Chủ tịch Vietravel hiến kế cứu du lịch Việt: Lập các “tam giác phát triển”, cho học sinh nghỉ hè 4 - 5 tuần để kích cầu nội địa

09/05/2020 12:26 PM | Kinh doanh

Trong khi kỳ vọng thị trường quốc tế đến tháng 10 - 11 mới có thể đón khách trở lại, Chủ tịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ đề xuất nhiều giải pháp giúp thúc đẩy du lịch trong nước như phát triển các "tam giác phát triển", mở lại đường bay,...

Sáng nay 9/5, Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về phục hồi nền kinh tế đã được truyền hình trực tiếp, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đúng với chủ trương không phải là dịp "than nghèo, kể khổ", các đại diện bộ ban ngành cũng như lãnh đạo doanh nghiệp tập trung kiến nghị nhiều chính sách hỗ trợ, giải pháp giúp hồi phục nền kinh tế.

Đại diện cho lĩnh vực du lịch, một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì Covid-19, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Công ty Vietravel đánh giá cơ hội và rủi ro trong thời gian tới.

Về cơ hội, Việt Nam đang trở thành điểm sáng, được bạn bè quốc tế đánh giá cao trong cuộc chiến chống Covid cũng như trong việc đảm bảo một xã hội an toàn. Tuy nhiên, do đặc thù là ngành kinh tế tổng hợp nên khả năng hồi phục trở lại của du lịch còn phụ thuộc lớn vào sự chung tay góp sức của các thành phần kinh tế và ngành nghề khác. Đồng thời cần có thời gian chuyển đổi do có độ trễ của thị trường khách.

Chủ tịch Vietravel đưa ra những kiến nghị cụ thể, như sau:

Thứ nhất, triển khai ngay chiến dịch truyền thông "Việt Nam – Điểm đến an toàn" nhằm xúc tiến quảng báo, lôi kéo khách du lịch.

"Nếu làm tốt điều này, đối với những thị trường đã có sự hồi phục, tôi cho rằng ta có thể thu hút được khách du lịch trở lại Việt Nam vào quý IV năm nay. Đó là thị trường ở Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông."

Ông kỳ vọng đến tháng 10 - 11, Việt Nam có thể đón khách trở lại từ những khu vực kể trên.

Chủ tịch Vietravel hiến kế cứu du lịch Việt: Lập các “tam giác phát triển”, cho học sinh nghỉ hè 4 - 5 tuần để kích cầu nội địa - Ảnh 1.

Ảnh: VGP

Trong khi đó, trước mắt cần tập trung thúc đẩy thị trường trong nước để duy trì và giữ lại hệ thống, nhân sự trong ngành.

Ông Quốc Kỳ đề xuất tạo ra những tam giác phát triển, có sự kết nối giữa các cơ quan chính quyền địa phương. Ví dụ miền Bắc có Hà Nội – Ninh Bình – Quảng Ninh, miền Trung có Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam và Nha Trang – Đắk Lắk – Phú Yên, miền Nam có TP. Hồ Chí Minh – Bà Rịa Vũng Tàu – Đông Nam Bộ.

Để thúc đẩy cầu du lịch tại những khu vực trọng tâm này, ông Kỳ bày tỏ nguyện vọng có thể giảm 50% chi phí tham quan những danh lam thắng cảnh mà Nhà nước đang quản lý.

Thứ hai, mở lại có chọn lọc các đường bay trong nước, gỡ bỏ hạn chế cho các hãng hàng không bởi 85% lưu lượng di chuyển trong lĩnh vực du lịch hiện nay là bằng phương tiện này.

Thứ ba, nghiên cứu mở cửa các thị trường quốc tế có chọn lọc.

Chủ tịch Vietravel hiến kế cứu du lịch Việt: Lập các “tam giác phát triển”, cho học sinh nghỉ hè 4 - 5 tuần để kích cầu nội địa - Ảnh 2.

Chủ tịch Vietravel - Nguyễn Quốc Kỳ

Về cơ chế chính sách, Chủ tịch Vietravel đề xuất biện pháp nhằm giúp ngành du lịch tiếp cận dễ dàng hơn với các gói tài trợ. Ví dụ, gói bảo hiểm xã hội cho người lao động có thể đưa ngay về đầu mối các doanh nghiệp, tránh việc đưa về các địa phương do có sự chuyển dịch lao dộng trên toàn quốc.

Ông cũng đề xuất giảm thuế VAT xuống còn 5%, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 10%, đồng thời tiếp tục áp dụng giá điện sản xuất cho các cơ sở lưu trú, điểm thăm quan trong vòng 1 năm, như đã triển khai từ tháng 4 đến tháng 6.

Về công nợ giữa các doanh nghiệp dịch vụ với nhau, đặc biệt là giữa hàng không với các hãng du lịch, ông Kỳ đề nghị Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng địa phương đứng ra làm trung gian, kết chuyển những khoản nợ này, giúp công ty lữ hành được nhận lại nguồn tiền đã chuyển trước cho hãng hàng không, đem về phục vụ các hoạt động phục hồi sau dịch.

Vị này cũng đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu thời gian học phù hợp để học sinh vẫn có quãng nghỉ hè khoảng 4 - 5 tuần, từ giữa tháng 8 để thúc đẩy cầu trong nước, đưa du lịch qua cơn khó trong quý III.

T.D

Cùng chuyên mục
XEM