Chủ tịch Hội Mỹ Nghệ và Chế biến gỗ Tp.HCM: Nhà máy từ Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam, ngành gỗ có được hưởng lợi?

09/05/2019 16:15 PM | Kinh doanh

Sự dịch chuyển sản xuất của nhà máy Trung Quốc sang Việt Nam, doanh nghiệp Việt có cơ hội. Riêng định hướng của ngành gỗ là phải là ngành phát triển bền vững để đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ Nghệ và Chế biến gỗ Tp.HCM (Hawa) tại buổi họp báo chính thức công bố thông tin về triển lãm “Phong cách nội thất Việt Nam- Vifa gu” sẽ diễn ra vào ngày 16 -19/5 sắp tới tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn, Q.7, Tp.HCM.

Theo ông Khanh, việc dịch chuyển các nhà máy sản xuất Trung Quốc sang Việt Nam, bản thân ngành gỗ sẽ có cơ hội, xuất khẩu sẽ lớn hơn. Tuy nhiên, phải hiểu rằng, bản thân ngành phải phát triển bền vững thì câu chuyện đầu tư mới có lợi nhuận bền vững. Hiện ngành gỗ ghi nhận hoạt động xuất nhập khẩu tốt. Mục tiêu trong vòng 5-10 năm tới xuất khẩu ngành gỗ đạt 20-23 tỉ USD. “Sự phát triển của ngành trước làn sóng dịch chuyển tốt hay không phù thuộc vào bản lĩnh của mỗi doanh nghiệp Việt, Hiệp hội thì luôn tạo điều kiện và giúp đỡ hết sức để doanh nghiệp phát triển”, ông Khanh nhấn mạnh.

Chủ tịch Hội Mỹ Nghệ và Chế biến gỗ Tp.HCM: Nhà máy từ Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam, ngành gỗ có được hưởng lợi? - Ảnh 1.

Ông Khanh cho rằng, Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi các nhà máy dịch chuyển từ TQ sang Việt Nam, trong đó có ngành gỗ. Ảnh:P.N

Nói về mặt tích cực và thách thức chung đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi làn sóng dịch chuyển sản xuất của các doanh nghiệp từ Trung Quốc sang Việt Nam, ông Khanh cho rằng: Nhìn chung Việt Nam có lợi thế, mình phải tận dụng được lợi thế này. Tuy nhiên, sự cạnh tranh ngay tại sân nhà cũng sẽ diễn ra, các doanh nghiệp nội phải cố gắng điều tiết. Cụ thể, cạnh tranh về mặt nhân sự, nhân sự thiếu, giá cả nhân sự sẽ tăng lên.

Đại diện Hawa cho biết, chế biến gỗ và xuất khẩu lâm sản Việt Nam đạt được nhiều thành quả ấn tượng trong năm 2018. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2018 ước đạt 9,308 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm 2017. Như vậy, chế biến gỗ chính thức vượt qua thủy sản (xuất khẩu đạt 9 tỷ USD), trở thành mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong ngành nông nghiệp. Giá trị xuất siêu lâm sản cả năm đạt tới 7 tỷ USD, đứng đầu các ngành kinh tế xuất khẩu của Việt Nam.

Riêng 3 tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 2,3 tỉ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Khanh cũng thông tin, triển lãm Vifa Gu sẽ tập hợp gần 100 DN trong ngành chế biến gỗ, thủ công mỹ nghệ, kiến trúc, bất động sản, thời trang, ẩm thực... với những xu hướng trang trí nội thất, kiến trúc hoàn toàn mới. Đây cũng là triển lãm giới thiệu phong cách sống và giải pháp trọn gói cho không gian nội thất đúng với nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ của người Việt Nam.

Nói về gu nội thất cho người Việt có thay đổi khi mà các doanh nghiệp nước ngoài trong ngành lâm sản dịch chuyển nhà máy sản xuất vào Việt Nam, ông Khanh cho rằng, gu trong ngành gỗ thiên về yếu tố thẩm mỹ nhiều hơn chứ không phụ thuộc vào việc sản xuất ở đâu. Cái thiếu của các doanh nghiệp nội trong ngành này là câu chuyện thiết kế và phân phối. “Thiết kế trong ngành nội thất không đơn giản là vẽ ra cho đẹp mà phải mang bắt kịp thị hiếu thị trường, marketing và yếu tố thương mại trong đó. Hiện tỉ lệ hàng nội thất Việt Nam do Việt Nam thiết kế chỉ chiếm 5%”, Chủ tịch Hawa cho hay.

Phương Nga

Cùng chuyên mục
XEM