Chủ tịch VNPT: "Chúng tôi sẽ cổ phần hóa công ty mẹ"
Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên của VNPT cho biết, VNPT cũng đặt mục tiêu xây dựng và triển khai phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tập đoàn VNPT trong giai đoạn 2016 – 2020 đảm bảo đúng tiến độ, quy định.
Trong buổi làm việc mới đây với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc , ông Trần Mạnh Hùng cho biết, tổ chức hoạt động của VNPT sau tái cấu trúc đã được phân thành 3 lớp “Dịch vụ - Hạ tầng - Kinh doanh” theo đúng mô hình chuỗi của doanh nghiệp viễn thông - CNTT hiện đại; tạo tiền đề cho việc thay đổi về chất trong các hoạt động quản trị doanh nghiệp. VNPT-Net, VNPT-VinaPhone, VNPT-Media đã hoạt động ổn định; cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ, cơ chế quản lý nội bộ được điều chỉnh cho phù hợp với mô hình mới và dần phát huy hiệu quả.
Ông Trần Mạnh Hùng nhấn mạnh rằng, việc thay đổi về chất trong các hoạt động quản trị đầu tư của VNPT sau tái cơ cấu đã xóa bỏ hoàn toàn cơ chế xin - cho vốn đầu tư, dự án... Vốn đầu tư được phân bổ theo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn; từng bước thực hiện đầu tư mua sắm tập trung nhằm chuyên nghiệp hóa công tác đầu tư, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả đầu tư và năng suất lao động của khối đầu tư.
Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động quản lý sau tái cơ cấu của các đơn vị đã giảm từ hơn 25% xuống gần 10%, gần 40% số lao động chuyên môn nghiệp vụ đã được tăng cường cho hoạt động trực tiếp kinh doanh. Việc áp dụng các công cụ quản trị hiện đại tạo bước thay đổi trong việc bố trí, sử dụng lao động hiệu quả cho VNPT.
Vẫn tại buổi làm việc với Thủ tướng, ông Trần Mạnh Hùng cho biết, VNPT sẽ phải tiếp tục hoàn thiện toàn diện và triệt để mô hình tổ chức SXKD theo Đề án tái cơ cấu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xây dựng các cơ chế kinh tế kèm theo nhằm tạo sự phối hợp tốt giữa các đơn vị thành viên, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả SXKD và gia tăng thị phần các dịch vụ chủ lực: di động, băng rộng, các dịch vụ nội dung và giá trị gia tăng.
VNPT phải tiếp tục khẳng định vị trí của tập đoàn kinh tế chủ lực của Việt Nam trong phát triển hạ tầng, cung cấp các dịch vụ VT – CNTT; bảo đảm thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Đảng, Chính phủ; góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng, phòng chống thiên tai... và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, VNPT cũng đặt mục tiêu xây dựng và triển khai phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tập đoàn VNPT trong giai đoạn 2016 – 2020 đảm bảo đúng tiến độ, quy định” ông Hùng nói.
Để đạt được các mục tiêu trên, ông Hùng cho biết VNPT đã đề ra một số giải pháp thực hiện gồm tập trung nguồn lực để thực hiện giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong quá trình thực hiện tái cơ cấu Tập đoàn VNPT thời gian qua; đồng thời tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế song song với hoàn thiện cơ chế quản lý, điều hành trong nội bộ một cách linh hoạt. Bên cạnh đó, VNPT sẽ tập trung kinh doanh các dịch vụ di động, băng rộng; đẩy mạnh phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng và đặc biệt là dịch vụ công nghệ thông tin, truyền thông; có chiến lược đầu tư ra nước ngoài nhằm mở rộng thị trường.
Ông Trần Mạnh Hùng còn cho biết, VNPT sẽ thực hiện lựa chọn công nghệ hiện đại, ưu tiên đầu tư có trọng điểm vào các lĩnh vực có hiệu quả cao; kiên quyết huỷ bỏ hoặc dừng các dự án hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả.
Chú trọng đầu tư cho hệ thống công cụ, ứng dụng CNTT phục vụ quản lý, điều hành SXKD trong VNPT. VNPT sẽ tiếp tục nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp hiện đại; tăng cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, chú trọng phát triển đội ngũ lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, kinh doanh, kỹ thuật lành nghề theo hướng Chuyên biệt - Khác biệt - Hiệu quả. VNPT sẽ triển khai nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; chủ động sản xuất thiết bị điện tử viễn thông đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, tạo nền tảng phát triển doanh nghiệp bền vững.
Đánh giá về việc tái cơ cấu của VNPT, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhận định, VNPT đã trải qua "cuộc đại phẫu" toàn diện, khi MobiFone tách ra mang đi 40% doanh thu và 60% lợi nhuận của VNPT. Thế nhưng, kết quả sau khi tái cơ cấu VNPT thì thị phần tăng, lợi ích người tiêu dùng đảm bảo và lương người lao động tăng lên. Cái được nhất sau khi VNPT tái cơ cấu là thay đổi về nhận thức về cạnh tranh và tư duy quản trị, người lao động tìm được động lực để làm việc.
Thứ trưởng Pham Tâm nhấn mạnh, mục tiêu tái cơ cấu thị trường viễn thông để tạo 3 doanh nghiệp có thị phần tương đương nhau. Tái cơ cấu với những kết quả tốt là bước khởi đầu và VNPT phải nỗ lực rất nhiều để đạt được mục tiêu này. Mục tiêu sản xuất kinh doanh mà VNPT đặt ra vẫn còn “khiêm tốn” so với mục tiêu đặt ra phải trở thành tập đoàn mạnh. Vì vậy, VNPT phải mạnh dạn đặt mục tiêu cao hơn và có trọng tâm phát triển rõ hơn.
“Sắp tới, các doanh nghiệp sẽ triển khai 4G, IoT. Với những công nghệ mới này, các nhà mạng xuất phát điểm giống nhau mà đây cũng là cơ hội bứt phá cho các doanh nghiệp. VNPT cần có chiến lược, giải pháp rõ ràng cho lĩnh vực này”, Thứ trưởng Phan Tâm nói.