Chủ tịch Thái Hà Books: "Đừng nói chuyện ATM gạo là "cần câu" hay "con cá", nếu không phải chịu đói thì khó mà hiểu được"

17/04/2020 16:51 PM | Kinh doanh

Ngày đầu tiên máy vận hành trơn tru, ông Nguyễn Mạnh Hùng ra chợ mua 1 túi ổi và 1 túi dưa chuột, mỗi loại chừng 10kg và rất nhiều rau các loại để "thiết đãi" nhóm thiết kế và vận hành dự án.

"Một chiếc máy có thể phát gạo miễn phí, điều này quá khó tin nhưng lại là sự thật. Chiếc máy ATM gạo này đã được lắp đặt tại nhiều địa điểm trên khắp Việt Nam để giúp những người đang cần được hỗ trợ nhất trong dịch Covid-19". Đó là dòng bình luận của đài CNN hôm 13/4 về những chiếc máy nghĩa tình của các nhà hảo tâm tại Việt Nam.

Tại Hà Nội, chiếc ATM gạo đầu tiên do Công ty sách Thái Hà (Thái Hà Books) và các mạnh thường quân chung tay triển khai hôm 11/4 tại nhà văn hóa Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội. Chỉ sau vài ngày hoạt động, gần 3.000 người nghèo được hỗ trợ với tổng số gạo khoảng 10 tấn.

Trong những ngày đó, nhiều người thấy một người đàn ông có vóc dáng gầy gò, nước da đen sậm liên tục hướng dẫn bà con đứng xếp hàng cách nhau 2m, cách nhấn nút để lấy gạo. Nhưng ít ai ngờ đó là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Thái Hà Books - ông Nguyễn Mạnh Hùng, người đầu tiên làm ATM gạo ở Hà Nội.

Ngày đầu tiên máy vận hành trơn tru, ông Hùng ra chợ mua 1 túi ổi và 1 túi dưa chuột, mỗi loại chừng 10kg và rất nhiều rau các loại để "thiết đãi" nhóm thiết kế và vận hành dự án…

 Chủ tịch Thái Hà Books: Đừng nói chuyện ATM gạo là cần câu hay con cá, nếu không phải chịu đói thì khó mà hiểu được - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng hướng dẫn bà con lấy gạo tại chiếc máy ATM đặc biệt trong mùa dịch Covid-19.

"Tôi chỉ có cái tâm thôi, còn lại là mọi người giúp đỡ"

Điều gì khiến anh quyết định đặt chiếc ATM gạo đầu tiên ở phường Nghĩa Tân, Hà Nội hôm 11/4 sau khi Sài Gòn có chiếc đầu tiên cách đó vài ngày?

Tôi nhớ hôm đó là sáng 8/4 khi mở điện thoại ra có đọc được về ATM gạo ở Sài Gòn. Lúc ấy tự ái nổi lên, "Sài Gòn làm được thì sao Hà Nội mình không làm được?".

Tôi nhớ lại cảnh mình ngày xưa cũng khổ cực ăn rau, ăn cháo, có bữa ăn bữa không, hiểu cảm giác của nhiều người đang thiếu thốn nhu yếu phẩm. Rồi thấy, có những người lấy lương theo ngày, người bán hàng rong nghỉ dài ngày thì họ sống bằng gì.

Lúc đó cũng chưa hiểu sẽ phải làm như thế nào, nhưng thương người nghèo thì mình cứ làm đã, cứ liều đã. Tôi lên Facebook viết một dòng ngắn "Có nên làm ở Hà Nội không?"

Vừa xong thì các anh chị như chị Tạ Bích Loan, anh Nguyễn Thành Nam, anh Đỗ Cao Bảo và mọi người nhắn "làm ngay đi", "sớm phút nào hay phút đó". Thế là quyết định làm. Đơn giản vậy thôi.

Chiếc ATM đầu tiên của Hà Nội đã được nhóm dự án chế tạo như thế nào?

