Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến: Các bạn trẻ không nên học thạc sỹ quá sớm, mà đi làm 5 năm rồi hãy đi học!

22/02/2020 08:58 AM | Kinh doanh

Trí thông minh chiếm 1%, còn 99% đến từ lao động mỗi ngày. May mắn chỉ đến khi mỗi người lao động phấn đấu hết mình.

Các bạn trẻ không nên học thạc sỹ quá sớm, đi làm 5 năm rồi hãy đi học

Theo ông Nam Tiến, ở độ tuổi 28-35 tuổi là giai đoạn con người trải qua khủng hoảng tuổi trưởng thành. Ở độ tuổi này nên làm gì đó cho bản thân mình có một vị trí nhất định, có thu nhập và các mối quan hệ. Tôi khuyên các bạn nên tạo ra điểm dừng, khoảng lặng cần thiết trong sự nghiệp. Tốt nhất là nên đi học thêm những thứ mới, những gì các bạn tích luỹ được. Học về kỹ năng liên quan đến quản lý, quản trị, học về công nghệ mới. Khoảng lặng để quyết định làm gì cho bản thân: tiếp tục làm thuê hay khởi nghiệp.

Khi chuyển qua một môi trường công việc mới, cần phải trang bị những kỹ năng về quản lý, quản trị, phải học tập không ngừng. Nên đọc sách bên cạnh học những khoá chính quy. Ngoài ra, không nên học thạc sỹ (MBA) quá sớm, nên đi làm 5 năm rồi hãy đi học vì trải nghiệm thực tế rất quan trọng.

Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến: Các bạn trẻ không nên học thạc sỹ quá sớm, mà đi làm 5 năm rồi hãy đi học! - Ảnh 1.

Theo ông Hoàng Nam Tiến, nếu bạn trẻ nhảy việc dưới 2 năm làm một công ty thì doanh nghiệp thường không muốn nhận hoặc chỉ nhận làm các dự án ngắn hạn thôi.

Khi được hỏi, từ khi tốt nghiệp ĐH Bách Khoa, ông làm ở FPT cho đến khi 52 tuổi, lý do ông chỉ gắn bó với một doanh nghiệp duy nhất cho đến nay, Chủ tịch FPT Software chia sẻ: "Người ta thường nói 'Yêu thích công việc mình làm và được làm những việc mình yêu', tôi rất may mắn có được vế thứ 2. Ở FPT, tôi được làm những việc mình yêu trong suốt hơn 26 năm qua, trải qua nhiều vị trí, công việc khác nhau, làm công ty chuyên về kinh doanh, về BĐS và về phần mềm. Sự thay đổi này giúp tôi trải nghiệm nhiều hơn, tiếp xúc được với nhiều loại người khác nhau, môi trường kinh doanh khác nhau và luôn đổi mới tư duy".

Theo ông Nam Tiến, thế hệ các bạn trẻ ngày nay sinh từ năm 1996 là một thế hệ rất đặc biệt, tiếng Anh gọi là VUCA (viết tắt của 4 từ Volatility (biến động), Uncertainty (không chắc chắn), Complexity (phức tạp) và Ambiguity (mơ hồ)). Mọi sự không ổn định và tương lai mơ hồ. Khi đi làm trong khoảng thời gian 5-10 năm, nhưng cứ từ 18-36 tháng là các bạn muốn thay đổi môi trường làm việc. Nhảy việc vừa tốt vừa xấu. Xấu khi bị nhà tuyển dụng nghi ngờ và tốt vì bản thân có nhiều trải nghiệm hơn. Nếu nhảy việc dưới 2 năm làm một công ty thì doanh nghiệp thường không muốn nhận hoặc chỉ nhận làm các dự án ngắn hạn thôi.

Quan điểm của tôi là tuyển dụng các bạn trẻ máu và khát khao thay đổi bản thân

“Quan điểm tuyển dụng của tôi đơn giản là tôi muốn nhìn thấy ở các bạn trẻ một sự máu mẻ, đổi mới và “đói khát””, ông Hoàng Nam Tiến nhấn mạnh.

