Chủ tịch Hà Nội: Thành phố không hẹp hòi gì trong chính sách liên quan xử lý rác thải
Liên quan đến sự cố ùn ứ rác thải, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, thành phố không có hẹp hòi gì trong vấn đề chính sách nhưng có những vấn đề liên quan quy định của pháp luật nên cần các cấp cao hơn quyết định mới đảm bảo sự đúng đắn trong điều hành. "Chúng tôi tin trong thời gian sớm nhất sẽ xử lý dứt điểm vấn đề này", ông Chung nói thêm.
Sáng 17/7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung và các đại biểu HĐND thành phố tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm sau kỳ họp thứ 15 của HĐND thành phố Hà Nội.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Đào Tuyết Thanh (P. Hàng Trống) đã nêu vấn đề rác thải ùn ứ trong những ngày qua ở nhiều đường phố tại các quận nội thành Hà Nội.
Theo cử tri này, đây không phải lần đầu người dân đã là lần thứ 6 người dân tại các xã của Sóc Sơn căng lều bạt, ngăn xe rác vào bãi rác Nam Sơn.
"Trước mắt thành phố có giải pháp cấp bách gì để đưa rác ra khỏi nội thành càng sớm càng tốt? Về tầm nhìn xa thành phố có quy hoạch xử lý rác như nào? Thành phố có nghiên cứu, học tập công nghệ xử lý rác thải tiên tiến ở các nước để áp dụng tại Hà Nội không?", bà Thanh đặt câu hỏi.
Trả lời về vấn đề liên quan rác thải ùn ứ tại các quận nội thành, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay, từ tối ngày thứ 3 (14/7), do môt số người dân chặn xe rác vào bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn) nên rác thải bị tồn đọng lại.
Để xử lý sự việc, theo ông Chung, thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng, Urenco tiến hành các biện pháp tạm thời chuyển rác đến các bãi rác tại Cầu Diễn, Xuân Sơn (Ba Vì) và đến hôm nay, cơ bản sẽ đảm bảo dọn sạch rác ở các quận nội thành.
Đối với người dân tại Sóc Sơn đang tiến hành chặn xe rác, ông Chung cho hay, Thành ủy, UBND thành phốđã giao cho các lãnh đạo tiến hành đối thoại với người dân.
Cụ thể, trong mấy ngày qua, Thành ủy đã giao cho Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn và UBND thành phố giao cho Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng tiến hành đối thoại với người dân.
Việc đối thoại này đang được tiếp tục thực hiện trong sáng nay với mục tiêu kiên trì đối thoại, giải thích cho người dân.
Ông Chung cho biết thêm, liên quan đến việc này, trong mấy năm vừa qua có những vướng mắc căn cơ và đã được thành phố giải quyết dần.
Trong đó, ngay trong năm 2016, về việc cung cấp nước sạch cho người dân tại đây, thành phố đã tiến hành mua các công nghệ của Đức để khoan, lọc nước uống ngay tại vòi và cung cấp miễn phí cho người dân trong vòng bán kính 1km.
Tuy nhiên, người đứng đầu UBND thành phố Hà Nội cho rằng, tại đây, vẫn còn 3 vướng mắc đối với người dân. Cụ thể, thứ nhất liên quan đến giá, đất, nhà tái định cư (hiện đã được bố trí xong). Thứ hai, kinh phi cũng đã được thành phố bố trí đủ.
Vấn đề vướng mắc nhất hiện nay là liên quan đến hạn định nguồn gốc đất của người dân tại đây để tiến hành bồi thường.
Theo đó, trước đây, quy định hạn định được bồi thường là 1.000m2 nhưng việc thực hiện như vậy là sai và hiện nay, hạn định là 400m2 được bồi thường còn lại trên 400m2 được hỗ trợ.
Do đó, với các công trình ở mức trên 400m2 được hỗ trợ thấp hơn nên người dân đang thắc mắc và thành phố đang nỗ lực đối thoại để xử lý.
"Tinh thần là có những cơ chế chính sách nào tốt nhất cho người dân thì sẽ áp dụng để đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân. Ngoài chính sách, thành phố luôn luôn đồng cảm, chia sẻ với những người dân ở cạnh bãi rác là họ có chịu thiệt thòi về môi trường, gánh vác chung cho môi trường thành phố", ông Chung nói.
Chủ tịch Hà Nội cũng khẳng định, thành phố không có hẹp hòi gì trong vấn đề chính sách nhưng có những vấn đề liên quan quy định của pháp luật nên cần các cấp cao hơn quyết định mới đảm bảo sự đúng đắn trong điều hành.
"Chúng tôi tin trong thời gian sớm nhất sẽ xử lý dứt điểm vấn đề này", ông Chung nói thêm.
Bên cạnh các vấn đề trên, theo Chủ tịch Hà Nội, còn một nguyên nhân khác là do bãi rác thải cũ từ 1997 đến nay thực hiện theo công nghệ chôn lấp cũ và cứ 1m3 rác sẽ phát sinh 1,2 m3 nước rỉ rác.
Ông nói, tại khu vực bãi rác Nam Sơn đã có 3 hồ chứa nước rỉ rác và thành phố có kêu gọi một số nhà đầu tư nhà máy xử lý này.
"Từ năm 2019 trở về trước, thành phố đều lên kế hoạch đặt hàng nhưng theo Nghị định 32 của Chính phủ việc này phải đưa đấu thầu.
Hiện nay, chúng tôi đã có đề nghị với Chính phủ sửa việc này cho thực tiễn hơn. Trong quá trình đó, lượng nước rỉ rác này còn 150.000 m3 có dâng cao lên và cộng với thời tiết nắng nóng, bốc mùi hôi thối dẫn đến việc người dân kéo ra ngăn chặn xe rác", ông Chung thông tin.