệu tiền thuê cho hai cơ sở với khoảng 40 giáo viên.

 Chủ trường mầm non tư thục mất trắng miếng đất tiền tỉ sau nửa năm cơ sở đóng cửa - Ảnh 1.

Lớp học vui nhộn trước mùa dịch.

Mấy tháng nay, chị Phương xoay xở chóng mặt để có tiền thuê mặt bằng. Trước kia, chủ mặt bằng yêu cầu trả tiền thuê theo quý nhưng hiện giờ quá khó khăn nên chị xin trả theo tháng.

Trường không hoạt động, không có nguồn thu nên mỗi tháng bù lỗ 300 triệu đồng khiến gia đình chị Phương điêu đứng. Sáu tháng nay chị Phương mất gần 2 tỷ tiền thuê mặt bằng, dù chủ nhà hỗ trợ giảm 10% nhưng cũng không đáng kể.

“Ngoài tiền thuê mặt bằng chung cư, hàng tháng dù trường không hoạt động tôi vẫn phải đóng thêm các khoản như tiền internet, tiền phí dịch vụ trong khi nửa năm nay nhà trường không có một nguồn thu nào để “gánh” cho khoản tiền thuê mướn này.

Trả mặt bằng thì tiếc công sức xây dựng bao ngày tháng nhưng cứ kéo dài mãi tôi cũng không biết trụ được đến khi nào. Hiện tại tôi đang đứng trước câu hỏi “nên dừng hay đi tiếp?".

Hai đợt dịch đầu của năm 2020, tôi cũng cố gắng hỗ trợ được lương cơ bản cho giáo viên, nhưng đến đợt dịch kéo dài hơn nửa năm của năm 2021 tôi thực sự quá sức nên giáo viên của trường 'trắng lương'", chị Phương nói.

Theo chị Phương, dù không muốn nhưng chị buộc phải sử dụng biện pháp chấm dứt hợp đồng lao động tạm thời với một số giáo viên để giảm bớt khoản chi phí đóng bảo hiểm cho người lao động.

"Có cô thì về quê bán hàng với mẹ, có cô thì bán hàng online trên thành phố, có cô thì nghe đâu chuyển hẳn về quê sinh sống vì không có công việc, không trụ lại được trên thành phố”, chị Phương đau lòng kể.

"Hồ hởi mở mầm non tư thục... tôi mất ngay miếng đất"

Chị Nguyễn Thu Cúc (quận Cầu Giấy) vốn công tác trong ngành giáo dục. Lâu nay, chị Cúc vẫn mơ ước có một cơ sở mầm non của riêng mình. Thấu hiểu mơ ước của vợ, chồng chị Cúc quyết định bán miếng đất ở ngoại thành đi để lấy tiền cho chị mở cơ sở giáo dục mầm non.

Chị mất hơn 1 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo thêm giáo viên và đóng tiền thuê nhà 6 tháng. Trường mầm non của chị Cúc hoạt động từ khi mới chỉ có chục cháu, sau 2 tháng con số bắt đầu lên đến 40, 50 học sinh, vợ chồng vừa mừng rỡ vì bắt đầu có nguồn thu thì bùng dịch.

 Chủ trường mầm non tư thục mất trắng miếng đất tiền tỉ sau nửa năm cơ sở đóng cửa - Ảnh 2.

Cơ sở vật chất hiện đại nhưng lớp học mầm non đành "cửa đóng then cài" khi bùng dịch.

Chị Cúc chia sẻ: “Vừa hoạt động từ tháng 2 thì đến tháng 4 toàn bộ trường học trên địa bàn thành phố đóng cửa, đến bây giờ cũng là hơn nửa năm trời.

Tôi thuê mặt bằng là biệt thự liền kề ngay quận trung tâm nên giá thuê đắt đỏ tới 120 triệu/tháng. Trường học đóng cửa, bà chủ tốt bụng cũng giảm cho tôi 30% phí thuê nhà nhưng tổng chi phí phải bù lỗ suốt thời gian qua khá lớn, coi như tôi mất luôn miếng đất ngoại thành.

Xác định dịch bệnh còn tiếp tục kéo dài, nếu trường học có mở cửa thì nhiều phụ huynh cũng rất e ngại việc cho học sinh lớp mầm đến trường. Vậy nên vợ chồng tôi bàn nhau sang nhượng lại lớp học nhưng tìm nửa tháng nay vẫn chưa thấy có người mặn mà với ngành giáo dục mầm non tư thục”.

Nhiều người cho rằng các trường mầm non tư thục đã góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương phát triển giáo dục mầm non, đáp ứng yêu cầu nuôi dạy trẻ, đặc biệt là ở các khu đông dân cư, khu công nghiệp – khu chế xuất.

Vì vậy trước những ảnh hưởng của dịch bệnh thì nên có hỗ trợ "cứu" cơ sở mầm non tư thục như vay vốn với mức lãi suất 0%, hoặc có chính sách cho vay với lãi suất thấp, hỗ trợ giãn nợ, khoanh nợ với các khoản vay của các đơn vị đang thế chấp tài sản cho ngân hàng trong thời gian tạm nghỉ hoạt động do dịch, để trả lãi, tiền mặt bằng, lương giáo viên và có kinh phí hoạt động sau khi cơ sở được phép hoạt động.

Theo Hoàng Thanh

Cùng chuyên mục
XEM