Chủ tịch Microsoft: Sự trỗi dậy của 'robot sát thủ' là không thể ngăn cản, cần phải có cách quản lý
Chủ tịch Microsoft cảnh báo về sự trỗi dậy của các mẫu ‘robot sát thủ’ và đề xuất một hiệp ước toàn cầu đối với loại vũ khí này.
Công nghệ robot ngày càng phát triển, kéo theo đó là sự lo lắng không ngừng gia tăng về những hiểm họa mà chúng có thể mang lại, đơn cử như sự ra đời của các vũ khí tấn công tự động được trang bị AI. Những vũ khí thế hệ mới này đang vấp phải sự lo ngại lẫn phản đối ngày càng gia tăng từ nhiều chính phủ, nhà khoa học và các nhân vật có uy tín trên thế giới.
Tháng 8/2017, nhiều chuyên gia trong ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo, bao gồm cả tỷ phú Elon Musk, đã viết thư ngỏ kêu gọi LHQ cần khẩn trương đối phó với trí tuệ nhân tạo được trang bị vũ khí, hay còn được gọi là 'robot sát thủ'
Mới đây nhất, chủ tịch Microsoft đã lên tiếng cảnh báo về sự trỗi dậy của các loại ‘robot sát thủ’ là ‘không thể ngăn cản’, đồng thời đề xuất một hiệp ước toàn cầu để quản lý việc sử dụng loại vũ khí tương lai này.
Công nghệ robot ngày càng phát triển, kéo theo đó là sự lo lắng không ngừng gia tăng về những hiểm họa mà chúng có thể mang lại
Trả lời phỏng vấn tờ The Telegraph của Anh, Chủ tịch Tập đoàn Microsoft Brad Smith khẳng định, việc sử dụng các hệ thống vũ khí giết người, với khả năng tự tìm kiếm mục tiêu và phát động tấn công, đã đặt ra một loạt câu hỏi thuộc phạm trù đạo đức, đồng thời trở thành vấn đề cấp bách mà các quốc gia phải ưu tiên xem xét.
Theo ông Brad Smith, với sự tiến bộ chóng mặt của khoa học kĩ thuật, cụ thể là công nghệ kĩ thuật quân sự, những thiết bị không người lái giờ đây có thể hoạt động trên không, dưới mặt đất hay trên biển mà không cần, hoặc cần rất hạn chế sự điều khiển trực tiếp của con người.
Hiện tại, Mỹ, Trung Quốc, Israel, Hàn Quốc, Nga và Anh là những quốc gia đi đầu trong cuộc chạy đua phát triển các mẫu ‘robot sát thủ’, vốn được tích hợp hệ thống vũ khí có mức độ tự động hóa đáng kể trong quá trình lựa chọn và tấn công mục tiêu.
Cũng theo chủ tịch Microsoft, công nghệ vũ khí tự động hóa đã và đang trở thành một trọng điểm tối quan trọng đối với quân đội nhiều quốc gia. Với việc nhiều nước đang dần thay thế các lực lượng quân đội con người bằng các thiết bị chiến đấu có khả năng tự hoạt động, việc ra quyết định chiến tranh sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, khi yếu tố nhân mạng của binh sĩ không còn là vấn đề phải lo ngại.
Ai sẽ thực sự chịu trách nhiệm cho những thương vong do những vũ khí tự động này gây ra đối với con người?
Tuy nhiên, nhân loại vẫn không thể thống nhất được ai sẽ thực sự chịu trách nhiệm cho những thương vong do những vũ khí tự động này gây ra đối với con người. Đó là nhà sản xuất, đơn vị thiết kế, người chỉ huy hay chính con robot đó?
Ông Smith khẳng định, "robot sát thủ không được phép tự quyết định tham gia chiến đấu hay tự quyết định nó sẽ tấn công ai", đồng thời cho rằng thế giới cần phải họp bàn để ra một công ước quốc tế mới trong việc quản lý và sử dụng những vũ khí sát thương thế hệ mới này.
"Sự an toàn của dân thường đang bị đe dọa ngay bây giờ. Chúng ta cần một Công ước Geneva mới và cả những quy định về vũ khí số để bảo vệ cả dân thường và binh lính", ông Smith nói.