Chồng là con trai một, nhà cửa vườn tược đầy đủ ở quê chờ sẵn, vợ chồng trẻ vẫn quyết định đầu tư 1,4 tỷ “chốt” căn hộ ngoại ô Hà Nội

23/03/2021 09:41 AM | Sống

Quyết định mua nhà khi trong tay chỉ vỏn vẹn 300 triệu có phần liều lĩnh của cặp vợ chồng trẻ nhưng là cả câu chuyện đằng sau.


Căn hộ mà cặp vợ chồng chị TV và anh TN mua vào tháng 12/2020, ở khu đô thị An Khánh, huyện Hoài Đức - Hà Nội với giá là 1,4 tỷ đồng. Cặp vợ chồng trẻ mất khoảng 3 tháng đi tìm hiểu các dự án khu vực Nam Từ Liêm để tiện đi làm nhưng sau khi so sánh giá cả và chất lượng dự án cũng như điều kiện tài chính thì đã đưa quyết định đi xa 1 chút để có được không gian thoáng.

"Tính ra, từ căn hộ của mình tới chỗ làm gần 12km. Đi xa nhưng đường không tắc thì đối với mình cũng không vấn đề gì. Căn hộ mình mua 70m tim tường, 67m thông thủy, 2 ngủ, 2 vệ sinh", chị TV chia sẻ.

Theo đó cặp vợ chồng trẻ lên Hà Nội từ cuối năm 2018, ban đầu có dự định cứ ở nhà thuê, đến tầm 50 tuổi thì về quê. Nhưng sau khi nhận thấy mọi sinh hoạt bất tiện khi con đã lớn nên cả hai đã đi tới quyết định mua nhà.

Chồng là con trai một, nhà cửa vườn tược đầy đủ ở quê chờ sẵn, vợ chồng trẻ vẫn quyết định đầu tư 1,4 tỷ “chốt” căn hộ ngoại ô Hà Nội - Ảnh 1.
Chồng là con trai một, nhà cửa vườn tược đầy đủ ở quê chờ sẵn, vợ chồng trẻ vẫn quyết định đầu tư 1,4 tỷ “chốt” căn hộ ngoại ô Hà Nội - Ảnh 2.

Khi con lớn, mọi sinh hoạt trở nên bất tiện khiến cặp vợ chồng trẻ nảy sinh suy nghĩ mua nhà.

"Ban đầu vợ chồng mình tính mua nhà ở xã hội hoặc căn hộ khoảng 700 - 900 triệu vì vợ chồng mình chỉ có 300 triệu. Sau khi bàn bạc với gia đình thì rất may nhận được sự ủng hộ của bố mẹ 2 bên và được hỗ trợ thêm 1,1 tỷ nữa. Vậy là vợ chồng mình có trong tay 1,4 tỷ, sự lựa chọn lúc này bắt đầu đa dạng hơn.

Mình từng nghĩ mua căn từ 1,8 đến 2 tỷ hoặc mua nhà mặt đất cho chắc chắn nhưng rồi nghĩ đến cảnh nợ ngân hàng với chui rúc vào khu chật hẹp lại chỉ mua được nhà cấp 4 nên mình từ bỏ ý định.

Mình cần xác định nhu cầu sử dụng của mình là mua để ở, ổn định cuộc sống chứ không phải đầu cơ, nên đừng đặt nặng giá trị quá. Thay vì nợ ngân hàng nhiều thì mình mua căn trong khả năng kinh tế, còn lại tiết kiệm thêm để vài năm nữa thích thì thay đổi sau, sẽ bớt được nỗi lo và gánh nặng", chị TV chia sẻ thêm.

Để đủ khoản tiền mua, làm giấy tờ phát sinh và trang trí nội thất cho căn hộ, cặp vợ chồng trẻ vay thêm 200 triệu. Vì số tiền mua nhà đã chiếm gần hết khoản tiền đang có của hai vợ chồng nên chị V và anh N quyết định tự thực hiện việc trang trí đồ nội thất.

Chồng là con trai một, nhà cửa vườn tược đầy đủ ở quê chờ sẵn, vợ chồng trẻ vẫn quyết định đầu tư 1,4 tỷ “chốt” căn hộ ngoại ô Hà Nội - Ảnh 3.

