Chủ tịch Viettel nêu ba bài học xương máu giúp nhà mạng “đem chuông đi đánh xứ người”, khẳng định làm gì cũng cần “điểm tựa Việt Nam”

04/10/2024 10:48 AM | Công nghệ

“Thủ tướng có nhấn mạnh đến những điểm tựa Việt Nam, Viettel khi kinh doanh ra nước ngoài rất cần điểm tựa đó”, Thiêu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, cho biết.

Chủ tịch Viettel nêu ba bài học xương máu giúp nhà mạng “đem chuông đi đánh xứ người”, khẳng định làm gì cũng cần “điểm tựa Việt Nam”- Ảnh 1.

Chủ tịch Viettel Tào Đức Thắng: Viettel đã trở thành nhà đầu tư viễn thông lớn trên thế giới. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Sáng 4/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng cùng Thường trực Chính phủ có cuộc gặp mặt với các đại diện doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam. Tại sự kiện, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) chia sẻ ba khó khăn cùng những “bài học xương máu” giúp Tập đoàn có thể đầu tư tại 13 thị trường, được định giá 9 tỷ USD.

Vietel từ khi khai trương mạng di động năm 2004, chỉ 2 năm sau, tức năm 2006, chúng tôi đã đầu tư ra nước ngoài. Mặc dù là lĩnh vực mới, chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng chúng tôi cũng mạnh dạn đầu tư tại 2 nước là Lào và Campuchia. Từ đó rút kinh nghiệm để đầu tư ra các nước khác tại châu Phi và Mỹ La tinh ”, Chủ tịch Viettel kể.

Sau 18 năm “đem chuông đi đánh xứ người”, Viettel đã trở thành nhà đầu tư viễn thông lớn trên thế giới, giá trị thương hiệu theo định giá gần 9 tỷ USD, đứng thứ 17 thế giới và giá trị thương hiệu viễn thông số 1 tại Đông Nam Á.

Việc đầu tư ra nước ngoài đã góp phần định vị Viettel trên thương trường quốc tế. Hiện nay, Viettel đã đầu tư tại 13 quốc gia với 24 dự án thuộc các lĩnh vực kinh doanh viễn thông, nghiên cứu phát triển, xây lắp, bưu chính với tổng số vốn là 1,5 tỷ USD. Trong đó chiếm tỉ trọng lớn là các dự án viễn thông của Tập đoàn.

Tại các nước đầu tư, Chủ tịch Viettel cho biết, doanh nghiệp  hướng tới mục tiêu là doanh nghiệp tiên phong dẫn dắt thị trường.

“Trong lĩnh vực viễn thông, Viettel có 7/10 thị trường đã vươn lên số 1 . Có những thị trường trong vòng 6 tháng đã vươn lên số 1 như thị trường Bungaria, có những thị trường khác, chúng tôi kiên trì sau 12 năm như Mozambique ”, ông Thắng cho biết.

Bên cạnh viễn thông, Viettel cũng mở rộng, đi vào chiều sâu như là đưa nền tảng số, những lĩnh vực mới để kinh doanh như thanh toán số tại châu Phi, Mozambique.

Về những thuận lợi, theo ông Thắng, Viettel đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao nên tận dụng được lợi thế của người đi sau. Ngoài ra, chất lượng nguồn nhân lực tại Việt Nam dồi dào, chi phí nhân công hợp lý, có khả năng thích ứng, linh hoạt, kiên trì nên có thể biến khó khăn thành cơ hội. Song song, doanh nghiệp cũng luôn nhận được sự ủng hộ, tháo gỡ khó khăn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành liên quan.

Bên cạnh thuận lợi, người điều hành Viettel cũng nêu ra không ít thách thức, đặc biệt khi khai thác các vùng khó khăn ở châu Phi, Nam Mỹ hay Đông Nam Á.

“Khi xin phép đầu tư, Viettel luôn khảo sát rất kỹ thị trường trước khi ra quyết định, tuy nhiên chúng ta cũng không thể lường trước được những xung đột, diễn biến chính trị ở các quốc gia”, ông Thắng nói.

Ngoài ra, yếu tố khác biệt về văn hóa hay rào cản ngôn ngữ cùng là một trong những khó khăn khi doanh nghiệp đem chuông đi đánh xứ người.

Về bài học kinh nghiệm, theo Chủ tịch Viettel, doanh nghiệp phải có khát vọng, tự tin, tự hào đủ lớn. Bởi khi kinh doanh ở nước ngoài, các doanh nghiệp phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, nhưng phải tự tin, kiên trì, khát vọng đủ lớn để thành công.

Thứ 2, phải khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng tình hình chính trị, kinh tế, luật pháp tại các nước trước khi đầu tư.

Thứ 3, phải tạo dựng được mối quan hệ với Chính phủ, gắn kết với chính quyền địa phương, duy trì mối quan hệ. Sau nữa, kinh doanh phải gắn liền với trách nhiệm xã hội tại các nước chúng ta đầu tư.

“Trước đây, Thủ tướng có nhấn mạnh đến những điểm tựa Việt Nam. Chúng tôi, khi kinh doanh ra nước ngoài rất cần điểm tựa đó, nhất là tại những nước chúng ta không có sứ quán, bảo hộ đầu tư. Cần có chiến lược hoặc nghị quyết về lĩnh vực này để doanh nghiệp tự tin đi ra nước ngoài”, ông Thắng nói.

Do đó, ông cũng kiến nghị cần nâng cao vai trò ngoại giao kinh tế hỗ trợ doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài qua những chuyến công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, hay những chuyến thăm của lãnh đạo, doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam.

Song song, Chính phủ cần giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp đầu đàn, với những thế mạnh tại những vùng, khu vực cụ thể, cùng với các doanh nghiệp khác của Việt Nam tạo hệ sinh thái đầy đủ tại các nước đầu tư.

Thảo Vân

Cùng chuyên mục
XEM