Chủ tịch GP Invest than thở về thủ tục hành chính: BĐS chịu tác động của 60 Luật, một dự án cần tới 36 con dấu mới hoàn thành!
"Xét về thủ tục hành chính, một dự án theo tính toán của chúng tôi thì phải có 36 con dấu mới hoàn thành. Thậm chí, một luật sư cho rằng phải có tới 120 con dấu nếu tính cả những quy định không chính thức", Chủ tịch HĐQT GP Invest Nguyễn Quốc Hiệp chia sẻ.
"Bất động sản là một chuyên ngành phức tạp, có nhiệm vụ thúc đẩy hàng loạt các ngành kinh tế khác, nên phải có sự tháo gỡ cho thị trường bất động sản. Nhưng theo thống kê, các luật tác động vào bất động sản đang có khoảng 12 Luật, còn liên quan thì có tới 60 Luật", ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch HĐQT GP Invest - chia sẻ tại Hội nghị góp ý sửa đổi chính sách, pháp luật để phát triển nhà ở và thị trường bất động sản do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức.
Thủ tục hành chính trong lĩnh vực này lại vô cùng phức tạp. Ông Hiệp cho biết theo tính toán của GP Invest, một dự án phải có 36 con dấu mới hoàn thành. Thậm chí, theo ý kiến của một luật sư, có dự án phải cần tới 120 con dấu nếu tính cả những quy định không chính thức.
ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch HĐQT GP Invest. Ảnh: ReaTimes.
Thủ tục hành chính đã vậy, thủ tục pháp lý càng phức tạp hơn, đến mức ông Hiệp ví von là "ma trận". Lãnh đạo cao nhất của GP Invest kiến nghị lấy Luật Đất đai và Luật Đầu tư làm 2 luật nền, và các luật chuyên ngành căn cứ trên 2 Luật này làm cơ sở sửa đổi.
Còn với tình trạng hiện nay, ở cương vị một doanh nghiệp, GP Invest không biết áp dụng luật nào.
Chúng tôi lên cơ quan hành pháp thì được bảo cái này được Luật Đầu tư qua nhưng vướng Luật Đất đai, được Luật Đất đai nhưng vướng Luật Xây dựng...
"Chúng tôi lên cơ quan hành pháp thì được bảo cái này được Luật Đầu tư qua nhưng vướng Luật Đất đai, được Luật Đất đai nhưng vướng Luật Xây dựng, vướng Luật Quy hoạch... Vì thế chúng tôi cho rằng cần phải có luật nền, phải căn cứ trên luật nền để trao đổi", ông Hiệp đề xuất.
Ông Hiệp chia sẻ ngay Luật Đất đai và Luật Đầu tư cũng mâu thuẫn nhau. Các cơ quan dưới tỉnh như UBND tỉnh hay HĐND không biết áp dụng thế nào, cho nên các dự án cứ ách tắc mãi.
Cùng ý kiến với ông Hiệp, ông Lê Tuấn Hải - đại diện CTCP Tập đoàn Telin cho rằng phải coi bất động sản là một sản phẩm hàng hoá, mua đi bán lại trong xã hội. Và khi coi nó là hàng hóa, cần giảm càng nhiều thủ tục hành chính càng tốt để việc mua bán được thuận lợi.
"Chúng ta đã sửa luật gần 100 lần nhưng kết quả vẫn chưa thực sự hiệu quả", LS Trương Thanh Đức - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhìn nhận.
LS Trương Thanh Đức - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam. Ảnh: ReaTimes.
Ông Đức chia sẻ thực trạng giá bất động sản so với thu nhập người Việt đang ở mức quá cao, do nhu cầu cao, chênh lệch cung cầu lớn, khan hiếm sản phẩm và ông Đức cho rằng đó cũng là hệ lụy của việc vướng mắc pháp luật.
"Tôi cho rằng, thị trường bao giờ cũng phải dư thừa còn nếu cứ tăng giá, thiếu nguồn cung thì không phải kinh tế thị trường. Cung thiếu thì quy luật sẽ tăng giá, gây khó khăn, làm gia tăng cơ chế xin cho".
"Rất nhiều bộ luật đã sửa nhưng dù sửa thông thoáng hay chặt chẽ hay không cũng không quan trọng mà phải tạo ra được thị trường bền vững thay vì méo mó như hiện nay", LS Trương Thanh Đức nhận định.