Chồng của người phụ nữ sống sót dưới vực sâu Yên Tử: 7 ngày đêm tuyệt vọng tìm vợ mất tích

04/05/2022 17:00 PM | Sống

Đón vợ về sau 7 ngày mất tích, rơi xuống vách đá, ông Hoàng Phúc Khánh vui mừng vì bà vẫn còn sống và trở về an toàn.

7 ngày mất ngủ tìm vợ

Sáng 4/5, trong căn chung cư ở phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), ông Hoàng Phúc Khánh chốc chốc đưa mắt nhìn người vợ mất tích 7 ngày mới trở về của mình, miệng khẽ nói về được là may rồi.

Trong khi đó bà Nguyễn Thị Bích Liên (59 tuổi) đang kể lại sự tình cho một vài người bạn nghe.

Trở về nhà sau 7 ngày mắc kẹt dưới vách đá, bà Liên đêm qua mới có thể ngủ ngon, không phải chịu cái sương lạnh của rừng núi. Những vết thương trên chân, tay cũng bắt đầu đóng vảy, vết thâm mờ đi.

Nhìn người vợ của mình an toàn trở về nhà, ông Khánh nhớ lại 7 ngày trước vẫn còn sống trong hoảng loạn, lo lắng và bất an.

 Chồng của người phụ nữ sống sót dưới vực sâu Yên Tử: 7 ngày đêm tuyệt vọng tìm vợ mất tích - Ảnh 1.

Ông Khánh và bà Liên tại nhà sáng 4/5.

Ông Khánh kể bản thân không biết vợ mình đi Hạ Long lấy thuốc, sáng 27/4 thức dậy không thấy vợ ở nhà, ông nghĩ vợ ra ngoài có việc. Xuống lấy xe đưa các con đi học thì thấy lốp xe bị xịt hơi, ông gọi cho vợ để hỏi chìa khóa xe máy.

Thời điểm ấy bà Liên vẫn nghe máy và chỉ chỗ cất cho ông, ông yên tâm tắt máy đưa con đi học. Trời tối rồi đến khuya vẫn không thấy vợ trở về, ông nghĩ bà Liên sang chăm mẹ vợ đang ốm tại bệnh viện nên cũng không gọi hỏi.

"Mẹ vợ tôi đang nằm viện, bà ấy thi thoảng sang thăm nên tôi nghĩ vợ mình đến viện, hoặc loanh quanh đâu đó ở Hà Nội thôi", ông Khánh nói và cho biết sáng ngày thứ hai khi gọi điện cho vợ thấy máy thuê bao ông bắt đầu lo lắng, có linh cảm vợ gặp điều chẳng lành.

"Chân tay tôi lúc ấy bủn rủn, tôi lấy điện thoại gọi cho người thân, bạn bè nhưng không ai biết bà ấy ở đâu", lúc đấy người đàn ông 65 tuổi bắt đầu sợ hãi. Cố định thần, ông nghĩ đến việc vợ ông vẫn hay ra ngoài vài ngày để lấy thuốc, có thể lần này cũng giống vậy.

Ông đi đón hai con học lớp 9 trở về nhà và ngồi chờ vợ trở về trong tâm trạng lo lắng. Nhưng trời mỗi lúc một khuya, thông tin về vợ vẫn không có.

Ngày 29/4, ông quyết định làm đơn ra công an phường trình báo mất tích, nhờ họ hỗ trợ tìm vợ. Ông được bên phường hướng dẫn về in ảnh bà Liên dán lên đơn trình báo để thuận lợi cho việc tìm kiếm bà.

Thế rồi ông về nhà chờ đợi trong lo lắng, đứng ngồi không yên, ông Khánh dùng hết mối quan hệ có thể, gọi cho người bạn đang làm cảnh sát nhờ giúp đỡ. Ông Khánh làm đơn gửi lên phòng công an hình sự, nộp cả lên quận, chờ cả buổi trưa tại trụ sở quận Nam Từ Liêm để trình báo việc vợ mất tích.

Xong mọi thủ tục bên công an, nhưng vẫn không yên tâm ngồi chờ, ông nhờ bạn bè làm tại bệnh viện, người thân tìm xem trong các bệnh viện có người nào bị tai nạn, có hình dáng hay tên tuổi giống bà Liên nhập viện trong mấy ngày qua không.

"Bạn bè làm bác sĩ tại các bệnh viện thì đi từng phòng ban hỏi, bệnh viện nào không có người thân làm tôi nhờ các mối quan hệ khác gọi tận nơi hỏi, tôi làm mọi cách để tìm vợ mình", người đàn ông nói sau bao nhiêu nỗ lực nhưng ông vẫn không có một chút tung tích gì của vợ.

 Chồng của người phụ nữ sống sót dưới vực sâu Yên Tử: 7 ngày đêm tuyệt vọng tìm vợ mất tích - Ảnh 2.

Ông Khánh kể lại sự việc tìm kiếm vợ trong 7 ngày.

Lúc này, ông Khánh nghĩ đến trường hợp xấu là bà Liên bị tai nạn đuối nước, chưa nổi lên, hoặc được ai đó vớt nhưng họ không có thông tin để báo về cho người nhà.

Càng nghĩ ông càng hoảng loạn, ông nhớ đến điện thoại của vợ, nhờ hai con gái một ở Anh, một ở Đức có bạn bè làm IT trích xuất thông tin trong máy xem bà Liên có liên lạc với bạn bè nào, hoặc có nợ nần với ai không trả được phải bỏ đi trốn, hay nghĩ quẩn mà tự tử.

"Trong lúc hoảng loạn, tôi nghĩ ra đủ các trường hợp có thể xảy đến, càng nghĩ càng lo lắng", ông Khánh nói. Ông được bạn bè khuyên can ngừng suy nghĩ tiêu cực, chờ phía công an điều tra, kết hợp với các mối quan hệ tiếp tục tìm kiếm.

Được mọi người động viên nhưng trong lòng người chồng vẫn không yên, ông Khánh nhiều đêm mất ngủ, hút một lúc 2,3 bao thuốc. Vừa tìm vợ, vừa phải chăm sóc hai con sinh đôi khiến ông mệt mỏi vô cùng.

Đến ngày 3/5, khoảng 11h thì ông nhận được một cuộc điện thoại số lạ, nghĩ là lừa đảo ông định không nghe, nhưng sợ có người báo tin vợ nên ông đắn đo rồi bắt máy.

"Nhiều người hay gọi điện đến lừa đảo bảo vay tiền, đe dọa tống tiền nên tôi không nghe mấy số lạ, thế mà không hiểu sao hôm qua lại bắt máy", ông Khánh cho biết khi người ta báo tin của bà Liên, ông vẫn không tin, sợ họ lừa đảo nên yêu cầu kết bạn Zalo và gửi hình vợ cho ông.

 Chồng của người phụ nữ sống sót dưới vực sâu Yên Tử: 7 ngày đêm tuyệt vọng tìm vợ mất tích - Ảnh 3.

Đơn thư của ông Khánh viết gửi cơ quan chức năng tìm vợ.

Lúc thấy được hình ảnh vợ, nỗi lo lắng 7 ngày đêm như được trút bỏ. Người đàn ông thở một hơi dài vui mừng gọi điện báo cho con gái ở xa, rồi họ hàng hai bên.

"Con gái tôi ở Anh từ ngày mẹ mất tích phải nhập viện cấp cứu, tôi gọi cho nó, nó mừng phát khóc", người đàn ông 65 tuổi tâm sự.

Nhận được tin của vợ, ông nhờ bên ban quản lý và nhà chùa thuê cho vợ một khách sạn tốt để nghỉ ngơi một hai ngày, bản thân ông sẽ sắp xếp công việc ngay lập tức xuống đón bà.