Nói thật là lúc đó đủ thứ khó vì chúng tôi là dân làm sách, đâu có biết gì về kỹ thuật. Nhưng cứ nói khó rồi bỏ cuộc thì cũng không được. Đến khi bắt tay làm vào thì muôn thứ khó vì hàng quán nghỉ hết cả, không biết mua thiết bị ở đâu.

Tôi lên Facebook đăng tin nhờ mọi người giúp đỡ, có học trò của tôi gọi điện "Thầy ơi, em làm được điều khiển máy này". Rồi có bạn mang đến téc nước để đựng gạo, bạn mang ống nhựa để làm ống rót gạo, mỗi người một chút rồi xúm vào làm.

"Khẩn trương lên" - tôi đã giục mọi người như vậy. Tôi nhớ là mất hai ngày sau, tức là tối muộn ngày 10/4 máy mới vận hành được.

Tôi chỉ có cái tâm, còn mỗi người góp một công, một tay một chân cùng làm.

 Chủ tịch Thái Hà Books: Đừng nói chuyện ATM gạo là cần câu hay con cá, nếu không phải chịu đói thì khó mà hiểu được - Ảnh 2.

ATM gạo đầu tiên ở Nghĩa Tân, Hà Nội. (Nguồn ảnh: Hoàng Hải)

 Chủ tịch Thái Hà Books: Đừng nói chuyện ATM gạo là cần câu hay con cá, nếu không phải chịu đói thì khó mà hiểu được - Ảnh 3.

Máy dần được cải tiến và lắp đặt tại nhiều tỉnh như Hòa Bình, Phú Yên...

Hà Nội và sau đó là Hòa Bình, Phú Yên, Buôn Mê Thuột, dường như không có điểm dừng của những chiếc máy ATM gạo?

Ban đầu tôi chỉ định làm một máy ở Hà Nội, nhưng sau đó, rất nhiều đại diện chính quyền các quận như Bắc Từ Liêm (Hà Nội) hay tỉnh thành phố như Hòa Bình, Phú Yên, Hà Tĩnh, Hà Nam… đã gọi điện, nhiệt tình muốn làm máy hỗ trợ bà con.

Thế là chiếc máy đầu tiên vừa hoàn thành thì nhóm bắt tay làm suốt cả đêm để kịp lắp cho quận Bắc Từ Liêm chiếc máy vào sáng hôm 13/4. Sau đó, cứ thế ATM gạo đi khắp nơi.

Ngày hôm qua, tôi đã đi lắp máy ở Lương Sơn – Hòa Bình. Ngủ một đêm tại đó rồi sáng nay lại đến huyện Kim Bôi để khảo sát tiếp địa điểm đặt máy, bàn với địa phương các biện pháp đảm bảo an ninh khi triển khai hoạt động. Mọi chuyện khá gấp gáp nên tôi đang trả lời phỏng vấn khi đang ngồi trên xe đấy (cười).

Nói thật cũng mệt, nhưng mọi người nhiệt tình quá, họ cũng động viên nên có khi tôi mang máy đi khắp 63 tỉnh thành cả nước mất.

Có lẽ anh không ngờ được rằng dự án lại đi xa đến vậy?

Không lường trước được, nhưng cần kíp lắm, nên tôi vẫn đi và cũng chưa nghĩ gì nhiều, chưa tính được.

 Chủ tịch Thái Hà Books: Đừng nói chuyện ATM gạo là cần câu hay con cá, nếu không phải chịu đói thì khó mà hiểu được - Ảnh 4.
 Chủ tịch Thái Hà Books: Đừng nói chuyện ATM gạo là cần câu hay con cá, nếu không phải chịu đói thì khó mà hiểu được - Ảnh 5.
 Chủ tịch Thái Hà Books: Đừng nói chuyện ATM gạo là cần câu hay con cá, nếu không phải chịu đói thì khó mà hiểu được - Ảnh 6.
 Chủ tịch Thái Hà Books: Đừng nói chuyện ATM gạo là cần câu hay con cá, nếu không phải chịu đói thì khó mà hiểu được - Ảnh 7.