"Vợ chồng mình đã tham khảo nhiều bên làm nội thất nhưng quyết định tự làm. Chồng mình chuyên về cơ khí, anh mất vài ngày lên mạng tìm hiểu rồi quyết định mua đồ về tự sơn lại nhà, tự ốp gạch cho phòng bếp, ban công, loggia. Nội thất thì bọn mình chọn gỗ cho lâu bền mà không bị lỗi mốt. 2 vợ chồng bỏ ra nửa ngày xuống làng gỗ Hữu Bằng, Thạch Thất.

Kinh nghiệm là xem mẫu mã ở các hàng bên ngoài nhưng vào sâu trong đặt để có giá rẻ. Mình chọn 1 nhà cảm thấy tư vấn có tâm và giá cả hợp lý nhất. Đặt theo mẫu và kích thước riêng. Bộ bàn ghế phòng khách, bộ bàn ghế phòng ăn, bộ giường tủ 2 phòng và tủ đựng giầy dép, bếp, tất cả hết 70 triệu. Những thứ chưa dùng đến như bàn học hay giá sách của con mình chưa mua. Đồ trang trí nhà cửa cũng xác định vị trí chi tiết nhưng mỗi tháng sẽ tiết kiệm 1 ít để sắm dần.

Thực ra ai cũng thích thuê thiết kế để được nhà đẹp nhưng cũng tùy vào điều kiện hoàn cảnh và rất có thể mẫu ấy năm nay bạn thấy đẹp, vài năm sau nó lại lỗi mốt nên cứ tối giản là lựa chọn an toàn nhất. Mọi thứ vụn vặt mình sắm thêm chắc tổng khoảng 100 triệu thoải mái. Căn hộ 1,5 tỷ đã bảo gồm cả nội thất khiến mình khá hài lòng. Quan trọng là số nợ để mua nhà không lớn", chị TV chia sẻ.

Chồng là con trai một, nhà cửa vườn tược đầy đủ ở quê chờ sẵn, vợ chồng trẻ vẫn quyết định đầu tư 1,4 tỷ “chốt” căn hộ ngoại ô Hà Nội - Ảnh 4.

Khi quyết định mua nhà có nhiều vấn đề nảy sinh: Từ vợ chồng mỗi người 1 ý, áp lực từ gia đình khi anh TN là con trai 1, ở quê ông bà đã có nhà cao cửa rộng vườn tược đầy đủ.

Khó khăn của vợ chồng anh chủ yếu là mặt tư tưởng. Ban đầu chồng mình nhất quyết không đồng ý mua nhà và không bao giờ chấp nhận vay ngân hàng quá 300 triệu nếu mua. Về sau cùng nhau ngồi lại nghĩ đến lợi ích của con cái, tương lai lâu dài nên đồng ý với lựa chọn cũng là biện pháp an toàn nhất lúc bấy giờ. Dự án mình chọn đã có rất nhiều bạn bè mua ở rồi từ năm 2018, chủ đầu tư uy tín nên anh chị cũng khá yên tâm.

Theo anh chị, nhà đất hay chung cư đều có những ưu, khuyết điểm riêng. Chồng mình thích nhà đất vì nó có giá trị lâu dài nhưng so với số tiền có được thì mình không thể mua được 1 căn nhà hợp lý, đủ sinh hoạt. Xét về giá trị hiện tại thì chung cư phù hợp với gia đình mình, vì cả 2 làm văn phòng, hết giờ hành chính về nên thích không gian thoáng đãng, sạch sẽ, cao ráo, tiện các nhu cầu xung quanh. Còn mình cũng xác định không ở cả đời 1 căn nhà nên sẽ đặt mục tiêu dần dần. Có thể xuống mặt đất nhưng phải đủ khả năng mua được căn nhà rộng rãi.

Theo chị TV, trước khi mua nhà, các cặp vợ chồng trẻ cũng cần lưu ý: Lúc lựa chọn cần cân nhắc chọn dự án phù hợp với tài chính, đừng vay nhiều áp lực càng lớn. Đôi khi áp lực không thành được động lực mà lại khiến vợ chồng cãi nhau, mệt mỏi thêm. Ngoài ra, ai cũng muốn nhà mới phải đẹp, phải đúng ý mình nhưng nếu có thể nên lên kế hoạch trong việc làm nội thất sao cho tối giản nhất.

Theo đánh giá của chị TV, căn hộ của chị ở chung cư An Khánh không có nhược điểm gì nhiều ngoài việc khá xa trung tâm.

Ảnh: NVCC

Hồng Nhung

Cùng chuyên mục
XEM