Tuy nhiên khi điện thông báo cho bạn là bác sĩ, ông được khuyên đón bà Liên về ngay Hà Nội để thăm khám sức khỏe. Việc rơi xuống vực nhiều ngày có thể tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho bà Liên. Ông nhờ bạn bè dưới đấy đến và đưa vợ lên Hà Nội, tuy nhiên ban quản lý gọi và báo sẽ đích thân đưa vợ ông về.

"Tôi lo sợ vợ đi đường xa xôi, rồi không biết có gặp phải lừa đảo gì nữa không, khi ban quản lý di tích chùa Yên Tử bảo đích thân đưa vợ tôi về, tôi cũng trút bớt được gánh nặng", ông Khánh cho hay và nói 7h tối ngày 3/5 thì bà Liên trở về nhà.

Nhìn vợ mình an toàn trở về nhà sau nhiều ngày rơi xuống vực sâu, ông Khánh không thể tin được dù bản thân từng làm trinh sát, có kỹ năng sinh tồn tốt.

"Tôi không thể tin được ở độ sâu như thế vợ mình có thể sống sót 7 ngày, đúng là quá may mắn", ông Khánh chia sẻ đây là lần thứ 2 bà Liên thoát chết một cách thần kỳ.

Trước đây vào năm 1988, khi ông đèo bà Liên đi chợ cũng từng bị tai nạn xe chở khách đâm vào, hai vợ chồng chui vào gầm xe, nhiều người nghĩ không sống được, thế nhưng ông bà vẫn tai qua nạn khỏi.

Tôi không dại gì tự mình bịa chuyện rơi xuống vực

Ngồi bên cạnh chồng, bà Liên vẻ mặt buồn bã vì từ hôm qua đến nay có nhiều thông tin nói bà bịa chuyện bị rơi xuống vực.

Người đàn bà 60 tuổi vén quần để lộ vết thâm ở đùi, đầu gối và đôi bàn tay đầy vết dăm đá đâm vào. Bà khẽ nói bản thân bà ở tuổi này bịa chuyện ra chẳng được lợi lộc gì.

Theo bà Liên, đây là lần đầu bà đi chùa Yên Tử, vé cáp treo bà vẫn còn giữ, lịch trình nó thể hiện hết trên vé, bà có muốn nói dối cũng không được.

 Chồng của người phụ nữ sống sót dưới vực sâu Yên Tử: 7 ngày đêm tuyệt vọng tìm vợ mất tích - Ảnh 4.

Bà Liên khóc kể lại khoảng thời gian mình bị mắc kẹt tại vách đá.

"Sai lầm lớn nhất của tôi là đi mà không báo cho người nhà, nên lúc mất tích người thân không tìm được sớm, để mọi người nghĩ là tôi bịa chuyện ra", bà Liên khóc chia sẻ.

Bà Liên cho biết vẫn hay đi lấy thuốc, nên cũng như các lần trước nghĩ đi về trong ngày. Chẳng may bà gặp nạn rơi xuống vách đá, điện thoại và đồ dùng văng đi đâu không biết, lại không thể cầu cứu ai vì những ngày đấy khu vực chùa mưa gió, người qua lại ít nên đành cố đào rác, tìm đồ ăn sống sót được ngày nào hay ngày ấy.

"Tôi lúc đấy sợ chứ, sợ ma, sợ rắn rết trong vách đá, sợ chết nữa, nhưng vẫn phải động viên mình cố gắng sống chờ người đến cứu", bà Liên nói.

Người phụ nữ 60 tuổi cho biết bản thân mình sống sót được là một điều thần kỳ, ba lần leo lên rồi rơi xuống, may mắn bà tìm được lại túi đồ ăn và nước uống của mình. Nơi bà rơi có nhiều rác thải du khách vứt xuống nên đào bới tìm được ít nước uống.

Tìm được một mõm đá rộng bằng cái bàn, bà Liên quyết định nghỉ ngơi tại đấy chờ người đến cứu, vì ngay bên dưới là vực sâu, rơi xuống chỉ có chết.

