Chính phủ Pháp cân nhắc khôi phục 'Thuế nhà giàu' để giảm nhiệt làn sóng biểu tình

05/12/2018 20:45 PM | Xã hội

Với hy vọng hạ nhiệt căng thẳng do làn sóng biểu tình có tên "Áo vàng" kéo dài trong nhiều tuần qua, ngày 5/12, Chính phủ Pháp thông báo sẽ cân nhắc khôi phục lại "Thuế nhà giàu" (ISF) nhằm vào những hộ gia đình có thu nhập cao.

Đây là một trong những yêu cầu chủ chốt của những người biểu tình "Áo vàng" với mong muốn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ đảo ngược chính sách cắt giảm thuế mà ông đã áp dụng cho những người giàu nhất nước Pháp để thúc đẩy đầu tư.

Chính phủ Pháp cân nhắc khôi phục Thuế nhà giàu để giảm nhiệt làn sóng biểu tình - Ảnh 1.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) thị sát hiện trường diễn ra các cuộc biểu tình bạo loạn phản đối tăng giá nhiên liệu của lực lượng "Áo vàng" ở thủ đô Paris, ngày 2/12/2018. Ảnh: AFP/TTXVN



Trao đổi trên sóng phát thanh RTL, người phát ngôn Chính phủ Pháp Benjamin Griveaux nêu rõ: "Nếu có điều gì đó không hiệu quả, chúng tôi sẽ không im lặng, chúng tôi sẽ thay đổi" mặc dù vấn đề này hiện chưa được bàn thảo.

Ông Griveaux cho rằng cần phải mất thêm 18 hoặc 24 tháng nữa để biện pháp cắt giảm thuế cho người giàu phát huy hiệu quả, đồng thời cho biết chính phủ sẽ xem xét và đánh giá kết quả vào cuối năm tới.

Quan chức này cũng cho biết chính phủ sẽ hoãn việc tăng thuế nhiên liệu trong vòng 6 tháng để cùng thương lượng với những người biểu tình nhằm cùng nhau tìm kiếm các giải pháp.

Ông Griveaux nói: "Nếu cuối cùng các cuộc thảo luận không tìm kiếm được những giải pháp tốt, chúng tôi sẽ chấp nhận hậu quả".

Việc khôi phục thuế đánh vào tầng lớp giàu có đã trở thành một trong những yêu cầu chủ chốt của những người biểu tình "Áo vàng", cùng với yêu cầu chấm dứt tăng thuế nhiên liệu và nâng lương tối thiểu.

Được thi hành từ năm 1982, ISF quy định những hộ gia đình Pháp có giá trị tài sản trên 1,3 triệu euro (1,4 triệu USD) sẽ phải đóng thêm thuế dù họ đã bị đánh thuế thu nhập cá nhân.

Với khoảng 350.000 hộ gia đình được miễn ISF, ngân sách Pháp sẽ mất khoảng hơn 4 tỷ euro/năm (4,5 tỷ USD/năm).

Trong năm đầu tại nhiệm, Tổng thống Macron đã quyết định bãi bỏ ISF như một phần trong kế hoạch nhằm kích thích nền kinh tế Pháp, khiến những người chỉ trích cho rằng nhà lãnh đạo này thiên vị người giàu trong khi chính phủ lại tăng thuế đối với những người được hưởng trợ cấp và những đối tượng khác.

Tổng thống Macron đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiệm kỳ lãnh đạo của ông sau 3 tuần nổ ra các vụ biểu tình bạo lực trên khắp nước Pháp. Những người biểu tình "Áo vàng" yêu cầu chính phủ phải có biện pháp hỗ trợ tài chính cho phần đông dân cư đang vật lộn với cuộc sống "thắt lưng buộc bụng".

Với hy vọng xoa dịu cơn giận dữ của dư luận, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe ngày 4/12 đã thông báo tạm dụng kế hoạch tăng thuế nhiên liệu trong vòng 6 tháng.

Một số nhượng bộ khác của Chính phủ Pháp còn bao gồm hoãn tăng giá khí gas và điện, dự kiến có hiệu lực từ tháng 1/2019, trong vòng 3 tháng của mùa đông. Ngoài ra, kế hoạch siết chặt việc đánh giá kỹ thuật đối với ô tô, vốn nhằm vào các xe đời cũ gây ô nhiễm môi trường, cũng được hoãn trong vòng 6 tháng.

Trước đó, chính Thủ tướng Philippe từng khẳng định chính phủ sẽ không rút lại quyết định tăng thuế nhiên liệu, bất chấp các cuộc biểu tình của những người "Áo vàng". Tuy nhiên, cuộc biểu tình vốn xuất phát từ bất bình đối với việc tăng thuế nhiên liệu đã không ngừng leo thang và trở thành làn sóng phản đối các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Tổng thống Macron, gây ra những hậu quả nặng nề.

Tổng cộng 263 người bị thương trong các cuộc biểu tình khắp cả nước, trong số này 23 người là nhân viên lực lượng an ninh. Làn sóng biểu tình dẫn tới tình trạng bạo loạn đã khiến cộng đồng doanh nghiệp Pháp quan ngại bởi thiệt hại lên tới hàng tỷ euro.

Theo Phương Oanh

Cùng chuyên mục
XEM