Chủ tịch Masan với quan điểm 'Không phải cứ đưa hộp sữa lên kệ là kinh doanh online' và bài học Walmart đánh bại Amazon trong mảng thực phẩm trực tuyến

12/04/2021 13:35 PM | Xã hội

Vốn là hãng bán lẻ truyền thống nhưng Walmart đang vươn lên đứng ở vị trí thứ 2 về doanh số bán lẻ trực tuyến tại Mỹ.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nguyễn Đăng Quang của Masan từng cho biết phần lớn thế giới không tin các hãng kinh doanh truyền thống có thể trở thành ông lớn về thương mại điện tử mà ngược lại, họ hay ca ngợi việc những công ty như Amazon, Alibaba đã thay đổi thị trường mua sắm như thế nào.

Tuy nhiên một sự thật không thể chối cãi là trong một số ngành hàng như thực phẩm trực tuyến (Grocery Online), các doanh nghiệp truyền thống như Walmart mới là ông vua đích thực.

"Amazon, Alibaba không phải là nhà vô địch về kinh doanh online của ngành hàng Grocery. WalMart mới là người đứng đầu về Grocery Online. Bởi để làm điều đấy, bạn phải hiểu khách hàng, chứ không chỉ đơn giản là đưa bánh mì, hộp sữa lên trên market place rồi nói ‘Tôi có kinh doanh online’", Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang chia sẻ.

Chủ tịch Masan với quan điểm Không phải cứ đưa hộp sữa lên kệ là kinh doanh online và bài học Walmart đánh bại Amazon trong mảng thực phẩm trực tuyến - Ảnh 1.

Tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ online của Walmart cao hơn cả Amazon

Thật vậy, báo cáo của Winsight Grocery Business (WGB) cho thấy 48% số người mua thực phẩm trực tuyến tại Mỹ sử dụng dịch vụ giao hàng của Walmart còn Amazon chỉ chiếm 36%. Điều đáng chú ý là 82% số khách hàng từng mua online qua Walmart sẽ quay lại ít nhất 1 lần trong tháng, qua đó cho thấy sức mạnh thật sự của các doanh nghiệp truyền thống nếu họ thực sự tham gia kinh doanh trực tuyến.

Đúng như những gì Chủ tịch HĐQT Masan đã từng chia sẻ, cơ hội kinh doanh là đủ cho tất cả doanh nghiệp kể cả online hay "offline" (công ty truyền thống). Nếu có sự kiên trì, trí tuệ, dám làm với một định hướng rõ ràng thì kiểu gì cũng sẽ có kết quả và Walmart là một minh chứng rõ ràng.

Theo WGB, mặc dù nhiều khách hàng tại Mỹ sử dụng cùng lúc các nền tảng thương mại điện tử khác nhau nhưng rõ ràng Walmart là người chiến thắng sau cùng trên chiến trường thực phẩm trực tuyến. Xin được nhắc là Walmart mới chỉ chiếm 5,8% thị phần bán lẻ trực tuyến tại Mỹ, thấp hơn nhiều so với 39% của Amazon. Hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu thị phần bán lẻ của Walmart tăng cao hơn nữa.

Vậy những yếu tố nào đã giúp một doanh nghiệp bán lẻ truyền thống như Walmart cướp ngôi vương của Amazon trên thị trường thực phẩm trực tuyến như vậy?

1. Sai lầm khi chọn đối thủ

Một trong những thói quen thường thấy khi các nhà bán lẻ truyền thống chuyển từ "offline" sang online là tập trung quá nhiều vào những đối thủ công nghệ như Amazon hay Alibaba. Tuy nhiên những hãng công nghệ như Amazon hay Alibaba lại chẳng phải một doanh nghiệp bán lẻ thông thường mà họ hoạt động trên nhiều lĩnh vực, bởi vậy việc các nhà bán lẻ truyền thống muốn đánh bại các hãng công nghệ này là một mục tiêu không thực sự hợp lý.

Với Walmart, thành công của hãng kinh doanh truyền thống này khi chuyển từ offline sang online là tập trung nguồn lực vào mảng mà họ hiểu rõ nhất là thực phẩm thay vì theo đuôi cạnh tranh với Amazon. May mắn cho công ty này là nếu họ không tiếp cận kinh doanh trực tuyến từ năm 2013 thì đã chẳng thể trụ nổi qua cơn đại dịch Covid-19 khi người tiêu dùng bị cách ly.

Với một đường lối rõ ràng như vậy, chẳng có gì lạ khi Walmart dần gặt hái được thành công thay vì hụt hơi và bỏ cuộc như nhiều hãng bán lẻ khác chỉ vì cố cạnh tranh với Amazon.

Chủ tịch Masan với quan điểm Không phải cứ đưa hộp sữa lên kệ là kinh doanh online và bài học Walmart đánh bại Amazon trong mảng thực phẩm trực tuyến - Ảnh 2.

2. Kiểm soát

Người tiêu dùng thích mua hàng trực tuyến nhưng họ cũng đòi hỏi sự kiểm soát với hệ thống chuyển hàng. Họ muốn kiểm soát địa điểm được giao hàng cũng như thời gian nhận được sản phẩm. Điều này càng được chú trọng hơn trong mùa đại dịch.

Bởi vậy một trong những yếu tố làm nên thành công của kinh doanh trực tuyến lại là...địa điểm. Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao kinh doanh trực tuyến mà Amazon lại mua nhiều nhà kho đến thế không? Hay tại sao Masan muốn chuyển từ offline sang online mà lại thâu tóm nhiều chuỗi cửa hàng, siêu thị đến vậy?

Thực tế Walmart đã nhìn trước được vấn đề từ năm 2013 khi lấn sân sang thương mại điện tử. Họ nhận ra rằng 90% dân số Mỹ nằm cách chưa đến 16km với một chi nhánh Walmart bất kỳ và những cửa hàng này trở thành kho tự nhiên cho hệ thống giao hàng online.

Curbside pickup là dịch vụ khách hàng sẽ tìm mua sản phẩm và trả phí ngay trên hệ thống online của cửa hàng, nhân viên soạn hàng xong sẽ cho vào túi. Khách hàng sẽ đến chờ tại bãi đỗ và nhân viên sẽ dọn hàng luôn lên xe.

Vào tháng 2/2020, chỉ có khoảng 7% người Mỹ sử dụng dịch vụ soạn sẵn túi hàng (Curbside pickup) thì con số này đã tăng lên 22% vào tháng 6/2020. Thay vì mòn mỏi chờ đợi không kiểm soát được túi thực phẩm của mình bao giờ sẽ đến, người tiêu dùng Mỹ thích đến các chi nhánh của Walmart lấy hàng cho chắc chắn hơn. Chính nhu cầu muốn được kiểm soát này của người tiêu dùng đã khiến Walmart chiếm được ngôi vương trong ngành thực phẩm online.

Bên cạnh đó, các vấn đề về thực phẩm bị hỏng, kém chất lượng, mất đồ, dập nát... cũng được giải quyết ổn thỏa với dịch vụ soạn sẵn túi hàng. Người tiêu dùng có thể kiểm tra ngay tại bãi đỗ xe và yêu cầu đổi hàng nếu cần thiết.

Tại Mỹ, bình quân mỗi ngày có khoảng 1,7 triệu gói hàng bị mất cắp với 1/3 trong số thuộc về những người đặt hàng online.

Chủ tịch Masan với quan điểm Không phải cứ đưa hộp sữa lên kệ là kinh doanh online và bài học Walmart đánh bại Amazon trong mảng thực phẩm trực tuyến - Ảnh 4.

Trong mảng thực phẩm, phương thức kinh doanh online sẽ khác nhiều so với những mảng thương mại điện tử khác bởi người tiêu dùng muốn được kiểm soát nhiều hơn. Hãy lấy ví dụ khác là Target, doanh số dịch vụ soạn sẵn túi hàng của họ đã tăng tới 500% trong quý III/2020, khiến doanh số bán hàng trực tuyến của công ty tăng tới 155% trong cùng kỳ.

Không dừng lại ở đó, Walmart còn tung ra những dịch vụ giao hàng nhanh hiệu quả nhờ số lượng siêu thị lớn. Ví dụ như Express Delivery có thể giao thực phẩm trong chưa đầy 2 tiếng cho khách hàng, qua đó đảm bảo độ tươi ngon và chất lượng sản phẩm, điều mà Amazon khó đảm bảo 100%.

Trên thực tế, việc sử dụng một hệ thống các siêu thị làm nhà kho đang là điểm yếu của những đối thủ công nghệ như Amazon trong mảng thực phẩm online. Tập đoàn này chỉ có gần 600 siêu thị liên kết như Whole Foods, Amazon Books, Amazon Fresh... và đang cố gắng mở thêm để cạnh tranh với Walmart. Dẫu vậy họ sẽ phải mất đến vài năm để xây dựng một chuỗi siêu thị hoàn thiện đủ để cạnh tranh với các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống.

