Chính phủ Canada, Hà Lan, New Zealand đang tìm cách chia tiền cho người dân

15/03/2016 13:48 PM | Chính sách

Một số quốc gia như Phần Lan, Hà Lan và gần đây nhất là Canada đã quyết định thử nghiệm việc “cho tiền” người dân hàng tháng bất kể họ có thất nghiệp hay không.

Không chịu thua kém, lãnh đạo Đảng Lao động ở New Zealand, ông Andrew Little tuyên bố rằng chính phủ đang xem xét thực hiện một hệ thống trợ cấp mới với tên gọi “Thu nhập cơ bản-Basic Income” dành cho tất cả mọi người, bất kể thất nghiệp hay không thất nghiệp.

Những nhà lãnh đạo và các chính trị gia sẽ thảo luận về tính khả thi của hệ thống này vào cuối tháng 3/2016.

Hệ thống trợ cấp xã hội đã được giới thiệu vào thập niên 60 và mới được áp dụng tại một số nước như Mỹ và Canada. Tuy nhiên gần đây nhiều nước đã bắt đầu quan tâm hơn đến hệ thống này.

Theo nhiều chuyên gia, sự bất bình đẳng trong thu nhập và chênh lệch giàu nghèo là nguyên nhân khiến nhiều nước công nghiệp phát triển lâm vào tình trạng bất ổn xã hội lẫn kinh tế.

Hơn nữa, những áp lực từ chăm sóc gia đình và các chi phí khiến người lao động liên tục phải chuyển việc và hệ thống này có thể góp phần làm giảm tình trạng này.

Theo lý thuyết, hệ thống thu nhập cơ bản giúp người lao động có thể yên tâm làm việc mà không bị áp lực thất nghiệp hoặc tìm kiếm công việc có thu nhập cao hơn.

Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy người lao động làm việc lâu hơn 17% và có thu nhập cao hơn 38% khi hệ thống thu nhập cơ bản được áp dụng.

Tuy vậy, những người phản đối hệ thống này cho rằng khoản thuế trả thêm cho thu nhập cơ bản hàng tháng sẽ khiến giá các hàng hóa tăng lên, qua đó làm xói mòn những tác dụng của hệ thống.

Tại Phần Lan, khoản thu nhập cơ bản hàng tháng cho người dân có giá trị vào khoảng 900 USD, con số này tại Hà Lan là 1.000 USD. Riêng tại Canada, hệ thống này mới chỉ được thử nghiệm và chưa có số tiền cụ thể cũng như số người tham gia thí nghiệm.

New Zealand đã có kế hoạch triển khai hệ thống này từ trước nhưng vấp phải tranh luận của nhiều chính trị gia. Việc thực hiện thu nhập cơ bản sẽ làm tăng năng suất cũng như giảm áp lực cuộc sống cho người dân khi dù họ có thất nghiệp hay không cũng được nhận tiền, nhưng những hệ lụy mà hệ thống này đem lại vẫn chưa được làm rõ.

Dẫu vậy, với tình hình ngày càng có nhiều nước áp dụng thu nhập cơ bản, rất có thể chính phủ New Zealand không muốn chậm chân và cũng sẽ thông qua hệ thống này.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM