Ông Trương Gia Bình: Chúng tôi đang đề xuất giải pháp bảo vệ người lao động, còn người lao động thì DN còn, mất người lao động thì DN mất!

25/08/2021 09:37 AM | Kinh doanh

Tỷ lệ ‘chết’ của doanh nghiệp còn cao hơn tỷ lệ tử vong do Covid. Theo Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, tỷ lệ tử vong do Covid-19 là 2,2% trên tổng số ca nhiễm nhưng với doanh nghiệp, tỷ lệ nhiễm bệnh là 90%, tỷ lệ phá sản/giải thể là gần 10%.

"Tỷ lệ nhiễm bệnh, trở nặng và phá sản của doanh nghiệp đang cao gấp nhiều lần so với con người", Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ tại sự kiện "FPT eCovax – Liệu pháp số vượt dịch cho doanh nghiệp" mới đây.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, sau 2 năm ứng phó với Covid-19, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường trong 7 tháng đầu năm 2021 tiếp tục tăng 2 chữ số so với cùng kỳ.

7 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường đã cao hơn cả số doanh nghiệp thành lập mới, khi có gần 79,7 nghìn doanh nghiệp rời khỏi thị trường, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo ông Trương Gia Bình, tại Việt Nam, tỷ lệ dân số nhiễm Covid-19 tương đương 0,3% dân số, tỷ lệ tử vong do Covid-19 là 2,2% trên tổng số ca nhiễm. Nhưng với doanh nghiệp, tỷ lệ nhiễm bệnh là 90%, tỷ lệ phá sản/giải thể là gần 10%.

"Điều này gây ra những hậu quả lâu dài cho nền kinh tế", ông Bình nói.

Trong bối cảnh như vậy, làm thế nào để bảo vệ doanh nghiệp của mình, bảo vệ thành quả trong bao nhiêu năm xây dựng, bảo vệ nền kinh tế quốc gia, để khi dịch qua, các doanh nghiệp phải là những đối tượng đầu tiên bứt phá trong giai đoạn hậu covid?

"Hiện nay, nhiều địa phương, các hiệp hội ngành nghề, Ban IV (Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân) đều đang tích cực tìm kiếm giải pháp để doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh nếu dịch kéo dài", ông Bình nói.

Giải pháp đó là kinh tế xanh, doanh nghiệp xanh, sản xuất xanh, giao thông xanh, cảng xanh, vận tải xanh… - những giải pháp bảo vệ an toàn các khu vực xanh. Giải pháp đó sẽ được các cấp chính quyền sớm ra chỉ đạo, kết hợp sản xuất và chống dịch, bảo toàn sinh mạng con người và an toàn xã hội. Lần đầu tiên sẽ có các chương trình ERP đời mới, ERP số với các giải pháp quản trị doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp an toàn trong sản xuất kinh doanh.

"Chúng ta còn nói tới một vấn đề nữa là vấn đề cạn vốn trong thời khủng hoảng. Khách hàng thì không có, có thì khó trả tiền mà trả tiền cũng không đủ để nuôi quân, duy trì sản xuất. Đơn hàng không được giao, chậm thanh toán. Hãy so sánh vốn với oxi! Trong điều trị F0 thì quan trọng nhất là đo nồng độ oxi trong máu. Với doanh nghiệp, nồng độ oxi đó chính là vốn".

"Ban IV đang đề xuất để có biện pháp bảo vệ người lao động. Còn lao động thì doanh nghiệp còn, mất lao động thì doanh nghiệp mất. Để bảo vệ người lao động. Đó không chỉ là chuyện về sinh mạng, mà còn là sinh kế. Chúng tôi đang đề xuất trong các gói hỗ trợ, phải có gói bảo vệ sinh kế, đề xuất chính phủ và chính quyền các cấp có thể đứng ra bảo lãnh để các ngân hàng thương mại chi trả chi phí cố định, điện nước cho doanh nghiệp. Vượt qua đại dịch, doanh nghiệp sẽ có khả năng trả đủ cho ngân hàng, nếu không vượt qua được, tỷ lệ đó cũng rất rất nhỏ, và vẫn đảm bảo nền kinh tế khoẻ mạnh", ông Bình, còn là Trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân, cho biết.

Khảo sát nhanh gần 400 doanh nghiệp do FPT tiến hành cho thấy, 3 khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp tại thời điểm này là Năng suất suy giảm khi làm việc từ xa (43%); Ùn ứ giấy tờ, hóa đơn, hợp đồng khi làm việc từ xa (20%) và Gián đoạn liên lạc, trao đổi công việc (13%). Để giải quyết những khó khăn này, có tới 94% doanh nghiệp khẳng định sẵn sàng đầu tư cho việc số hóa các hoạt động như quản lý nhân sự, văn phòng không giấy tờ.

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM