Chủ tịch Digiworld: Tôi sẽ ngồi đây đóng góp cho cổ đông ít nhất 10 năm nữa, mục tiêu mỗi năm tăng trưởng lợi nhuận 25%

07/05/2022 16:30 PM | Kinh doanh

Mới đây, khi trả lời câu hỏi của nhà đầu tư về việc " Anh Đoàn Hồng Việt sẽ là chủ tịch HĐQT hoặc lãnh đạo cấp cao của DGW trong khoảng bao lâu nữa?", vị chủ tịch của DGW đã thẳng thắn: "So với lứa tuổi và các mục tiêu dài hạn thì ít nhất 10 năm nữa tôi sẽ vẫn ngồi đây đóng góp cho cổ đông."

Mới đây, Công ty cổ phần thế giới số Digiworld (DGW) đã có buổi họp trực tuyến với các nhà đầu tư vào đầu tháng 5. Theo đó, đại diện công ty đã trình bày khái quát về tình hình hoạt động của công ty trong quý 1 năm 2022.

Chủ tịch Digiworld: Tôi sẽ ngồi đây đóng góp cho cổ đông ít nhất 10 năm nữa, mục tiêu mỗi năm tăng trưởng lợi nhuận 25% - Ảnh 1.

Nguồn: DGW

Doanh thu thuần quý 1 đạt 7.009 tỷ đồng, tăng trưởng 40% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận ròng đạt 211 tỷ đồng, tăng trưởng 98% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, cơ cấu doanh thu chiếm tỷ trọng chính là mặt hàng điện thoại với doanh số tăng trưởng 37%, đạt 3.880 tỷ đồng; tiếp đó là mặt hàng laptops và máy tính bảng với doanh số tăng trưởng 64%, đạt 2.252 tỷ đồng.

Tỷ suất sinh lời quý 1 của công ty đã trở nên tích cực hơn so với năm 2021 khi tỷ suất lợi nhuận gộp dần trở về mức cân bằng 6,5% - 6,6%, tỷ suất lợi nhuận ròng được cải thiện lên 3%.

Trên bảng cân đối kế toán, một vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm đó là nợ ngắn hạn của công ty đến 31/03 tăng hơn 860 tỷ đồng, đưa hệ số nợ vay ngân hàng/vốn chủ sở hữu của DN tiệm cận 100%.

Giải thích cho nguyên nhân nợ vay ngắn hạn tăng cao, đại diện công ty cho biết, trong quý 1 công ty tăng nợ ngắn hạn để nhập khẩu 1 lượng lớn hàng hóa, nhằm đối phó với những rủi ro như chi phí vận chuyển tăng cao và tác động từ chính sách Zero Covid của Trung Quốc, nguồn hàng có thể khan hiếm do nhà máy không thể hoạt động hết công suất. 

Trên thực tế, tình hình Covid của Trung Quốc khiến việc giao hàng kéo dài ra, một số cảng hoặc nhà máy ở Trung Quốc lâu lâu lại bị lockdown, dẫn đến doanh nghiệp phải chủ động tăng hàng tồn kho, cân đối giữa việc chi phí tài chính tăng lên do số ngày tồn kho tăng với việc thiếu hụt hàng bán.

Cụ thể: hàng tồn kho tăng 21% từ 2.909 tỷ đồng cuối năm 2021 lên 3.534 tỷ đồng cuối quý 1/2022. Số ngày dự trữ hàng tồn kho tăng kỷ lục lên 44 ngày (cùng kỳ năm ngoái là 19 ngày).

Bên cạnh đó, mặc dù các khoản phải thu khách hàng cũng tăng gần 25% tương đương hơn 400 tỷ đồng, nhưng sự tăng trưởng các khoản phải thu đồng pha với tăng trưởng doanh thu, nên số ngày phải thu giữ được sự ổn định so với giai đoạn trước, dao động từ 23 - 25 ngày.

Chủ tịch Digiworld: Tôi sẽ ngồi đây đóng góp cho cổ đông ít nhất 10 năm nữa, mục tiêu mỗi năm tăng trưởng lợi nhuận 25% - Ảnh 2.

Nguồn: Digiworld

Về định hướng phát triển trong năm 2022, để đạt được cam kết mạnh mẽ của Ban lãnh đạo công ty, duy trì tốc độ tăng trưởng 25% mỗi năm trong 10 năm tới, công ty sẽ đồng thời tăng trưởng theo cả chiều dọc và chiều ngang, bằng cách mở rộng các thương hiệu kinh doanh mới (trong ngành hàng cũ) và thêm các ngành hàng mới.

Cụ thể, DGW cho biết: Trong quý 2, công ty sẽ bắt đầu phân phối sản phẩm gia dụng của các thương hiệu Whirlpool, Eufy, Joyoung bao gồm tủ lạnh, máy giặt, máy sấy quần áo,...

Ông Việt rất tự tin về triển vọng tăng trưởng 25% của DGW - "Tôi khá là chắc chắn", bởi lẽ, các mặt hàng chủ lực như điện thoại, laptop vẫn đang có tiềm năng tăng trưởng 2 con số, ngoài ra động lực tăng trưởng còn đến từ các nhãn hàng mới cũng như các ngành nghề mới (thiết bị gia dụng, thuốc và thiết bị y tế).

Chủ tịch Digiworld: Tôi sẽ ngồi đây đóng góp cho cổ đông ít nhất 10 năm nữa, mục tiêu mỗi năm tăng trưởng lợi nhuận 25% - Ảnh 3.

Nguồn: Digiworld

Trong đó thương hiệu mới Whirlpool nhận được nhiều sự quan tâm và câu hỏi của nhà đầu tư. Ông Đoàn Hồng Việt cho biết, các sản phẩm mang thương hiệu Whirlpool đã được bày bán tại các retail lớn như Thế giới di động, ngoài ra sẽ triển khai gian hàng online và sẽ có doanh thu vào tháng 5 này.

Khi được hỏi về tầm giá của sản phẩm Whirlpool, ông Việt cho biết, Whilrpool có mức giá trung bình cao, kiểu Electrolux. Whirlpool là thương hiệu đã có tuổi đời hơn 100 năm tại Mỹ, và sẽ cạnh tranh bằng công nghệ. 

Whirlpool Corporation là một nhà sản xuất và tiếp thị thiết bị gia dụng đa quốc gia của Mỹ, có trụ sở tại Thị trấn Benton Charter, Michigan, Hoa Kỳ. Công ty có doanh thu năm 2020 vào 19,46 tỷ USD, 78.000 nhân viên và hơn 70 trung tâm nghiên cứu sản xuất và công nghệ trên toàn thế giới.

Về việc bán sản phẩm tivi của Xiaomi, ông Việt nhận định tivi là ngành hàng tương đối lớn, với thị trường trị giá 40.000 tỷ ở Việt Nam. Từ tháng 6, DGW sẽ bắt đầu phân phối sản phẩm tivi của Xiaomi.

Khi nhận được câu hỏi về lợi thế cạnh tranh của tivi Xiaomi và nghi ngại về việc thuế nhập khẩu mặt hàng điện tử khá cao, làm giảm năng lực cạnh tranh so với các brand có nhà máy nội địa, ví dụ như Samsung, ông Việt cho biết 

"Thứ nhất là Xiaomi đã có nhà máy sản xuất nội địa, vì vậy chúng tôi mới có thể giới thiệu tivi được. Tivi của Xiaomi sẽ không chịu thuế như Samsung. Thứ hai là theo như truyền thống của Xiaomi thì sản phẩm sẽ Tốt và Rẻ. Xiaomi là sản phẩm chạy hệ điều hành Android mới nhất với mức giá bán ra tuyệt vời. Tại ngày ra mắt chính thức, các bạn sẽ thấy điều này."

Trong tương lai, ông Việt khẳng định DGW sẽ có thêm các thương hiệu khác trong mặt hàng tivi ngoài Xiaomi, đây là điều đương nhiên trong chiến lược kinh doanh của DGW và sẽ liên tục như vậy.

An Vũ

Cùng chuyên mục
XEM