Chủ tịch FPT Trương Gia Bình và 3 lời cam kết của các doanh nghiệp tư nhân

01/08/2017 11:20 AM | Kinh tế vĩ mô

Tính trong cơ cấu GDP, kinh tế tư nhân đóng góp cao nhất trong nhiều năm qua. Tính từ năm 2010 trở lại đây, đóng góp của khu vực này trong GDP đều ở mức trên 43%.

Chìa khóa tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

"Mỗi một đồng doanh thu doanh nghiệp tư nhân tạo ra doanh thu bổ sung gấp 3 lần doanh nghiệp nhà nước. Chìa khoá tăng trưởng kinh tế Việt Nam là kinh tế tư nhân. Điều gì doanh nghiệp tư nhân làm tốt thì Nhà nước nên khuyến khích cho doanh nghiệp tư nhân làm", đó là lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Diễn đàn kinh tế kinh tế tư nhân (VPSF) lần thứ 2- 2017 mới diễn ra.

Nếu tính trong cơ cấu GDP, kinh tế tư nhân đóng góp cao nhất trong nhiều năm qua. Tính từ năm 2010 trở lại đây, đóng góp của khu vực này trong GDP đều ở mức trên 43%. Tỷ lệ này ở khu vực kinh tế nhà nước là khoảng 28,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khoảng 18%.

Nghị quyết Trung ương 5, Quốc hội khóa XII cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực kinh tế ngày với 3 mục tiêu cụ thể như nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh, tăng số lượng doanh nghiệp tư nhân, phấn đấu tỷ trọng đóng góp vào GDPđến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60 - 65%; tăng năng suất lao động 4-5%/năm bình quân giai đoạn 2016-2025.

Tuy đóng góp lớn, nhưng so với thông lệ quốc tế và so với đòi hỏi thực tiễn yêu cầu phát triển của Việt Nam, tỷ trọng của khu vực này trong nền kinh tế vẫn chưa tương xứng. Tỷ trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong GDP trên thế giới thường là khoảng 70 -80%, trong khi ở Việt Nam mới khoảng 43%.

Nhìn vào thực tiễn của Việt Nam, khu vực kinh tế tư nhân gồm doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh, thì khu vực hộ kinh doanh đóng góp lên tới trên 31% giá trị GDP của nền kinh tế, trong khi đó, khu vực doanh nghiệp tư nhân mới đóng góp khoảng 7 - 8% giá trị GDP tính từ năm 2010 trở lại đây.

Bên lề diễn đàn VPSF lần thứ 2, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết để doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh hơn cần xác định nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là tiếp tục cải cách thể chế, tạo môi trường thuận lợi, an toàn cho kinh doanh, đầu tư, thúc đẩy phát triển các thị trường nhân tố sản xuất…

"Chúng ta đã và đang tiến hành cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng mới tập trung vào các giải pháp cải thiện thủ tục hành chính. Các giải pháp này cần tiếp tục triển khai, nhưng đó mới là phần ngọn. Gốc rễ của vấn đề là thể chế", Bộ trưởng cho biết.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình và 3 lời cam kết của các doanh nghiệp tư nhân - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Để giải quyết gốc rễ vấn đề, Nghị quyết 11-NQ/TW đã xác định, đó là hoàn thiện thể chế để phát triển đồng bộ, vận hành thông suốt các thị trường nhân tố sản xuất, như thị trường tài chính, thị trường công nghệ, lao động, thị trường thứ cấp, sơ cấp quyền sử dụng đất…

Việc cần làm tiếp theo là, hoàn thiện thể chế về sở hữu, thể chế hóa đầy đủ quyền sở hữu tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013, đảm bảo hiệu lực thực thi và bảo vệ có hiệu quả quyền sở hữu tài sản. Đây là điểm mà người kinh doanh hiện tại chưa thực sự thấy rõ, nên chưa yên tâm kinh doanh dài hạn, chưa dám làm ăn lớn.

