Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Muốn có thành phố thông minh thì cũng phải có ‘tiền’, mong có hạng mục cho công nghệ trong phân bổ ngân sách
Ông Trương Gia Bình cho rằng muốn có thành phố thông minh (Smart City) thì cũng phải có tiền, và khuyến nghị việc cần thiết có một hạng mục cho công nghệ thông tin trong phân bổ ngân sách nhà nước.
Là một trong số đại diện doanh nghiệp chia sẻ góc nhìn trong việc xây dựng thành phố thông minh tại sự kiện mới đây, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT - cho rằng không có "chiếc áo thông minh" nào vừa cho tất cả.
Ông Bình khẳng định thành phố thông minh là sự lựa chọn duy nhất thông minh cho sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố, đồng thời đưa ra 5 lưu ý, khuyến nghị.
Thứ nhất, Chủ tịch HĐQT FPT cho rằng phải tập kết được dữ liệu. TPHCM là thành phố đi đầu và FPT có cơ hội ứng dụng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cho Thành phố thông minh TPHCM, hiện đã kết nối 22 đơn vị, có hơn 6.000 GB dữ liệu, phục vụ 12 triệu người dân và tăng tốc độ chiết xuất dữ liệu 64 lần.
Thứ hai, ông Bình cho rằng nói đến thành phố thông minh là nhắc tới trí tuệ nhân tạo (AI).
"Việt Nam có lợi thế nhất định, chúng ta cần đưa AI vào mọi ngõ ngách hoạt động của người dân, trong cuộc sống, giao tiếp, công việc. IDC có báo cáo Việt Nam là nước được dự báo trong 5 năm tới đứng thứ 2 trên thế giới về tốc độ tăng trưởng doanh thu phân tích dữ liệu lớn", ông Bình nói.
Trong báo cáo hồi tháng 4/2019, IDC dự báo doanh thu trên toàn thế giới cho các giải pháp phân tích kinh doanh và dữ liệu lớn (BDA) thì tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong thị trường BDA sẽ là ở Argentina và Việt Nam với tốc độ CAGR 5 năm lần lượt là 23,1% và 19,4%.
Thứ ba, thành phố thông minh không thể không nói đến chính phủ số, để đảm bảo người dân sử dụng các dịch vụ công thuận lợi.
Thứ tư, không có cái áo thông minh nào vừa cho mọi thành phố. Ông Bình khuyến nghị kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các địa phương đều có kế hoạch phát triển thành phố thông minh.
Và cuối cùng, ông Bình cho rằng muốn có Thành phố thông minh thì cũng phải có tiền.
"Tôi mong có hạng mục cho công nghệ thông tin trong việc phân bổ ngân sách nhà nước", Chủ tịch HĐQT FPT khuyến nghị.
Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, chia sẻ: Quá trình đô thị hóa và quá trình chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng trên toàn thế giới. Ước tính có đến 55% dân số toàn cầu hiện đang sinh sống tại các đô thị và dự báo khoảng 70% dân số toàn cầu sẽ chọn đô thị làm nơi sinh sống vào năm 2050. Các đô thị tạo ra khoảng 80% GDP toàn cầu nhưng đồng thời cũng là tác nhân của 70% lượng cácbon điôxít (CO2) trên toàn thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra và làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt của các đô thị.
Trước những thách thức của đô thị và việc cần thiết xây dựng đô thị thông minh, chủ đề Diễn đàn Cấp cao về Đô thị thông minh ASEAN 2020 tập trung vào hai nhóm vấn đề chính: Hướng tới giữ gìn và phát huy bản sắc cộng đồng của các đô thị trong quá trình phát triển đô thị thông minh ,và Phát triển bền vững vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng. Diễn đàn năm nay, bên cạnh 5 phiên hội thảo chuyên đề tập trung vào các vấn đề cốt lõi trong xây dựng đô thị thông minh, đồng thời diễn ra hoạt động triển lãm về mô hình đô thị thông minh, các nền tảng, sản phẩm công nghệ cho xây dựng đô thị thông minh.