Chính phủ Italy quyết định chi thêm 20 tỷ euro để cứu ngân hàng lâu đời nhất thế giới

23/12/2016 09:11 AM | Xã hội

Quốc hội Italy đã nhất trí thông qua quyết định bơm thêm 20 tỷ euro (tương đương với 20,8 tỷ USD) trong nỗ lực nhằm giải cứu ngân hàng lâu đời thế giới Monte dei Paschi di Siena sau lần huy động vốn bất thành trị giá 5 triệu euro.

Hôm thứ Tư vừa qua (21/12) ngân hàng này cũng thất bại trong việc thuyết phục các nhà đầu tư lớn rót thêm 1 tỷ euro. Điều này có nghĩa Monte dei Paschi di Siena (BMPS) buộc phải cầu cứu tới Chính phủ Italy.

Trước đó, BMPS cũng đã đưa ra giải pháp đổi nợ lấy vốn trị giá 2,4 tỷ euro tuy nhiên số tiền này vẫn còn khá cách xa so với mục tiêu huy động 5 tỷ euro. Ngay cả vậy giải pháp này cũng không đạt được thành công như mong muốn trước khi đợt gọi vốn này chính thức kết thúc lúc 2 giờ chiều hôm thứ Năm (ngày 22/12).

BMPS cho biết khả năng thanh khoản của ngân hàng trong quý IV chỉ đạt 10,6 tỷ euro, thấp hơn nhiều so với dự báo được đưa ra cách đây 11 tháng trước. Sau lần giảm 6,75% thị phần cho vay vào hôm thứ Năm, BMPS vẫn trong trạng thái "dậm chân tại chỗ". Tệ hơn nữa, cổ phiếu của ngân hàng tụt dốc 18% xuống mức thấp kỷ lục. Kể từ đầu năm giá trị của ngân hàng lớn thứ ba Italy này giảm tới 80%.

Dự kiến, Chính phủ Italy sẽ mất 3 tháng để thực hiện gói cứu trợ này song song với việc kêu gọi sự trợ giúp từ phía Rome. Sau sự kiện ông Matteo Renzi, thủ tướng của Italy lúc bấy giờ xin từ chức do vấp phải sự phản đối từ phía người dân về những chính sách cải tổ hiến pháp của mình, các nhà đầu tư càng trở nên miễn cưỡng trong việc đóng góp cho kế hoạch tái cơ cấu vốn của Chính phủ.

Ngay sau khi kết quả của cuộc trưng cầu dân ý được tuyên bố, Ngân hàng Trung ương Châu Âu bác bỏ yêu cầu gia hạn thời gian thêm 20 ngày (tức là đến 20 tháng 1 năm sau) của BMPS để hút thêm vốn.

Các chuyên gia lo ngại rằng thất bại của BMPS sẽ đe dọa trực tiếp đến khoản tiết kiệm của hàng nghìn người dân Italy. Tuy nhiên bộ trưởng Bộ Tài chính ông Piercarlo Padoan lại cho rằng với gói hỗ trợ trị giá 20 tỷ euro của Chính phủ lần này rủi ro đến với các nhà đầu tư sẽ giảm đi đáng kể

Thế nhưng việc đồng ý chi khoản viện trợ 20 tỷ euro đồng nghĩa với nợ công càng đè nặng lên nền kinh tế lớn thứ ba Châu Âu hơn. Hiện tại nợ công chiếm 130% GDP của Italy khiến quốc gia này trở thành "con nợ" lớn thứ hai khu vực EU sau Hy Lạp.

Đức Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM