Chính phủ sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả thị trường tiền tệ, chứng khoán, bất động sản, TPDN

12/01/2023 09:38 AM | Kinh doanh

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Chính phủ sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả thị trường tiền tệ, chứng khoán, bất động sản, TPDN - Ảnh 1.

Nghị quyết 01 được đưa ra trong bối cảnh dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nhanh chóng, khó đoán định. Cạnh tranh chiến lược các nước lớn, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại gay gắt hơn. Lạm phát tiếp tục ở mức cao, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất kéo dài tại nhiều quốc gia. Nguy cơ mất thanh khoản, rủi ro, bất ổn về tài chính, tiền tệ, nợ công, bất động sản, an ninh năng lượng, lương thực, thông tin trên toàn cầu gia tăng. Kinh tế toàn cầu có xu hướng tăng trưởng chậm lại, một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế.

Trong nước, sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất tăng; sản xuất kinh doanh đối mặt nhiều thách thức khi các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp.

Tại Nghị quyết 01, Chính phủ đưa ra 11 nhiệm vụ, giải pháp với ưu tiên là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.

Trong đó, chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được điều hành linh hoạt, đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng và các chính sách khác. Ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, bảo đảm ổn định hệ thống tài chính ngân hàng trong mọi tình huống là một trong số nhiệm vụ trọng tâm của điều hành thị trường tài chính ngân hàng năm nay.

Chính phủ cũng sẽ tập trung cao độ cho ổn định, phát triển an toàn, bền vững các thị trường tiền tệ, tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản; không để mất an toàn hệ thống; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân, không để bị kích động, lôi kéo, gây mất an ninh trật tự.

Rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, tăng cường giám sát, kiểm tra, đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng, định chế tài chính, các thị trường tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản, bảo đảm phát triển công khai, minh bạch, an toàn, ổn định, lành mạnh, bền vững.

Điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Triển khai quyết liệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”; đẩy mạnh xử lý nợ xấu; tập trung triển khai chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về việc cơ cấu lại, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, bảo đảm ổn định tình hình hoạt động và hỗ trợ các tổ chức tín dụng này từng bước phục hồi.

Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý đối với các tổ chức tín dụng; trong đó, tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; tập trung chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng cường minh bạch trong hoạt động, khắc phục tình trạng sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, rà soát, xử lý và ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo, cho vay không đúng quy định của pháp luật.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, bảo đảm thị trường tiền tệ, ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh, thông suốt, bền vững. Nghiên cứu, đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cùng với việc sửa đổi, hoàn thiện quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.

Thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số hoạt động ngân hàng để áp dụng các mô hình kinh doanh mới và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ tiện ích, an toàn đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Nghị quyết cũng đưa ra nhiệm vụ xử lý dứt điểm 6 ngân hàng yếu kém, và 8 dự án chậm tiến độ đã được Bộ Chính trị cho chủ trương.

Giá các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu... sẽ được quản lý, điều hành điều chỉnh chặt chẽ.

Chính phủ cũng chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Nghị quyết đưa ra nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ; giữ vững độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm quốc phòng, an ninh...

Chính phủ giao các bộ, ngành chủ động theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, nâng cao năng lực phân tích, dự báo để đưa ra giải pháp kịp thời, giảm thiểu tác động tiêu cực với nền kinh tế và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

Theo Quang Hưng

Cùng chuyên mục
XEM