Chủ tịch Digiworld: “Các bạn khởi nghiệp thường coi ý tưởng của mình là ghê gớm nhưng thực chất chỉ chiếm 5%, thực hiện ra sao mới quan trọng”

03/02/2018 07:30 AM | Kinh doanh

Đó là chia sẻ của ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT Digiworld, về khởi nghiệp, câu chuyện nhiều người quan tâm trong thời gian gần đây.

Ông Đoàn Hồng Việt: Ý tưởng chỉ mới chiếm 5% của sự thành công

"Ý tưởng chỉ đóng góp 5% vào việc thành công của startup. Việc tổ chức thực hiện mới đóng vai trò quyết định. Các bạn trẻ có ý tưởng thì cũng cần có mentor (người hướng dẫn) để thực hiện ước mơ. Mentor có thể là chuyên gia trong mảng marketing, tài chính... để có thể trợ giúp các founder thực hiện ý tưởng đó".

Theo ông Việt, nhà đầu tư thiên thần rất cần thiết cho các startup vì startup thông thường chỉ có ý tưởng và đam mê mà thôi.

Nhà đầu tư thích hợp cho startup trong giai đoạn đầu khởi nghiệp chính là những người yêu thương ta nhất như cha mẹ, anh chị em..., cho đến khi ý tưởng có thể triển khai được. Hãy kiên trì, nếu triển khai tốt chắc chắn sẽ có nhà đầu tư bị cuốn hút bởi startup của bạn.

Ông Việt kể, có lần ông và ông Lưu Đức Khánh (hiện là Tổng giám đốc Vietjet Air), nói chuyện với nhau vào những năm 2000 rằng mai sau khóa cửa nhà cũng nằm trong tiện ích của điện thoại và laptop. Nhưng ở những năm đó, ý tưởng đó khó thành hiện thực trong hoàn cảnh Việt Nam lúc bấy giờ. Vậy nên, ý tưởng có đấy, nhưng phải biến được thành những giá trị cuộc sống.

Ông Việt cho rằng trong tương lai không xa, mọi người sẽ không dùng điện thoại nữa mà sẽ dùng thiết bị đeo nào đó. Mắt kính có thể chuyển thành màn hình và thiết bị điện tử được điều khiển bằng giọng nói, đó là xu hướng của tương lai.

Ông Nguyễn Đức Tài: Tôi cho rằng 35 tuổi là số đẹp để khởi nghiệp

Trong một sự kiện có sự tham dự của nhiều học sinh, sinh viên, một bạn trẻ nêu ra ý kiến rằng ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT của Thế giới Di động, khởi nghiệp ở tuổi 34, 35 là quá già.

Chủ tịch Digiworld: “Các bạn khởi nghiệp thường coi ý tưởng của mình là ghê gớm nhưng thực chất chỉ chiếm 5%, thực hiện ra sao mới quan trọng” - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động.

Mở đầu câu chuyện ông kể về quá trình khởi nghiệp của bản thân. Năm 1995 trở về từ Pháp với tấm bằng thạc sĩ tài chính và làm giám đốc tài chính cho một tập đoàn của Thụy Sỹ. Nhưng, quan điểm “chẳng lẽ làm công ăn lương suốt cả đời” nên ông quyết định lập công ty riêng.

Ông Tài cho rằng 35 là số đẹp để khởi nghiệp. Vì giai đoạn sớm hơn 35, ông đang rất yên ổn và hài lòng với công việc lương cao, có xe đưa đón.

“Con người ta rất khó thay đổi khi mà mọi thứ đang quá yên ổn để chấp nhận mạo hiểm. Nếu mọi thứ yên ổn thì có khi tôi giờ vẫn làm thuê cho một tập đoàn nước ngoài nào đó. 30 tuổi người ta đã cấp xe hơi cho mình đi”, ông Tài nói.

Tôi cho rằng khởi nghiệp cũng đừng nên ở độ tuổi quá trẻ, đừng quá già. Quá trẻ, thất bại thì nản chí. Quá già thì rủi ro lớn lắm, không có cơ hội làm lại. Trẻ thì thất bại có thể làm lại được.

Ông Tài nói thêm, trẻ cũng được nhưng nên tìm thêm cộng sự để bù lấp phần bản thân thiếu hụt. Trẻ hăng hái nhưng rất dễ bộc phát và chủ quan. Đôi khi chủ quan không tốt cho chuyện khởi nghiệp.

Tổng giám đốc FPT Bùi Quang Ngọc: Tiếp thu công nghệ nhanh, nhiều ý tưởng thôi chưa đủ

Tại buổi làm việc giữa một số đơn vị chức năng của Bộ Thông tin & Truyền thông với Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, doanh nhân Bùi Quang Ngọc - Phó Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc FPT đã chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp tại Việt Nam.

Theo ông Ngọc, ưu thế của Việt Nam là đội ngũ thanh niên đông và tiếp thu công nghệ nhanh, có nhiều ý tưởng. Nhưng những yếu tố này vẫn chưa đủ, mà còn cần phải có tri thức về công nghệ, ngoại ngữ và cả về quản trị công ty.

Riêng về công nghệ, hiện nay ngành giáo dục và đào tạo Việt Nam đang có những lạc hậu nhất định về chương trình, chưa cập nhật được kiến thức về những công nghệ mới nhất. Đào tạo vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.

Ví dụ, mỗi năm FPT cần từ 3.000 - 4.000 lập trình viên nhưng không bao giờ tuyển đủ. Một trong những cản trở sự phát triển của FPT hiện nay chính là khó khăn về nguồn lực. Mặc dù cả nước có nhiều cơ sở đào tạo nhưng sau khi tuyển về, để đạt yêu cầu của doanh nghiệp cũng không phải dễ, bản thân FPT cũng đã phải đào tạo thêm rất nhiều.

Trường Giang

Cùng chuyên mục
XEM