Chính phủ sẽ phát hành 60.000 tỉ đồng trái phiếu cho đầu tư năm 2016
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ và các hạn mức vay nợ năm 2016.
Theo đó, Chính phủ có kế hoạch vay 452.000 tỷ đồng, tương đương hơn 20 tỷ USD. Trong đó, vay để bù đắp bội chi là 254.000 tỷ đồng; phát hành trái phiếu Chính phủ cho đầu tư là 60.000 tỷ đồng…
Về nguồn huy động vốn, dự kiến khoản vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ, vay từ Quỹ Bảo hiểm xã hội và SCIC là 336.000 tỷ đồng (khoảng 15 tỷ USD). Vay nước ngoài từ nguồn vốn ODA , vay ưu đãi 99.000 tỷ đồng, trong đó, 43.000 tỷ đồng cho vay lại và 56.000 tỷ đồng để bù đắp bội chi ngân sách.
Theo báo cáo thực trạng nợ công tại Việt Nam của Trung tâm Nghiên cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), nợ công trong nước chủ yếu từ việc phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP).
Về quy mô, lượng phát hành giai đoạn 2011-2015 đã tăng gấp 2,5 lần giai đoạn 2006-2010.
Về kỳ hạn, 3 năm đầu giai đoạn, TPCP kỳ hạn ngắn (1-3 năm) chiếm khoảng 77% khối lượng phát hành hàng năm.
Hệ quả là, từ năm 2014, một lượng lớn TPCP đến hạn thanh toán và Chính phủ đang phải liên tục phát hành TPCP mới để trả nợ và chi tiêu do ngân sách Nhà nước không thể đáp ứng.
Áp lực huy động vốn lớn đã dẫn đến phải huy động vốn ngắn hạn (3 năm) trong những năm 2011-2013, sẽ tạo áp lực trả nợ vào các năm 2015-2017.
Trong một phát biểu mới đây, ông Sebastian Eckardt, chuyên gia cấp cao Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cảnh báo: Tỉ trọng các khoản nợ trong nước ngày càng tăng. Điều này làm tăng lãi suất bình quân và rút ngắn đáng kể kỳ hạn của nợ công, dẫn đến chi trả lãi hiện nay chiếm tới 8% tổng thu của Chính phủ và trên 75% nợ trong nước sẽ đáo hạn trong 3 năm tới.