Học thuyết kinh tế trong tình yêu: Tại sao chế độ đa thê có lợi cho phụ nữ hơn đàn ông?

04/04/2021 07:01 AM | Xã hội

Theo lý thuyết kinh tế học, chính sách 1 vợ 1 chồng là công cụ hữu hiệu để bảo vệ cánh đàn ông khỏi..."ế" vợ.

Phong trào bình đẳng giới hiện nay đang phát triển mạnh khi phụ nữ đòi quyền lợi cho mình. Thế nhưng thế giới hiện vẫn do đàn ông kiểm soát.

Bạn không tin ư? Hãy nhìn vào chính sách 1 vợ 1 chồng. Theo lý thuyết kinh tế học, đây là công cụ hữu hiệu để bảo vệ cánh đàn ông khỏi..."ế" vợ.

Thị trường cạnh tranh tự do

Nhiều người tin rằng những người đã đến tuổi kết hôn phải được quyền tự do làm theo ý mình, miễn là không gây hại quá mức cho người khác. Câu hỏi cần phải đặt ra ở đây là thế nào là "gây hại quá mức".

Học thuyết kinh tế trong tình yêu: Tại sao chế độ đa thê có lợi cho phụ nữ hơn đàn ông? - Ảnh 1.

Đàn ông càng thành đạt thì tỷ lệ ngoại tình càng cao

Trong xã hội Trung Quốc và trên thế giới hiện nay, tình trạng đại gia có nhiều bồ nhí diễn ra rất phổ biến. Đàn ông càng giàu có, càng quyền lực thì tỷ lệ có vợ hai càng lớn.

Vậy điều gì đang diễn ra? Liệu xã hội có nên loại trừ những cuộc hôn nhân như vậy vì nó gây hại quá mức cho người khác hay không? Nếu có, thì chính xác là ai bị hại và bị hại như thế nào? Mô hình kinh tế về thị trường phối ngẫu phi chính thức có những đáp án khá thú vị cho những câu hỏi này.

Lập luận truyền thống phản đối chế độ đa thê nói rằng, người chịu thiệt thòi là phụ nữ, nhất là những phụ nữ trẻ bị ép buộc kết hôn.

Tất nhiên, xã hội cần cấm hôn nhân cưỡng ép dù là đó là cuộc hôn nhân với một hay nhiều người vợ. Tuy nhiên, khi phụ nữ trưởng thành tự nguyện chọn một người chồng chung thì rõ ràng là họ muốn điều đó.

Chẳng ai bắt các chân dài cặp kè đại gia cả và cũng chẳng cô bồ nhí nào bị ép buộc phá đám hạnh phúc gia đình nhà người khác.

Vậy nếu chế độ đa thê có hại với phụ nữ thì những nạn nhân hẳn phải là những người thích chế độ một vợ một chồng hơn.

Có thể dễ dàng chỉ ra một số thiệt thòi mà phụ nữ dưới chế độ đa thê phải chịu. Ví dụ, trong chế độ một vợ một chồng, lựa chọn ưu tiên của đại gia A là cưới cô B. Nhưng do được cho phép cưới nhiều vợ nên anh A muốn cưới cả cô B, C, D.

Khi đó, cô A sẽ phải chọn giữa hai điều đều bất lợi hơn cho cô: tìm kiếm một người chồng chỉ cưới một vợ hoặc chấp nhận kiếp chồng chung mà cô không muốn.

Theo lý thuyết kinh tế, độc quyền vẫn có lợi cho người vợ hơn là chia sẻ trong thị trường cạnh tranh tự do.

Thế nhưng việc chế độ đa thê làm mất đi những lựa chọn tốt của một số phụ nữ không có nghĩa là nó gây hại quá mức với toàn thể giới nữ. Hãy nhìn tổng thể bức tranh của thị trường hôn nhân nam nữ.

Học thuyết kinh tế trong tình yêu: Tại sao chế độ đa thê có lợi cho phụ nữ hơn đàn ông? - Ảnh 2.

Ví dụ, giả sử chế độ đa thê là hợp pháp, 10% đàn ông trưởng thành sẽ tận dụng điều đó để cưới ba bà vợ một lúc và những người còn lại đều chỉ có một vợ. Trong số những người chỉ muốn có một bạn đời, tỉ lệ sẽ là chín người đàn ông cho mỗi bảy phụ nữ.