3. Tiện lợi

Dù đại dịch Covid-19 khiến mọi người dư thời gian nhưng người tiêu dùng vẫn muốn sự tiện lợi khi mua sắm. Họ thích việc có thể mua nhiều thứ tại 1 shop hoặc trong một lần click hơn là phải dạo qua nhiều cửa hàng online khác nhau. Hệ quả là những siêu thị lớn như Walmart hay Target trở thành nơi hút khách nhiều hơn những cửa hàng nhỏ hoặc các nơi không chuyên về thực phẩm, nhu yếu phẩm khác.

Hãy tưởng tượng thay vì phải mua thịt đông lạnh và đồ gia dụng tại nhiều cửa hàng trực tuyến khác nhau, bạn có thể tiết kiệm thời gian chỉ với vài cái click chuột tại Walmart. Chúng cũng tiện hơn nhiều so với việc lần mò kho sản phẩm khổng lồ của Amazon với vô số mặt hàng từ các mảng khác nhau và mòn mỏi chờ đợi chẳng biết khi nào hàng sẽ đến.

Chủ tịch Masan với quan điểm Không phải cứ đưa hộp sữa lên kệ là kinh doanh online và bài học Walmart đánh bại Amazon trong mảng thực phẩm trực tuyến - Ảnh 5.

Giao hàng nhanh chỉ đứng thứ 8 trong các yếu tố khiến khách hàng quay lại

4. Giá trị

Dù xu hướng ngành bán lẻ thay đổi nhưng việc khách hàng thích hưởng thêm lợi ích giá trị là điều chưa bao giờ biến mất. Walmart với kinh nghiệm bán lẻ truyền thống hiểu rõ cũng như ứng dụng nhuần nhuyễn điều này với các chương trình giảm giá, khuyến mãi... khác nhau tùy từng địa điểm chi nhánh.

Đây là điều mà Amazon hay Alibaba khó lòng bắt kịp nếu họ không hiểu rõ tâm lý khách hàng, nhu cầu của từng vùng miền. Trong khi đó những chi nhánh siêu thị tại từng vùng của Walmart lại nhạy bén hơn rất nhiều.

Đại dịch khiến nhiều người mất thu nhập và họ sẽ phải tính toán chi li từng đồng. Khoảng 66% số người Mỹ được hỏi cho biết giá cả và lợi ích tài chính là điều thu hút khiến họ quay trở lại mua hàng của một thương hiệu.

Thậm chí trong bảng xếp hạng khảo sát, giá cả hợp lý đứng đầu về yếu tố lựa chọn sản phẩm trong khi giao hàng nhanh chỉ đứng thứ 8.

5. Dữ liệu

Như đã nói ở trên, một trong những ưu thế cực lớn của các siêu thị Walmart là họ có dữ liệu khách hàng, biết ai thường hay mua gì, ở đâu và khi nào. Đây cũng là thế mạnh mà các hãng công nghệ như Amazon hay Alibaba nắm giữ.

Tại Mỹ, chi tiêu cho thực phẩm và nhu yếu phẩm chỉ đứng thứ 3 sau mua nhà và chi phí vận chuyển. Bởi vậy Walmart lập hẳn một kho dữ liệu nhằm tính toán về thói quen của khách hàng nhằm sắp xếp các mặt hàng đáp ứng đúng nhu cầu nhất.

Ví dụ họ sẽ tính toán về mật độ giao thông, thời tiết hay thậm chí tình hình sức khỏe của khách hàng để quảng cáo các sản phẩm phù hợp trước tiên lên trang web.

6. Mất tiền

Cho dù tăng trưởng tới 79% và trở thành hãng kinh doanh online lớn thứ 2 tại Mỹ thì Walmart vẫn kém rất nhiều so với Amazon do chậm chân hơn. Theo nhiều ước tính, tổng doanh thu của Walmart tại Mỹ trong năm nay có thể đạt tới 64,6 tỷ USD nhưng vẫn kém 6 lần so với con số 367,2 tỷ USD của Amazon.

Như một hệ quả tất yếu, việc chuyển từ offline sang online sẽ phải tốn tiền khi các doanh nghiệp chậm chân hơn đối thủ. Walmart đã phải chi hàng tỷ USD để thâu tóm một loạt doanh nghiệp như Jet.com (năm 2016), Bonobos (2017), Eloquii (2018)... nhằm xây dựng nên mạng lưới kinh doanh online như ngày nay.

Rõ ràng, để gặt hái thành công thì các doanh nghiệp truyền thống sẽ gặp phải nhiều thách thức, nhưng nếu kiên trì với mục tiêu rõ ràng thì cuối cùng họ cũng có được kết quả như ý.

Huyền Băng

Cùng chuyên mục
XEM