Chủ tịch một doanh nghiệp BĐS than thở về môi giới Việt: "11h30 đêm tôi bị gọi điện hỏi mua nhà! Cụ già 80 tuổi cũng bị gọi điện! Sao lại đi yêu nghề đến thế?"
"Bản thân tôi 11h30 đêm bị gọi điện dựng dậy hỏi mua nhà. Tôi phải hỏi lại cô đó là 'Em có thấy ai 11h đêm đi mua nhà không?' Tại sao mà yêu nghề đến thế?... Giờ đi gọi điện loạn xạ, lúc nào cũng điện thoại tra tấn. Các cụ già 80 tuổi cũng bị gọi điện hỏi mua nhà. Rất buồn cười!", bà Đinh Lê Hạnh - Chủ tịch Tập đoàn Đinh Lê Group than thở về tính chuyên nghiệp của các nhà môi giới bất động sản tại Việt Nam.
Đầu tư bất động sản công nghiệp ở Mỹ và Việt Nam, bà Đinh Lê Hạnh – Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Đinh Lê Group than thở về tính chuyên nghiệp của các môi giới bất động sản Việt Nam.
Chia sẻ tại Diễn đàn thị trường bất động sản Việt Nam (VREF) 2024, nữ doanh nhân có hàng chục năm lăn lộn trong thị trường bất động sản công nghiệp kể về trải nghiệm bị dựng dậy hỏi mua nhà lúc nửa đêm.
"Bản thân tôi 11h30 đêm bị gọi điện hỏi mua nhà. Tôi phải hỏi lại cô đó là 'Em có thấy ai 11h đêm đi mua nhà không?' Tại sao mà yêu nghề đến thế? Như thế là rất vô duyên, không có ý thức", bà Hạnh nói.
Bà cho rằng người làm nghề môi giới bất động sản cần có trình độ và khả năng tư vấn, khi người có tiền vốn rất thông thái. Tuy nhiên, tình trạng môi giới qua điện thoại ở Việt Nam đang ở mức "loạn xạ", "tra tấn bất kỳ lúc nào".
"Các cụ già 80 tuổi cũng bị gọi điện mua nhà. Như vậy rất buồn cười. So với môi trường của Mỹ, các nhà môi giới bất động sản hoạt động rất chuyên nghiệp, hoa hồng của họ rất rõ ràng, chủ nhà trích trả. Và chủ nhà không cần gặp khách mua".
"Cũng không có chuyện phải cải giá, gửi giá, mà là minh bạch. Họ có trang bán nhà, gửi hình ảnh, đặt lịch đi xem, và người môi giới là người phải có trình độ hiểu biết về pháp luật, tư vấn làm hợp đồng, đảm bảo an toàn. Tôi đi đầu tư nhà máy ở Mỹ, chưa bao giờ phải gặp người bán", bà Hạnh nói và góp ý rằng phía môi giới Việt Nam có thể quan sát và học hỏi.
Tiết lộ một dòng tiền đổ về gấp 3 lần dòng vốn FDI tại TPHCM
Chủ tịch Tập đoàn Đinh Lê Group cũng chia sẻ một dòng vốn rất lớn và hấp dẫn không kém vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) kiều hối.
Theo số liệu chính thức từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), kiều hối về Việt Nam mỗi năm trên 10 tỷ USD, như năm 2021 là 12,5 tỷ USD. Còn nếu theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư, trung bình 3 năm gần đây, Việt Nam nhận 17-18 tỷ USD kiều hối/năm.
Lượng kiều hối chuyển về nước ngày càng gia tăng. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kiều hối năm 2023 gửi về Việt Nam có thể đạt 14 - 15 tỷ USD.
Tính riêng TPHCM, năm 2023, lượng kiều hối đạt khoảng 9 tỉ USD, gần gấp 3 lần dòng vốn FDI về thành phố này (3,4 tỉ USD), Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan chia sẻ trong một sự kiện diễn ra hồi cuối tháng 12/2023.
"Cứ ai có tiền thì điều nghĩ đến đầu tiên là mua nhà", bà Hạnh cho biết. Tuy nhiên, bà nhìn nhận chính sách cho người nước ngoài mua nhà của Việt Nam còn rất thận trọng, theo đó kéo theo thực tế là Việt kiều thường nhờ anh em họ hàng "đứng tên hộ".
Về câu chuyện hút dòng vốn từ nước ngoài nói chung, bà Hạnh khuyến nghị cần giải pháp đồng bộ, đặc biệt là minh bạch hóa.
"Ngay tại cửa khẩu, nơi sân bay hạ cánh xuống, nên có bộ quy chuẩn hướng dẫn luôn cho người nước ngoài chẳng hạn. Đừng để họ bị vướng vào vòng tư vấn rối tít, không biết tin ai được nữa, sẽ rất khổ", bà Hạnh nói.
"Qua quan sát, tôi thấy Việt Nam là điểm đến an toàn, chính trị ổn định, tín nhiệm của người Việt rất cao. Xét về thứ hạng châu Á thì người Việt rất được yêu quý, các sản phẩm của Việt Nam được thế giới đón nhận, và tôi cũng tin tưởng các bạn quốc tế đến Việt Nam rất yêu quý Việt Nam. Họ đã đặt hy vọng đến Việt Nam tìm kiếm lợi nhuận thì chúng ta đón nhận, thấu hiểu và giúp đỡ họ xây dựng một quê hướng thứ hai để họ làm ăn sinh sống ổn định. Đó chính là hướng cho thị trường bất động sản Việt Nam".