Chủ tịch BRG hiến kế One ASEAN: Cùng thiết lập ưu đãi liên khối, đón dòng vốn FDI dịch chuyển của các nhà đầu tư, không có cạnh tranh nội bộ
Là diễn giả duy nhất trên sân khấu trong bối cảnh điều phối viên và 4 diễn giả khác tham dự trực tuyến, Chủ tịch HĐQT BRG Nguyễn Thị Nga khuyến nghị các nước ASEAN có thể cùng nhau thiết lập ưu đãi liên khối dành cho các nhà đầu tư, để nắm bắt xu hướng dịch chuyển của các nhà sản xuất lớn thế giới sang các nước ASEAN.
Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN 2020 do Việt Nam đăng cai tổ chức diễn ra ngày 13/11, mở đầu với phiên thảo luận về triển vọng kinh tế ASEAN.
Là diễn giả doanh nghiệp duy nhất, và cũng là người duy nhất hiện diện trên sân khấu, bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG, đồng thời là Chủ tịch giải thưởng ASEAN ABA – đã chia sẻ ý kiến về chiến lược One ASEAN dưới góc độ doanh nghiệp.
14 năm là thành viên của Hội đồng tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC), bà Nga cho rằng với tầm nhìn ASEAN trở thành một khối có chính sách chung, bền vững, đoàn kết, One ASEAN, tiến tới trở thành trung tâm sản xuất của thế giới, chúng ta nên cùng nhau thiết lập ưu đãi liên khối dành cho các nhà đầu tư để đón xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI sang các nước ASEAN.
"Tôi mong muốn không có cạnh tranh nội bộ giữa các nước ASEAN. Điều này làm cho khối của chúng ta trở thành một One ASEAN và tăng thêm tính cạnh tranh với các đối tác trên thế giới và tăng tính thu hút", bà Nga nói.
Cùng với đó, Chủ tịch BRG đề xuất xây dựng chuỗi cung ứng cân bằng, linh hoạt cho toàn khối ASEAN. Điều này cần các doanh nghiệp trong khối liên kết chặt chẽ, chính công dân trong khu vực vừa là lao động vừa là khách hàng.
"Các doanh nghiệp quốc gia ASEAN cần hỗ trợ nhau nhiều hơn cùng phát triển, dựa vào từng thế mạnh của mỗi doanh nghiệp, nhanh chóng phát triển, ví dụ doanh nghiệp logistics sẽ liên kết hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất", bà Nga chia sẻ.
Từ câu chuyện của BRG, bà Nga cho biết, doanh nghiệp cần nhìn nhận trong nguy có cơ, trong khó khăn có nhiều cơ hội mà doanh nghiệp phải tự mình vươn lên.
Theo đó, COVID-19 cũng là khủng hoảng nhưng cũng mang cơ hội cho doanh nghiệp vững bước phát triển. "Doanh nghiệp phải luôn nắm bắt cơ hội. Chúng tôi cũng nhìn lại bộ máy của mình để tinh gọn, hiệu quả nhất", bà Nga chia sẻ.
"Chúng ta nên nhìn nhận theo một cách tích cực trước những khủng hoảng hay biến động. Chính khủng hoảng rèn luyện cho doanh nghiệp những kỹ năng không thể mua được bằng tiền, để vững bước phát triển được".
Với kinh nghiệm kinh doanh hơn 40 năm của bản thân cũng như của Tập đoàn BRG, bà Nga chia sẻ ở góc độ cá nhân rằng để đối phó thành công với các khủng hoảng, các nhà quản trị cần 3 yếu tố:
- Khả năng thích ứng cao: Trong bất cứ hoàn cảnh nào, không có con đường lựa chọn, không từ chối được hoàn cảnh thì phải thích ứng.
- Tạo cho mình khả năng sẵn sàng trước tất cả kịch bản, và các tình huống rủi ro có thể đến. Doanh nghiệp của mình sẽ làm gì và làm như thế nào để giải quyết được tất cả những hệ lụy.
- Cần tạo ra hệ sinh thái đa dạng hoặc khả năng liên kết để trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều có sự hỗ trợ trong hệ sinh thái.
"Tập đoàn của chúng tôi đa ngành, có ngành nghề không có doanh thu hoặc doanh thu rất nhỏ trong thời kỳ Covid-19 như Khách sạn, thì chúng tôi vẫn có ngành nghề khác như Ngân hàng, Bán lẻ… vẫn đạt được doanh số, lợi nhuận để bù đắp được".
"Tôi nghĩ rằng, chỉ có một cách tốt nhất là liên kết cùng nhau, gia tăng sức mạnh và phát triển bền vững. Qua bão tố sẽ biết có những thuyền trưởng giỏi, hoặc ở áp lực rất-rất lớn sẽ có những viên kim cương đẹp. Các doanh nghiệp ASEAN xuất sắc sẽ kiên cường vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19 như họ đã làm trong các cuộc khủng hoảng trước đây", bà Nga nói.
Tham gia phiên thảo luận trực tuyến, ông Robert E Moritz, Chủ tịch PwC International Limited cho rằng, thách thức mà thế giới đang gặp phải là mất đối xứng, thiếu cơ hội mang tính bao trùm, ngăn cách giàu nghèo. Chính phủ cần làm nhiều hơn nữa để hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư mang lại tốt đẹp cho người dân và cho họ thấy sự thay đổi - thứ mà dòng dòng chảy FDI mang lại ở nhiều khu vực khác nhau từ đô thị đến nông thôn.
Theo ông, các quốc gia cần xem lại các thước đo khác ví dụ như xem xét lại kỹ năng của người dân, để có quá trình đào tạo phù hợp. Có cung sẽ có cầu, nguồn cung là việc làm, là cơ hội kinh doanh từ FDI không nhỏ đặc biệt là làm sao để kỹ năng người lao động phù hợp quá trình đổi mới sáng tạo, từ đó tạo cho cả quốc gia có được sự phát triển lâu dài, bền vững.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ASEAN đã trở thành cộng đồng kinh tế năng động, sáng tạo với hơn 630 triệu dân và tổng GDP là 3.100 tỷ USD (2019), tương đương là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới.
Thủ tướng đồng thời khẳng định, Việt Nam cam kết hợp tác cùng các quốc gia thành viên ASEAN và các nước đối tác của ASEAN để tiếp tục có những chương trình hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp trong khu vực, đặc biệt là trong những lĩnh vực chuyển đổi số, môi trường, xã hội và quản trị (ESG); công nghệ và tương lai việc làm trong khu vực, phát triển bền vững và bao trùm. Cùng nhau nỗ lực thực hiện mục tiêu chung đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của sự phát triển.
Bên cạnh đó, tranh thủ các cơ hội mới do sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng, luồng vốn đầu tư toàn cầu hướng vào khu vực ASEAN. Việt Nam cũng có nhiều hiệp định thương mại tự do đã và sẽ ký kết.
"Các nhà đầu tư hãy đầu tư vào ASEAN, trong đó có Việt Nam", Thủ tướng Phúc chia sẻ.