Hoàn thiện cơ chế để thúc đẩy quyền tự do kinh doanh, đảm bảo môi trường kinh doanh an toàn, dễ tiên liệu, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu sản phẩm mới. Hiện tại, nhiều điều kiện kinh doanh đang là rào cản sức sáng tạo của người kinh doanh, khiến chi phí kinh doanh cao, rủi ro cao.

Lời cam kết của doanh nghiệp tư nhân

"Nếu Thủ tướng đã cởi mở và giải quyết các vấn đề doanh nghiệp tư nhân đặt ra thì khối doanh nghiệp tư nhân cũng phải cam kết gì với Thủ tướng?", đó là điều được Chủ tịch HĐQT tập đoàn FPT Trương Gia Bình đặt ra ngược lại cho chính các doanh nghiệp tư nhân. Thông thường các doanh nghiệp trông chờ những cam kết của Chính phủ hành động nhưng chiều ngược lại hiếm khi được để ý.

"Đã sinh ra là doanh nghiệp tư nhân, chúng tôi chỉ có cống hiến và khát vọng. Chắc chắn chúng tôi sẽ tâm huyết và phấn đấu. Hồi xưa tôi khởi nghiệp có 200 ngàn mà giờ tôi có tổng tài sản gần 3 tỷ (USD-pv). Nên giờ với vốn khởi nghiệp là 3 tỷ và sẽ lên rất nhiều lần. Tôi mong rằng các quý vị hưởng ứng để cùng nhau khởi nghiệp làm sao cho GDP tăng trưởng gấp 10 lần trong tương lai", Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP An Bình Vũ Văn Tiền đáp lại lời kêu gọi của doanh nhân Trương Gia Bình. Hay nói vui theo lời ông Bình rằng cam kết đầu tiên chính là cả đời khởi nghiệp.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình và 3 lời cam kết của các doanh nghiệp tư nhân - Ảnh 2.

Là đại diện của quỹ đầu tư lớn nhất Việt Nam- VinaCapital, ông Don Lam cho biết ban đầu năm 2005 rót vốn vào Kinh Đô chỉ để phát triển mấy nhà máy mới nhưng hiện Kinh Đô đã có vốn hóa 400 triệu USD, tương tự với Hòa Phát hiện vốn hóa đã hơn 2 tỷ USD.

"VinaCapital cam kết tiếp tục ủng hộ doanh nghiệp Việt Nam phát triển thêm. Và ngoài ra việc huy động vốn nước ngoài, hiện VinaCapital đang phát triển thêm để huy động nguồn lực vốn trong nước ủng hộ doanh nghiệp Việt Nam. Hiện giờ 3 tỷ USD VinaCapital đang quản lý chỉ có 10% là vốn trong nước. VinaCapital cố gắng tìm nguồn vốn dài hạn để ủng hộ doanh nghiệp Việt Nam", ông Don Lam cam kết.

Về phía mình, Chủ tịch Trương Gia Bình đại diện cho cộng đồng các hiệp hội cam kết nếu các điều kiện được cởi mở như đã đề xuất thì tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp tư nhân có thể cao hơn 15-50%.

Bên lề diễn đàn VPSF lần này, cũng có nhiều tiếng nói bày tỏ muốn sát cánh cùng Chính phủ kiến tạo. Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT CMC Group cho biết: "Chúng tôi muốn tham gia vào quá trình kiến tạo của Chính phủ". Về phía hiệp hội, ông Trần Anh Vương, phó chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam cũng nhấn mạnh: "Doanh nghiệp tư nhân sẽ liên kết lại, tham gia có trách nhiệm hơn vào các hoạt động xây dựng chính sách. Chúng tôi không muốn bỏ lỡ cơ hội nào để cùng Chính phủ kiến tạo môi trường thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân.

Những cam kết từ hai bên, thể chế chính sách sẽ cần thời gian để đi vào thực tiễn. Thời gian sẽ là minh chứng cho những nỗ lực nhằ phát triển động lực quan trọng, nắm vị trí quyết định trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM