Chủ tịch LienVietPostBank: Phận làm con hãy coi 360 ngày, ngày nào cũng là ngày vu lan báo hiếu!

06/09/2017 09:26 AM | Sống

"Mẹ ơi / Nửa đời phiêu bạt / Nửa đời con tiếng lòng / Hãy làm gì cho mẹ / Và hãy làm gì cho quê hương".

Đó là những câu trong bài thơ viết về mẹ do tiến sĩ Nguyễn Đức Hưởng - Chủ tịch LienVietPostBank viết ra trong những ngày buồn khi mẹ ông lâm trọng bệnh.

Bài thơ sau đó được nhạc sĩ Quang Minh phổ nhạc và mới đây đã được ca sĩ Minh Chuyên thể hiện lại. Hồi tưởng lại quãng thời gian đưa mẹ đi chữa bệnh, vị tiến sĩ vẫn nhớ như in những cảm xúc khi đó.

Là chủ tịch một ngân hàng, nhưng ông còn làm thơ và nhờ phổ cả nhạc, từ đâu mà ông có ý tưởng sáng tác một bài thơ về mẹ?

Sau khi bố tôi mất, với mẹ, tôi luôn dặn dò anh chị em và các thành viên trong gia đình phải hết mực chăm sóc, kính trọng. Nhưng một điều bất ngờ đã xảy ra khi tôi đưa mẹ đi khám định kỳ ở bệnh viện Việt Pháp, Hà Nội. Bác sĩ bất ngờ chẩn đoán phát hiện trên xương gò má của mẹ tôi có tế bào ung thư. Dù cảm thấy rất tuyệt vọng, nhưng tôi vẫn cố giấu đi không cho mẹ biết và đưa bà về vườn chữa bệnh Long An, huyện Đức Hòa chữa trị.

Đó là giai đoạn tôi cảm thấy vô cùng suy sụp. Khi về Hà Nội, tôi làm đủ mọi cách, vào bàn thờ cầu trời khấn phật, thậm chí vừa khóc vừa xin ông bà và cả bố tôi hãy cứu mẹ tôi thoát khỏi căn bệnh hiểm nghèo. Lời cầu khẩn đó, cũng chính là một phần trong bài thơ “Mẹ ơi mẹ không được chết!” được tôi sáng tác. Những dòng tâm huyết, lời cầu khẩn da diết đó được tôi viết ra trong một đêm. Sau đó, tôi chụp lại và gửi cho nhạc sĩ Minh Quang nhờ phổ nhạc. Quang đến nhà tôi ghép nhạc khá vội vàng bởi tôi mong muốn mẹ tôi sẽ được nghe bài hát này càng sớm càng tốt. Nói thật, tôi chỉ sợ bệnh mẹ trở nặng, tai bà không còn nghe được nữa thì tôi ân hận lắm.

Vậy là 3 hôm sau, Minh Quang đã phổ nhạc xong và Hoàng Quyên lúc ấy còn là sinh viên trường Nghệ Thuật Quân Đội đã thu âm xong bài hát. Riêng tiêu đề bài hát là “Mẹ ơi mẹ không được chết”, anh Minh Quang nhiều lần đề nghị tôi thay đổi, và sau này nhiều người cũng đề nghị thay đổi cho nhẹ đi, nhưng tôi nhất quyết không chịu vì đơn giản đó là lời cầu cứu từ trái tim tôi, lời kêu gào trong nước mắt trước bàn thờ tổ tiên, tôi cảm nhận sự thiêng liêng của lời cầu cứu: “mẹ ơi, mẹ không được chết! Vì bố đã đi xa chỉ còn lại mẹ thôi”,…

Điều kì diệu đã xảy ra vì tôi muốn mẹ tôi nghe trọn vẹn lời cầu cứu của tôi trước khi đã quá muộn… Khi tôi mở băng đĩa cho bà nghe xong thì đột nhiên nhận được cú điện thoại từ bệnh viện Việt Pháp. Kết quả xét nghiệm lại không còn tế bào ung thư nữa! Tôi lại trào nước mắt vì vui mừng và vẫn thầm gọi, mẹ ơi, mẹ không được chết! Mẹ mãi mãi bên con, mẹ ơi, mẹ ơi!

Ông có cho rằng đó đơn thuần chỉ là kết quả chẩn đoán lần đầu còn chưa chính xác từ phía bệnh viện?

Cũng có thể, nhưng thú thực là tôi không quan tâm tới chuyện đấy. Có thể tôi hơi duy tâm, nhưng tôi muốn tin rằng chính tiếng lòng da diết của người con đã kêu thấu trời, xuyên đất để đất trời phù hộ, đáp lại tiếng cầu khấn: mẹ ơi, mẹ không được chết! Và chính tiếng lòng của người con đã bù đắp nghị lực cho mẹ. Tôi cũng rất biết ơn vườn chữa bệnh Long An đã là chỗ dựa cho mẹ tôi trong những ngày tháng bệnh tật.

Đến nay, mẹ tôi đã 86 tuổi và vẫn sống khỏe mạnh, mỗi năm chỉ cần tới vườn chữa bệnh 1 lần là đủ sức cùng các bạn đi ô tô khắp đất nước. Nhìn thấy mẹ vẫn khỏe mạnh là trợ lực tinh thần rất lớn với tôi và các anh, chị em trong gia đình.

Nghe những tâm sự của ông, có cảm giác ông rất gấp gáp, như thể ông sợ rằng mình không còn đủ thời gian để báo hiếu cha mẹ?

Đó là cảm giác ân hận mà chỉ những người đã mất đi người thân mới ngộ ra. Trước đây, tôi luôn nghĩ và tin rằng mình là một người con đã làm tròn đạo hiếu. Nhưng khi bố tôi qua đời, mỗi lần ra bến xe, bến tàu, sân bay hoặc về quê thấy các ông cụ già, tôi lại nhìn theo và cảm thấy rất nhớ ông.

Ngẫm lại quãng thời gian khi ông còn tại thế, thi thoảng tôi lại tự dằn vặt vì khi ấy mình vẫn còn nhiều điều chưa đúng, chưa tốt với ông. Đây là những cảm xúc mà chỉ đến khi chúng ta mất đi những người thân xung quanh mình mới nhận ra. Đó như một nỗi ân hận tôi luôn canh cánh trong lòng.

Vì vậy, đối với cá nhân tôi, tôi luôn cố gắng để hoàn thành tốt các tâm nguyện của mẹ. Những người con phải coi 360 ngày, ngày nào cũng là vu lan báo hiếu cha mẹ.

Nghe cả bài hát, người ta có thể thấy hình ảnh cậu bé Hưởng nhỏ bé với tuổi thơ đầy ký ức dẫu khổ cực nhưng ắp tình thương yêu của mẹ. Có phải với ông, hình ảnh của mẹ và quê hương có một mối dây liên hệ mật thiết?

Tôi sinh ra ở vùng quê nghèo Tình Cương, Cẩm Khê, Phú Thọ. Đó là một vùng quê nghèo nhưng cũng là nơi tôi cảm thấy tự hào nhất, bởi đó là bí quyết thành công cuộc đời của tôi. Thứ nhất là, mình sinh ra từ quê nghèo lạc hậu nên mình phải cố gắng gấp 10 lần mới bớt lạc hậu. Thứ hai là luôn tâm niệm nếu mình đã cố gắng gấp 10 lần, vượt bậc rồi thì mình không lo thua ai.

Vì thế mới trong bài hát về mẹ, tôi đã tự nhắc nhở chính mình “hãy làm gì cho mẹ - hãy làm gì cho quê hương – tiếng lòng tôi khe khẽ - Sông Hồng ngập phù sa con!”. Trải qua hành trình bôn ba nửa đời người, tôi đã ngộ ra rằng dòng sông cũng như lòng mẹ, còn phù sa chính là tấm lòng của con dành cho mẹ.

Từ đó đến nay, tôi luôn thực hiện hãy làm gì cho mẹ và cho quê hương. Đối với làng quê truyền thống, quê hương là nơi luôn có hình bóng bố mẹ ở đó, nên giúp được quê hương cái gì dù nhỏ chính là giúp bố mẹ mình, vì ông bà luôn nung nấu làm sao quê mình mở mày, mở mặt.

Cố gắng gấp 10 lần, nói thì đơn giản nhưng làm không đơn giản. Đó chính là bí quyết giúp ông có được thành công về sự nghiệp và cuộc sống như ngày hôm nay?

Tôi tin nỗ lực là chìa khóa cho mọi thành công. Thấu hiểu được những cơ cực của mẹ cha nên tôi đã luôn cố gắng gấp 10 lần trong mọi lĩnh vực, từ thể thao đến chuyên môn và cuộc sống. Tôi luôn đúc kết những bí quyết ngắn gọn và làm theo.

Ngoài ra, tôi tâm đắc nhất đó là quan niệm làm việc gì cũng nên xuất phát từ tâm. Cuộc sống phải hội tụ đủ 3 cái tâm là Tâm linh – Tâm huyết – Tâm tĩnh. Có ba tâm ấy, anh minh chọn đời!

Xin cảm ơn ông!

Huyền My

Cùng chuyên mục
XEM