Chủ tịch FED: Quá trình taper có thể bắt đầu vào tháng 11 và kết thúc vào giữa năm 2022

23/09/2021 09:37 AM | Xã hội

Kết thúc cuộc họp kéo dài 2 ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đưa ra những thông báo đầu tiên về chính sách lãi suất và kích thích kinh tế của mình.

Phát biểu trước báo giới để giải thích rõ hơn về thông báo của Fed sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết NHTW Mỹ có thể bắt đầu thu hẹp chương trình mua tài sản vào tháng 11 và sẽ hoàn thành vào giữa năm 2022.

Trong tháng 11 Fed sẽ họp vào ngày 2-3/11. Tuy nhiên ông Powell cũng để ngỏ khả năng Fed sẽ lùi thời điểm bắt đầu "taper" nếu cần thiết và nhấn mạnh "taper" không đồng nghĩa Fed sẽ ngay lập tức tăng lãi suất ngay sau đó.

Trong thông báo của mình, FED cho thấy sự lạc quan ngày càng tăng đối với phục hồi kinh tế. Chính vì vậy, Ngân hàng Trung ương Mỹ báo hiệu họ có thể giảm bớt việc hỗ trợ thị trường nếu nền kinh tế tăng trưởng đúng theo dự kiến. Ngoài ra, FED cũng báo hiệu khả năng cao sẽ tăng lãi suất trong năm 2022.

Trong khi đó, New York Times cho biết các quan chức FED đã thống nhất rằng họ dự kiến sẽ sớm giảm tốc độ mua tài sản, cách mà cơ quan này vẫn đang sử dụng để hỗ trợ nền kinh tế. Khả năng tăng lãi suất vào năm 2022 cũng đánh dấu sự "xoay trục" của FED sau thời gian dài duy trì mức lãi suất thấp để giúp môi trường kinh doanh phục hồi sau cú sốc đại dịch.

"Nếu phục hồi kinh tế tiếp tục diễn ra như dự kiến, ủy ban đánh giá rằng việc điều chỉnh tốc độ mua tài sản sẽ sớm diễn ra", Ủy ban Thị trưởng Mở liên bang (FOMC) cho biết trong tuyên bố ngày 22/9 theo giờ địa phương. Hiện tại, quy mô mua trái phiếu chính phủ và chứng khoán thế chấp (MBS) của FED là 120 tỷ USD/tháng.

Với ngôn từ của thông báo, FED đã không còn "hứa hẹn" mà tuyên bố "sẽ đánh giá" trong các cuộc họp sắp tới. Điều đó gợi ý rằng một thông báo chính thức về việc giảm quy mô mua trái phiếu chính phủ và chứng khoán thế chấp (MBS) có thể được đưa ra sớm nhất trong cuộc họp tiếp theo của FED vào tháng 11 tới.

Các quan chức FED đang phải đối mặt với bối cảnh phức tạp gần 20 tháng sau khi đại dịch Covid-19 lần đầu tiên làm rung chuyển nền kinh tế Mỹ. Hiện tại, hoạt động kinh doanh đã phục hồi khi người tiêu dùng chi tiêu mạnh mẽ, vốn được hỗ trợ bởi các gói kích thích của Chính phủ và những lợi ích khác.

Tuy nhiên, virus vẫn tồn tại và nhiều người lớn từ chối tiêm phòng, ngăn cản cuộc sống trở lại bình thường. Các mối đe dọa từ bên ngoài cũng xuất hiện, bao gồm cả những địa chấn trên thị trường bất động sản Trung Quốc bắt nguồn từ "chúa nợ" tỷ đô Evergrande.

Trong nội tại nước Mỹ, sự bất đồng sâu sắc của các đảng phái có thể làm ảnh hưởng tới kế hoạch chi tiêu của Chính phủ trong tương lai hay thậm chí gây ra sự đình trệ (khi Chính phủ phải đóng cửa vì hết tiền).

Ngoài ra, Chủ tịch FED Jerome Powell và các đồng nghiệp của ông cũng phải chịu nhiều áp lực khi lạm phát tăng cao và thị trường lao động, dù đang trên đà phục hồi, nhưng vẫn chưa đủ mạnh. Họ đang phải cân nhắc khi nào và làm như thế nào với các chính sách tiền tệ của mình để thị trường không phát triển quá nóng nhưng vẫn giữ được đà phục hồi.

"Các lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch đều đã được cải thiện trong những tháng gần đây nhưng sự gia tăng số ca mắc Covid-19 đã làm chậm quá trình phục hồi này", FED cho biết.

Kể từ tháng 3/2020, FED đã giữ mức lãi suất gần bằng 0 và chi 120 tỷ USD mua tài sản mỗi tháng. Các chính sách này phối hợp với nhau, giúp cung cấp các khoản vay giá rẻ. Điều này thúc đẩy cho vay và chi tiêu công, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, các quan chức đã báo hiệu rằng việc giảm tốc độ mua tài sản sẽ là bước đầu tiên của họ nhằm hướng tới thiết lập một chính sách "bình thường hơn".

Sau thông báo của Ủy ban Thị trường mở liên ban, thị trường đang dồn sự chú ý vào cuộc họp báo của ông Jerome Powell, nơi chủ tịch FED cho biết ông sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi.

Linh Anh

Cùng chuyên mục
XEM