Chủ tịch VCCI: Hỗ trợ doanh nghiệp không chỉ là bảo vệ DN mà là bảo vệ cả nền kinh tế, đề xuất phát động chiến dịch cao điểm người Việt dùng hàng Việt trong 6 tháng
"Nếu như bác sỹ, nhân viên y tế là chiến sỹ tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch thì doanh nhân ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống suy giảm kinh tế. Chống suy giảm kinh tế có nghĩa là bảo vệ công ăn việc làm của hàng chục triệu người để đảm bảo an sinh xã hội, an toàn xã hội. Cũng phải nhận thức đây không chỉ là hỗ trợ doanh nghiệp, bảo vệ doanh nghiệp, mà là bảo vệ nền kinh tế, bảo vệ chính đất nước này, bảo vệ chính 100 triệu người dân, chứ không phải là vấn đề của mấy doanh nghiệp kêu khóc", TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI – nêu quan điểm.
Sáng 10/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến bao gồm 4 nội dung, trong đó có nội dung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thì chiều 10/4, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gặp gỡ lắng nghe những ý kiến và giải pháp đề xuất từ các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội (Hanoisme).
TS. Vũ Tiến Lộc cho biết đã gửi báo cáo lần 2 tới Thủ tướng, đề ra 35 giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó kiến nghị đầu tiên là phải có tinh thần "sống chung với dịch bệnh" khi dịch bệnh được kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sản xuất kinh doanh.
"Trong bối cảnh hiện nay, hầu hết doanh nghiệp gặp khó khăn về đầu vào, đầu ra, khó khăn về nguồn vốn không triển khai được sản xuất kinh doanh. Vậy doanh nghiệp nào tổ chức được sản xuất kinh doanh thì phải trân trọng, nâng niu, hỗ trợ bảo vệ và tạo điều kiện thuận lợi nhất, bởi đây là huyết mạch của nền kinh tế".
"Doanh nghiệp mà chết, huyết mạch không lưu thông được thì hệ quả đối với nền kinh tế vô cùng lớn", Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhìn nhận.
Đây không chỉ là hỗ trợ doanh nghiệp, bảo vệ doanh nghiệp, mà là bảo vệ nền kinh tế, bảo vệ chính đất nước này, bảo vệ chính 100 triệu người dân, chứ không phải là vấn đề của mấy doanh nghiệp kêu khóc
TS. Lộc cho biết trong cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng, ông đã đề nghị Thủ tướng đề nghị tất cả Chủ tịch các địa phương phải rà soát lại các quyết định của mình, hủy bỏ ngay các quyết định "ngăn sông cấm chợ" và hạn chế hoạt của doanh nghiệp. Trừ một số lĩnh vực đặc biệt như quán hàng ăn, khách sạn, du lịch, hay ngành hàng không phải hạn chế, còn các lĩnh vực sản xuất khác đề nghị cho phép hoạt động.
Theo khảo sát của VCCI, 50% doanh nghiệp có thể không tồn tại được sau 6 tháng nữa. Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tỷ lệ chết sẽ cao hơn.
Trong Covid-19, rất nhiều doanh nghiệp đã ngấp nghé phá sản, nay nếu còn "ngăn sông cấm chợ", hạn chế hoạt động, thì chỉ sau 3 tháng, số doanh nghiệp "chết" sẽ rất nhiều.
"Cuộc chiến chống dịch lần này không biết kéo dài đến bao giờ. Giờ Việt Nam có thể khống chế tốt dịch đi nữa, nhưng các nước khác trên thế giới chưa khống chế được, thì Việt Nam cũng chưa thoát khỏi được dịch bệnh. Nếu như vậy, phải chuyển sang một trạng thái khác là kinh doanh an toàn", ông Lộc đề nghị.
VCCI cũng kiến nghị đưa nền kinh tế chuyển sang trạng thái "Kinh doanh an toàn" và "Sống chung với dịch" như một số quốc gia hiện nay.
"Yêu cầu hàng đầu là phải bảo vệ sản xuất kinh doanh. Chúng ta coi chống dịch là ưu tiên, nhưng bảo vệ doanh nghiệp hay duy trì sản xuất kinh doanh là quan trọng. Hai nhiệm vụ đó phải thực hiện quyết liệt như nhau, thái độ chính quyền như nhau. Thậm chí tôi còn đề nghị thành lập Ban chỉ đạo và tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua dịch bệnh", Chủ tịch VCCI nói và đưa ra 4 kiến nghị cần thực hiện ngay của VCCI gồm:
- Dỡ bỏ ngay các quyết định "ngăn sông cấm chợ", "không cho phép người lao động hay nguyên vật liệu vào tỉnh", không cho phép sản xuất được tiến hành, không cho phép công trường được hoạt động.
"Các hoạt động sản xuất nên được duy trì trong điều kiện lao động mang khẩu trang, giữ khoảng cách hợp lý. Bộ Y tế phải xây dựng bộ hướng dẫn cho doanh nghiệp, với các kịch bản khi có khách hoặc người lao động nhiễm virus SARS-CoV-2 thì xử lý thế nào", ông Lộc kiến nghị.
- Các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp cả về thuế, chính sách tín dụng phải triển khai ngay.
"1 đồng hôm nay có giá trị bằng 10 đồng nếu giải ngân chậm sau này, chưa kể giải ngân hiện nay doanh nghiệp còn hấp thụ được, chứ để vài ba tháng sao e doanh nghiệp chết rồi", ông Lộc nói.
- Các biện pháp khác về thủ tục hành chính, thể chế cần đẩy nhanh. Giờ nếu doanh nghiệp nào sẵn sàng sản xuất kinh doanh, đăng ký kinh doanh ngành nghề mới không thu phí, làm thật nhanh, làm online. Giờ là lúc thúc đẩy thể chế mạnh để hỗ trợ doanh nghiệp.
- Phát động chiến dịch cao điểm người Việt dùng hàng Việt.
"Về mở mang thị trường, tôi đề nghị phát động một chiến dịch cao điểm người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong 6 tháng để giúp doanh nghiệp Việt giải tỏa lượng hàng tồn", ông Lộc đề xuất.
"Đất nước ta đang đứng giữa 2 trận chiến. Nếu như bác sỹ, nhân viên y tế là chiến sỹ tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch thì doanh nhân ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống suy giảm kinh tế. Chống suy giảm kinh tế có nghĩa là bảo vệ công ăn việc làm của hàng chục triệu người để đảm bảo an sinh xã hội, an toàn xã hội. Cũng phải nhận thức đây không chỉ là hỗ trợ doanh nghiệp, bảo vệ doanh nghiệp, mà là bảo vệ nền kinh tế, bảo vệ chính đất nước này, bảo vệ chính 100 triệu người dân, chứ không phải là vấn đề của mấy doanh nghiệp kêu khóc".
Ông Lộc cũng cho biết đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ có buổi đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, trao đổi về những biện pháp để trụ vững và phát triển sau đại dịch Covid-19.