Bởi vì theo vị chủ tịch này, công ty công nghệ là làm thị trường toàn cầu, phải đến những quốc gia giàu nhất thế giới, có nền công nghệ phát triển nhất thế giới nên cần các bạn phải máu. Thứ hai, muốn thấy được tinh thần, năng lực học hỏi, đặc biệt những điều mới, điều này rất khó bởi vì trong ngành công nghệ cứ mỗi 6 tháng 1 năm thì công nghệ thay đổi 1 lần vì vậy tinh thần ham học hỏi và năng lực có thể học hỏi những cái mới rất quan trọng. Điều thứ 3 là trông các bạn phải đói. Ý muốn nói không chỉ máu mà các bạn phải chứng minh và thay đổi được bản thân mình, sẵn sàng lao động vất vả, học tập liên tục; từ đó, thay đổi cuộc sống của gia đình mình.

Nói về tiêu chí lựa chọn ứng viên trong chương trình “Cơ Hội Cho Ai- Whose Chance?”, ông Tiến cho rằng: Tôi đặc biệt quan tâm đến những ứng viên trẻ, sinh viên mới tốt nghiệp hoặc có những bạn sinh viên chưa ra trường như Phương Thy (tập 8) lại làm tôi vô cùng hào hứng bởi vì tôi nhìn thấy nhiệt huyết của các bạn ấy, nhìn thấy tinh thần ham học hỏi. Thậm chí có một ứng viên Ý Nhi (tập 5) làm cho cả 6 giám khảo xúc động khi bạn vượt qua được hoàn cảnh cá nhân để lấy được học bổng thuộc loại rất khó ở Việt Nam. Không chỉ thể hiện được khả năng học tập mà bạn còn thể hiện được năng lực hoạt động trong XH để trở thành thủ lĩnh của những tổ chức từ thiện xã hội…

Vị chủ tịch này lưu ý, để được chọn vào vòng thi đấu trực tiếp thì các bạn nên thể hiện sự tự tin. Lưu ý là đừng quá tự tin với những hiểu biết của các bạn ở trường học, dù đó là những kiến thức rất tốt; nhưng các bạn quên mất một điều để có được sự thành công thì học là một chuyện còn 99% là sự trải nghiệm, kinh nghiệm khi làm việc, kinh nghiệm khi va chạm với cuộc sống thương trường thật.

“Trí thông minh chiếm 1%, còn 99% đến từ lao động mỗi ngày. May mắn chỉ đến khi mỗi người lao động phấn đấu hết mình”, ông Tiến khẳng định.

“Chúng tôi làm thị trường toàn cầu nên cần các bạn phải có phẩm chất công dân toàn cầu. Thành thạo ít nhất một ngoại ngữ, ví dụ tiếng Anh, Nhật, Đức, Pháp. Phần lớn các bạn có điểm chứng chỉ ngoại ngữ cao thì khi ra nước ngoài mới ngỡ ngàng rằng ngoại ngữ học ở VN rất khác so với thực tế”, ông Hoàng Nam Tiến nhấn mạnh.

Ông Tiến cho biết thêm, tất cả kỹ sư phần mềm như chúng tôi có thói quen khả năng ngồi 10-16 tiếng chỉ nhìn vào màn hình. Chúng tôi gọi màn hình là những người tình mặt vuông, có lẽ không nhìn ai lâu như thế, mọi người gọi công việc này nhàm chán. Làm trong lĩnh vực CNTT phải luôn luôn đổi mới, điều này không dễ chút nào. Ngành công nghiệp phần mềm tuân thủ quy trình chất lượng. Khi làm thị trường toàn cầu thì khách hàng là những tập đoàn, công ty lớn nhất thế giới như: công ty viễn thông, sản xuất máy bay, thiết bị y tế, sản xuất chíp… đòi hỏi vô cùng khắt khe, rất khác tại thị trường VN đang có. Đó là phẩm chất không dễ, đòi hỏi phải kiên trì, xây dựng ý thức khi làm việc trong ngành công nghiệp phần mềm.

Phương Nga

Cùng chuyên mục
XEM