Chính iPhone là thủ phạm đẩy Vertu vào cái chết đau đớn như ngày nay
Nếu như 10 năm trước Steve Jobs không ra mắt một tầm nhìn có thể biến chiếc điện thoại di động trở thành một sản phẩm công nghệ thực thụ (nói cách khác: một sản phẩm lỗi thời theo năm), Vertu đã không đến nỗi chết dần chết mòn như vậy.
Với nhiều người, cái chết của Vertu ngày hôm nay là điều đã được báo trước. Cuối năm 2012, khi cuộc cách mạng smartphone do Steve Jobs khởi xướng coi như đã hoàn tất, Vertu bị công ty mẹ Nokia bán tống bán tháo cho một tổ chức tài chính Thụy Điển. 3 năm sau, tổ chức này lại mang bán Vertu cho Hong Kong. Đến cuối tuần vừa qua, Vertu bị tuyên bố ngừng mọi hoạt động sản xuất sau khi không thể quay đầu lại với thành công.
Nhưng với nhiều người, cái chết của Vertu vẫn sẽ để lại một chỗ trống trong thế giới di động. Nếu như chiếc điện thoại của bạn có thể ví với smartphone thì OPPO, Xiaomi chỉ giống như xe Trung Quốc, iPhone, Galaxy S, Galaxy Note chỉ giống như Mercedes, BMW. Vertu là Bentley, là Rolls-Royce. Vertu là thương hiệu một mình một cõi, là siêu điện thoại tượng trương cho sự giàu có, thừa mứa đến mức thượng thừa.
Ý nghĩa của siêu sang
Có một lý do cho phép Bentley hay Omega, Rolex tiếp tục sống tốt trước sự tấn công kinh hoàng của các sản phẩm công nghệ như Tesla, Apple Watch hay Fitbit. Về bản chất, Bentley hay Model S cũng vẫn là... xe hơi, Rolex hay Apple Watch vẫn là... đồng hồ. Xe hơi để di chuyển, đồng hồ để xem giờ. Dù bạn có thèm khát cảm giác siêu sang trọng của Bentley, Rolex hay những tính năng đột phá của Model S và Apple Watch, các sản phẩm này vẫn phải phục vụ cho mục đích quan trọng nhất của chúng.
Và trên hết, các tín đồ của siêu sang sẽ luôn đánh đồng "đẳng cấp" với "vĩnh viễn". Giá trị của một chiếc Bentley số lượng giới hạn sẽ không giảm theo thời gian mà có khi còn tăng gấp hàng chục lần. Mỗi một sản phẩm siêu sang như vậy luôn là đại diện cho những giá trị không thể bào mòn theo từng kỳ nghỉ lễ.
Chính vì lý do này mà Apple Watch không thể làm ảnh hưởng đến các phân khúc đắt tiền của Thụy Sĩ, và những chiếc siêu xe cũng chẳng xây xát gì trong cuộc cách mạng của Elon Musk khởi xướng. Bentley và Rolex đơn giản là vẫn có đầy đủ lý do để tồn tại, vẫn luôn luôn có một lượng tín đồ nhất định mà các sản phẩm công nghệ của Apple hay Samsung không bao giờ có thể chạm tay tới.
Bentley của điện thoại
Vertu đã từng có một lý do tồn tại tương tự như Bentley và Rolex. Đã có thời, tính năng quan trọng nhất của điện thoại là để nghe gọi. Nếu bạn muốn làm việc một cách di động, bạn phải sở hữu thêm laptop. Muốn chụp ảnh tiện lợi, phải mua máy du lịch của Canon hoặc Panasonic. Muốn chơi game di động, phải có Gameboy hoặc PSP. Nếu muốn sở hữu trải nghiệm nghe nhạc đáng mơ ước nhất, bạn phải mua iPod.
Còn nếu muốn thể hiện đẳng cấp trước mặt bạn bè bằng di động, bạn có thể rút từ trong túi quần ra một chiếc Constellation.
Đó là thời đại di động trước iPhone. Một kỷ nguyên mà khi nhắc tới "di động", 5 sản phẩm đầu tiên được người ta nhắc đến chưa chắc đã là smartphone hay điện thoại. Một kỷ nguyên rực rỡ của những chú dế, nơi mà chiếc điện thoại của bạn có thể là thanh kẹo hoặc vỏ sò, có thể có bàn phím chín số hoặc QWERTY đầy đủ, có thể có cảm ứng (nhưng không thể thiếu bàn phím). Đó là thời đại kinh hoàng của các nhà phát triển ứng dụng, nơi mà chỉ một tên gọi "Symbian" cũng có thể đại diện cho vô số những bản build code không tương thích. Đó cũng là thời đại mà các đột phá về tính năng như chụp ảnh hay mp3 không thể nào đánh bại đẳng cấp của những sản phẩm phân khúc cao.
Hãy nghĩ về những chiếc điện thoại của thời đại đó như những chiếc xe hơi của bất kỳ thời đại nào. Cho dù bạn có lắp lên chiếc Toyota của mình những bộ âm thanh "khủng" nhất, đem độ ra những chiếc Mustang hầm hố nhất thì bạn vẫn không thể chạm tới đẳng cấp của Bentley. Bất kể nhà sản xuất nào khác có tạo ra những đột phá công nghệ nào đi chăng nữa, những chiếc xe siêu sang vẫn sẽ luôn toát ra cảm giác quý tộc không thể bị phai mờ.
Thời đại "Nghe gọi là phụ"
Sự xuất hiện của chiếc iPhone vào năm 2007 đã thay đổi mọi thứ. Một chiếc điện thoại không chỉ để nghe gọi mà còn có thể dùng để lướt web, tra bản đồ, nghe nhạc, chơi game... Bạn có thể đặt iPhone vào chế độ máy bay và chiếc điện thoại này vẫn còn vô số công dụng, khác hẳn với những chiếc Nokia hay Vertu về bản chất sẽ chỉ là cục gạch khi không thể nghe gọi.
Quan trọng hơn, iPhone là smartphone dành cho tất cả mọi người. Đó là chiếc điện thoại có màn hình lớn hơn rất nhiều so với bất kỳ một chiếc điện thoại nào cùng thời, mở ra trải nghiệm giải trí và lướt web hấp dẫn chưa từng có. Khác với BlackBerry hay các mẫu Windows Mobile, iPhone rất dễ sử dụng. Smartphone theo định nghĩa của Steve Jobs chỉ là một lần chạm duy nhất bằng ngón tay cái để làm những điều bạn muốn thay vì phải bấm liên tục trên bàn phím cứng, phải miết tay trên touchpad/touchball hay phải chấp nhận cảm giác thô kệch của cảm ứng điện dung.
Một năm sau đó, iPhone 3G, App Store và Android ra đời. Số phận của Vertu chính thức bị định đoạt. Những chiếc điện thoại đáng thèm muốn nhất về trải nghiệm nay cũng đã có thể lỗi thời theo năm. Trong giai đoạn tiền khởi của smartphone, nơi những tính năng mới có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, nơi sự khác biệt chỉ vài trăm MHz cũng có thể nâng tầm trải nghiệm, chỗ đứng của Vertu đã bắt đầu lung lay.
Bài toán không lời giải
Sự xuất hiện mang tính chất cách mạng của iPhone đã khiến Vertu đi vào đường cùng. Trong nhiều năm, hãng điện thoại này vẫn tiếp tục gắn bó với Symbian và phải đến 2013 (tức là khi bị Nokia bán đi) mới tạo ra mẫu Android đầu tiên: Vertu Ti.
Vertu Ti có vi xử lý... lõi đơn và một bản thông số được Android Authority gói gọn lại trong hai chữ "tồi tệ". Chiếc Signature Touch ra mắt vào năm 2014 cũng vẫn chỉ sử dụng Snapdragon 801. Trong thế giới Android, nơi cuộc đua cấu hình vẫn luôn có ý nghĩa sống còn, Vertu rõ ràng là không thể bám đuổi các hãng điện thoại "bình thường" như Samsung và LG.
Mà kể cả nếu bám đuổi kịp, Vertu của năm nay cũng sẽ trở thành sản phẩm hạng hai chỉ sau một năm. Một con chip Snapdragon có giá chỉ vài chục USD, nhưng bạn không thể tháo smartphone đã bán ra để thay chip cho khách hàng đã bỏ ra vài chục nghìn USD để mua Vertu. Thật là trớ trêu.
Một chiến trường khác mà Vertu thua cuộc đau đớn: tính năng. Hãy thử nhìn vào trường hợp điển hình của chiếc iPhone 5 và 5s: dù có cùng một thiết kế với iPhone 5 nhưng iPhone 5s lại có kiến trúc 64-bit, có cảm biến vân tay cho phép mở khóa và mua app dễ dàng, có cảm biến chuyển động để đếm bước chạy. Chỉ trong vòng 1 năm, chiếc iPhone 5 đáng thèm muốn đã trở thành sản phẩm hạng hai đối với các fan của Apple.
Đây chính là đòn kết liễu đối với Vertu. Nghe gọi đã trở thành một phần nhỏ trong trải nghiệm điện thoại. Những phần tính năng quan trọng hơn là do cấu hình, là do các loại cảm biến mới, các công nghệ mới định đoạt. Chúng giết chết cái gọi là "giá trị trường tồn". Mỗi chiếc điện thoại được tạo mới theo năm sẽ luôn là những chiếc điện thoại đáng thèm muốn nhất, đem đến những giá trị quan trọng mà điện thoại đời cũ không thể sở hữu được. "Hạng hai sau một năm" đã là luật chơi của thị trường smartphone. Vertu phải sản xuất smartphone, và Vertu phải theo luật chơi đó.
Cái chết đã được định đoạt từ 10 năm trước. Cuộc chơi di động đã bị Steve Jobs thay đổi bản chất. Đáng buồn thay, bản chất đó lại đối nghịch hoàn toàn với giá trị cốt lõi của một thương hiệu có thể coi là "Rolls-Royce của di động".