Chợ đầu mối Bắc Kinh mở thì 1 giờ sau nông dân Thái biết giá, còn nông nghiệp Việt đang nhận tin thị trường Trung Quốc thế nào?
"Chúng ta cứ quan niệm thị trường Trung Quốc là dễ tính, nhưng doanh nghiệp chưa có tầm nhìn chiến lược. Thị trường Trung Quốc không còn dễ tính nữa, người ta thay đổi lâu rồi", ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho biết.
"Hằng ngày khi chợ đầu mối Bắc Kinh (Trung Quốc) mở cửa thì một giờ sau nông dân Thái Lan nắm bắt được giá cả, thị trường. Còn chúng ta hơi chậm hơn trong vấn đề thông tin đến doanh nghiệp và các hợp tác xã", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết.
"Trên Lạng Sơn có xe biển Thái Lan, họ tạm nhập tái xuất sang Trung Quốc theo đường vòng".
Doanh nghiệp Việt đang ‘bán hàng’ cho Trung Quốc kiểu gì?
Chia sẻ tại tọa đàm "Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây, ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương – cho biết: Về quan hệ thương mại Việt Nam và Trung Quốc, xưa nay bà con, doanh nghiệp vẫn còn giữ tư duy cũ, coi thị trường này như chợ huyện.
"Cứ làm, thu hoạch rồi mang lên đó mới bán, rất bị động", ông Chinh nói.
Xưa nay bà con, doanh nghiệp giữ tư duy cũ, coi thị trường Trung Quốc như chợ huyện, cứ thu hoạch rồi mang lên bán
Ngoại thương với Trung Quốc, 90% doanh nghiệp đi theo đường tiểu ngạch, xuất khẩu theo kiểu "đường mòn lối mở".
"Tôi cho rằng vẫn nhiều doanh nghiệp hoạt động theo lối mòn, thích làm cái dễ, thích xuất khẩu tiểu ngạch", ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam – nhận định.
"Với quan niệm Trung Quốc là thị trường dễ tính, khi thị trường này thay đổi là doanh nghiệp trở tay không kịp. Doanh nghiệp chưa có tầm nhìn chiến lược. Thị trường Trung Quốc không còn dễ tính nữa, người ta thay đổi lâu rồi, các tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đã thay đổi nhiều".
Ông Bình kể lại chuyện trước đây công ty ông xuất khẩu tinh bột hoa sang Trung Quốc. Việc xuất khẩu mười mấy năm vẫn diễn ra bình thường. Đến năm 2010-2012, Chính phủ Trung Quốc đưa ra tiêu chuẩn mới, bạn hàng cũng yêu cầu doanh nghiệp phải thay đổi công nghệ mới có thể đáp ứng xuất khẩu được.
"Vào tháng 4/2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành Lệnh 248 về "Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu", và Lệnh 249 về "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu". Hai lệnh này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Tôi cũng không rõ đã có bao nhiêu DN đăng ký được theo hai lệnh này, nếu không kịp đăng ký thì sau này mất nhiều thời gian", ông Bình nói.
"Về việc giúp đỡ các DN thì Hiệp hội chúng tôi có những biện pháp cung cấp thông tin cho DN nhận rõ vị trí hiện tại. Việc xuất khẩu trái cây tươi sang Trung Quốc phải cấp mã số vùng trồng, các cơ sở đóng gói cũng phải được cấp mã số… được thông tin rõ, nếu không làm thì không đưa hàng sang thị trường Trung Quốc được".
Chúng ta đang tiếp nhận thông tin từ thị trường Trung Quốc ra sao?
Ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương. Ảnh: VGP.
Trước câu hỏi "dường như chúng ta khá bị động trong vấn đề truyền thông các chính sách về nhập khẩu nông sản của nước bạn một cách kịp thời", Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Phan Văn Chinh cho biết: Bộ NN&PTNT cũng như Bộ Công Thương hết sức coi trọng công tác truyền thông chính sách về nhập khẩu nông sản cho bà con.
Đặc biệt, Bộ Công Thương phát hành rất nhiều sách giới thiệu về giao thương, xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong những sách này, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, tiêu chuẩn hàng hóa, những đạo luật, pháp lệnh của Trung Quốc về tiêu chuẩn chất lượng. Ví dụ như việc thông tin về các Lệnh 248, 249, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT đã triển khai rất sớm.
"Có một thực tế, trong số các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tương tối nhiều nên nhận thức về tầm quan trọng cũng như đội ngũ cán bộ nắm bắt vấn đề này còn hạn chế", ông Chinh nói.
"Tuy nhiên, dù thế nào thì thông tin là vô tận, doanh nghiệp luôn luôn cần thông tin. Chúng tôi nghĩ vai trò hiệp hội trong lĩnh vực này là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước, từ công tác tham vấn chính sách đến tuyên truyền".
Ông Chinh cho biết hiện Thương vụ ở Trung Quốc thường xuyên thông tin. Khi có thông tin, phía Bộ Công thương trao đổi ngay với Bộ NN&PTNT, chuyển cho địa phương để thông báo.
"Và ngay trên website của Bộ Công Thương, hàng tuần, 10 ngày, chúng tôi có bản tin nông sản và bất cứ cơ quan, doanh nghiệp, địa phương nào có nhu cầu về thông tin chúng tôi đều cung cấp. Chúng tôi nghĩ là Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương đã cố gắng hết sức trong vấn đề truyền thông và thông tin cho bà con về vấn đề này", ông Chinh bày tỏ.
Với câu chuyện xuất khẩu sang Trung Quốc, gần đây khi nước bạn áp các quy định tiêu chuẩn chất lượng thì DN gặp khó ngay. Do đó, ông Chinh cho rằng chính sách không đơn thuần là buôn bán lối đi cửa khẩu chính, phụ mà nằm ở 3 công đoạn, trong đó công đoạn đầu tiên là phát triển sản phẩm xuất khẩu phù hợp tiêu chuẩn, quy định thị trường.
"Ví dụ như một số loại trái cây Thái Lan quá cảnh qua Việt Nam đã quen với tiêu chuẩn chất lượng nên vẫn xuất khẩu bình thường, không phải lo giải toả", ông Chinh nói.