Dòng người xếp hàng lấy gạo tại máy ATM. (Nguồn ảnh: Hoàng Hải)

Sau ATM gạo tôi dự định làm ATM sách miễn phí đầu tiên trên thế giới

Mặc dù được đón nhận nhưng ATM gạo đầu tiên ở Hà Nội phải tạm dừng hoạt động 1 ngày vì mọi người chen lấn khi đến nhận gạo. Người ta đã nói nhiều đến lòng tham của con người khi nhìn thấy hình ảnh chen lấn đó, còn anh, anh nghĩ sao?

Tôi kể chị nghe một câu chuyện. Có ông thầy giáo dùng bút chấm một chấm đen lên tờ giấy trắng, rồi giơ lên hỏi học trò "các em nhìn thấy gì". Rất nhiều học trò nói họ nhìn thấy chấm đen. Nhưng ông thầy đặt câu hỏi "cả tờ giấy trắng rộng như vậy, tại sao các trò lại chỉ nhìn thấy chấm đen?". Hãy nhìn tổng thể đó là một tờ giấy trắng, có một chút chấm đen. Tôi nghĩ vậy.

Ở câu chuyện của ATM Nghĩa Tân, đó không phải là hàng nghìn người chen lấn mà chỉ là vài cá nhân. Trong khi lực lượng nhân viên của công ty khá mỏng, chúng tôi không ngờ nhiều người đến đông như vậy. Rồi mọi người so sánh người nọ, người kia vùng này vùng kia, khiến tôi rất buồn bực. Lúc đó, tôi nghĩ "không lẽ không làm nữa".

Nhưng ngay hôm sau, công an phường và thành phố đã cử người hỗ trợ, bà con được hướng dẫn xếp hàng phía ngoài sân vận động gần điểm phát gạo nên mọi việc ổn định trở lại.

Xoay quanh vấn đề thiện nguyện, người ta thường nói "Cho cần câu chứ không cho con cá", anh nghĩ sao về triết lý này? Và trong bối cảnh đại dịch, điều này nên hiểu như thế nào cho đúng?

Có người cũng nói khi tôi làm ATM gạo là "ông Hùng sao không đi cho cần câu mà đi cho cá thế?". Chúng tôi từng làm dự án về sách, thiền hay giảng dạy về marketing, như vậy là cần câu hay cá?

Thôi tôi nghĩ, đừng nói gì chuyện này lúc này nữa, vì nếu không trong hoàn cảnh phải chịu đói 1 ngày thì khó mà hiểu được lắm. Giờ giúp được bao nhiêu người là giúp thôi.

Anh luôn khuyến khích mọi người theo con đường tu thiền và đọc sách, liệu có phải vì vậy mà sắp tới anh dự định triển khai ATM sách miễn phí?

Nhóm anh em của dự án đang bắt tay triển khai rồi. Chúng tôi muốn làm ATM sách đầu tiên trên thế giới và dự kiến trong tháng 4 này sẽ ra mắt tại 5 điểm là tòa nhà Thái Hà Books (Hà Nội), đường sách Nguyễn Văn Bình TP.HCM, phố sách 19/12, đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột và một cái ở miền Trung.

Nhưng có lẽ không nói trước được điều gì, vì như chị thấy, công việc này giống như là nông dân đi làm máy bay, rất khó. Chờ có kết quả rồi sẽ bàn sâu hơn, còn giờ cứ liều, cứ cố gắng, có ai đánh thuế giấc mơ đâu, không có gì mà sợ (Cười).

Cảm ơn anh về những chia sẻ này!

 Chủ tịch Thái Hà Books: Đừng nói chuyện ATM gạo là cần câu hay con cá, nếu không phải chịu đói thì khó mà hiểu được - Ảnh 8.

Theo Hoàng Linh

Cùng chuyên mục
XEM