Vì số đàn ông trên thị trường bạn tình đơn phối phi chính thức (do giả định luật chấp nhận đa thê) quá cao, nên các "điều khoản giao dịch" sẽ có lợi cho phụ nữ. Khi đó, phụ nữ sẽ ít phải làm việc nhà hơn và cha mẹ các cô thậm chí không phải chi trả cho đám cưới.

Nói đơn giản là cánh nhà giàu lấy hết vợ đẹp rồi, những nam giới còn lại chẳng đủ vợ để cưới nên phải chiều phụ nữ nếu không muốn ế.

Như vậy, học thuyết kinh tế cho thấy trong một thị trường cạnh tranh lành mạnh, chế độ đa thê khiến những tài nguyên quý hiếm như phụ nữ trở nên có giá hơn và tất nhiên, họ sẽ là người được hưởng lợi cuối cùng.

Những nạn nhân xấu số

Thế còn đàn ông thì sao? Chế độ đa thê rõ ràng là cũng làm lợi cho một số người. Chắc hẳn là có những người đàn ông như đại gia A ở trên cưới được vợ lại còn cặp nhiều bồ, mà lại toàn bồ đẹp nếu đủ giàu.

Thế còn những người ủng hộ chế độ một vợ một chồng thì sao? Như đã phân tích bên trên, việc chấp nhận chế độ đa thê sẽ tạo ra sự mất cân bằng nam nữ trong nhóm những người chỉ muốn có một bạn đời.

Do quá thiếu phụ nữ phù hợp để kết hôn nên các "điều khoản giao dịch" trên "thị trường bạn tình" này sẽ trở nên cực kỳ bất lợi cho đàn ông. Chúng ta có thể thấy rõ tình trạng thừa nam thiếu nữ ở Trung Quốc do phá thai khi biết là con gái và chế độ 1 con khiến nữ giới cực kỳ có giá trên thị trường hôn nhân nước này.

Học thuyết kinh tế trong tình yêu: Tại sao chế độ đa thê có lợi cho phụ nữ hơn đàn ông? - Ảnh 3.

Nhiều nam giới ngày nay ế vợ khi thị trường hôn nhân ngày càng "tự do cạnh tranh"

Tình hình này cũng diễn ra ở nhiều nước phát triển như Hàn Quốc, khiến cánh mày râu đua nhau sang các quốc gia nghèo hơn để kiếm vợ khi phụ nữ của nước họ trở nên đắt giá.

Nghe có vẻ kỳ nhưng những nước càng giàu, tỷ lệ ngoại tình và ly hôn càng cao còn phụ nữ thì càng có giá, cánh mày râu càng khó kiếm vợ. Rõ ràng theo lý thuyết kinh tế, chẳng có cái gọi là quyền bình đẳng giới khi có sự chênh lệch cung cầu trên thị trường.

Nhiều người đàn ông cuối cùng sẽ không bao giờ có thể kết hôn. Tóm lại, quy luật cung cầu đã đảo chiều cách suy nghĩ thông thường về chế độ đa thê. Nếu chế độ này có gây thiệt thòi cho ai đó, thì nạn nhân chính là đàn ông chứ không phải phụ nữ.

Kết luận này càng vững chắc nếu ta xét đến sự tranh đua lẫn nhau đầy tốn kém giữa cánh đàn ông để giành lấy sự chú ý của những phụ nữ hiếm hoi.

Do phụ nữ quá hiếm nên đàn ông phải đối mặt với áp lực thậm chí còn căng thẳng hơn so với hiện nay để kiếm tiền và đổ nhiều thời gian rèn luyện cơ bắp hơn.

Đàn ông cũng sẽ đi phẫu thuật thẩm mỹ nhiều hơn. Chi phí mua nhẫn đính hôn tăng. Bó hoa tặng nàng ngày Lễ Tình nhân phải gồm hai tá hoa hồng. Nhưng dù cho cánh đàn ông có nỗ lực đến đâu đi chăng nữa thì một số nhất định cũng phải chịu cảnh phòng không.

Dù nhằm phục vụ cho mục đích gì thì luật cấm chế độ đa thê vẫn vận hành như một thỏa thuận kiểm soát giúp đàn ông đỡ phải chịu áp lực không lấy được vợ hơn. Điều này giải thích vì sao chúng vẫn đang tồn lại dưới chế độ phụ quyền do cánh mày râu làm chủ.

Huyền Băng-Tổng hợp

Cùng chuyên mục
XEM