Chủ tịch Grab "rất phấn khích với Việt Nam" và sẽ chi hàng trăm triệu USD để phát triển hoạt động kinh doanh

26/08/2019 10:17 AM | Kinh doanh

Việt Nam là thị trường tăng trưởng lớn tiếp theo của Grab sau Indonesia. Công ty này dự định đầu tư hàng trăm triệu USD cho Việt Nam.

Reuters nhận định khoản đầu tư hàng trăm triệu USD là minh chứng cho cam kết gắn bó của Grab với Việt Nam, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á. Nó cũng cho thấy sự sốt sắng của Grab trong việc chi tiền để thúc đẩy hoạt động của mình.

Trong cuộc phỏng vấn với Reuters, Chủ tịch Grab, Ming Maa - cho biết: “Chúng tôi rất phấn khích với Việt Nam. Chúng tôi đã nhìn thấy các đặc điểm tương đồng với Indonesia”.

Grab và đối thủ Go-Jek đang phát triển từ ứng dụng gọi xe đến “siêu ứng dụng” với đủ loại dịch vụ từ thanh toán, giao đồ ăn, giao hàng đến đặt phòng khách sạn.

Grab đang có mặt trên hơn 160 triệu thiết bị tại 8 nước châu Á. Giống với Indonesia, nhiều người dùng trẻ và tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sử dụng ứng dụng và website để truy cập dịch vụ. Ông Maa cho biết sẽ “đầu tư hàng trăm triệu USD để phát triển hoạt động kinh doanh tại Việt Nam” mà không tiết lộ thêm.

Theo ông Maa, Việt Nam xếp thứ 3 trong 4 thị trường hàng đầu của Grab. Grab đã bắt tay với Moca năm 2018 để ra mắt ví điện tử. Grab cũng thành lập liên danh với Credit Saison, một công ty thẻ tín dụng Nhật Bản, để cung cấp các khoản vay và phân tích tín dụng cho người dùng, tiểu thương dọc Đông Nam Á.

Theo dữ liệu từ hãng phân tích và dữ liệu thị trường App Annie, Grab là ứng dụng gọi xe được tải nhiều nhất tại Việt Nam từ tháng 1 tới tháng 7/2019. Ngoài Go-Jek, Be cũng là một đối thủ của Grab.

Singapore là thị trường lớn thứ hai của Grab, nơi công ty đang xây dựng trụ sở 135 triệu USD. Grab hiện có hơn 4,5 triệu tài xế trong khu vực, đặt mục tiêu doanh thu 2 tỷ USD trong năm nay.

Ông Maa tiết lộ tổng giá trị giao dịch (GMV) trong lĩnh vực giao đồ ăn tăng 300% trong nửa đầu 2019. GrabFood chiếm 20% GMV của công ty. Trong lĩnh vực gọi xe, công ty có lãi tại một số thị trường. Grab chưa có kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO).

Thông qua việc triển khai hàng loạt dịch vụ với nhiều mức giá, ông Maa tin tưởng Grab sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bền vững. Grab là startup lớn nhất Đông Nam Á với giá trị ước tính khoảng 14 tỷ USD.

Theo Du Lam

Cùng chuyên mục
XEM