 Chồng của người phụ nữ sống sót dưới vực sâu Yên Tử: 7 ngày đêm tuyệt vọng tìm vợ mất tích - Ảnh 5.

Vết thương của bà Liên khi rơi xuống vực.

Để có chỗ trú ngủ, tránh mưa gió, bà Liên bới trong đống rác áo mưa, túi ni lông che chắn. Bà chia nhỏ số lương thực có được thành từng mẩu bé như ngón tay cái, khi nào đói, bụng quặn lên thì ăn một miếng kết hợp với ăn củ lạc tiên, lá cây dương xỉ.

Bà cho biết bản thân từng xem nhiều phim ảnh về sinh tồn, cũng đọc nhiều sách báo nên có chút kinh nghiệm.

"7 ngày đấy tôi chưa từng nghĩ đến chuyện từ bỏ, lúc sợ thì ngồi khóc xong lại vực lại tinh thần, nghĩ mình một là thành người rừng, hoặc có thể chết khô ở đây, nhưng cố được ngày nào hay ngày ấy nên đào bới khắp nơi để tìm đồ ăn, nước uống", bà Liên nói.

May mắn được cứu sống ở ngày thứ 7, bà Liên gửi lời cảm ơn đến đội tuần tra, ban quản lý di tích chùa Yên Tử.

Anh Nguyễn Minh Thuận, nhân viên ban quản lý di tích chùa Yên Tử, một trong những người tham gia cứu người phụ nữ mắc kẹt dưới vách đá cho biết, việc bà Liên sống sót khi rơi xuống vách đá là một kỳ tích.

Bởi lẽ đã có một số người rơi xuống đây, không gãy tay thì gãy chân, sứt đầu, mẻ trán. Tuy nhiên, bà Liên hoàn toàn khỏe mạnh, chỉ hoảng sợ và mệt còn tinh thần vẫn tỉnh táo, chỉ có một số vết xước vùng đầu gối và cánh tay.

Anh Thuận cho biết sở dĩ bà Liên bị thương nhẹ vì khi rơi xuống mắc được vào bụi cây, khu vực vách đá cách bờ 30m, bên dưới còn vực sâu hàng trăm mét, nếu bà ấy cố leo lên có thể đã rơi xuống chết mất xác.

Khi anh Thuận tìm được bà Liên, bà ấy đang ở trên một mỏm đá, kéo ngọn trúc làm mái che, áo mưa trùm lên đầu. Bà Liên mặc bên ngoài một chiếc áo lông vũ dày, có thể bởi thế mà vết thương không nặng, và cũng tránh được cảm lạnh.

"Nơi bà Liên ngồi kín gió, tuy nhiên về đêm nhiệt độ trong núi có thể xuống đến 8 độ", anh Thuận nói và cho biết điều may mắn nữa là bà Liên tìm lại được túi đồ ăn và nước uống thì mới có thể sống sót được.

Về thông tin cho rằng bà Liên tự leo xuống vách núi để ngồi thiền, hoặc bịa chuyện rơi xuống vách đá, anh Thuận khẳng định không thể có chuyện đó. Anh Thuận cho biết khu vực nơi bà Liên mắc kẹt vô cùng hiểm trở, bản thân là đàn ông cũng không thể tự trèo xuống, phải dùng dây thừng mới đu xuống được và quá trình xuống cũng dễ dàng gặp nguy hiểm.

"Với người cứu hộ như chúng tôi đấy là công việc phải làm, chứ bình thường có cho tiền tỷ cũng không giám xuống, dễ chết tan xác như chơi", anh Thuận nhấn mạnh.

Về phiến đá nơi người phụ nữ nằm, anh Thuận cho hay từ trên không thể nhìn thấy được vị trí của bà Liên, chỉ khi đu dây xuống đến nơi mới thấy bà đang ngồi. Phiến đá này cũng đã giúp bà Liên khi trượt xuống không bị rơi thẳng xuống vực sâu, đã cứu thoát người phụ nữ một mạng.

Theo Đăng Khoa

Cùng chuyên mục
XEM