Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể tồi tệ như thế này đây
Các nhà đầu tư dường như không phản ứng nhiều trước phát súng đầu tiên của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc. Tuy nhiên, sự bình tĩnh có thể sắp kết thúc.
Trong nhiều tháng, các thị trường tài chính đã giằng co khi Tổng thống Mỹ Donald Trump theo đuổi các biện pháp đánh thuế nhằm chống lại Trung Quốc. Chính vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi Mỹ tiến hành đánh thuế lượng hàng hóa 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc hôm 6/7 cũng như các biện pháp đáp trả của Trung Quốc.
Tuy nhiên, những gì sẽ diễn ra là điều cực kỳ khó đoán.
Những tổn thất ngoài sức tưởng tượng
Các nhà kinh tế cảm thấy họ có thể xử lý những tác động trực tiếp của Chiến tranh Thương mại ở một cấp độ cao hơn. Thuế quan làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu, dẫn tới việc tăng chi phí của doanh nghiệp. Tuy nhiên, những công ty này hoàn toàn có thể hấp thụ chi phí tăng lên, hoặc chuyển đổi toàn bộ số tiền đó sang vai người tiêu dùng. Điểm mấu chốt là nó sẽ làm cho nhu cầu bị ảnh hưởng.
Chính quyền Tổng thống Trump đang xem xét đánh thuế tăng cường với lượng hàng hóa trị giá 16 tỷ USD khác nhập khẩu từ Trung Quốc. Nếu Mỹ và Trung Quốc dừng lại ở việc đánh thuế hàng hóa 50 tỷ USD nhằm vào nhau, nó sẽ chẳng có mấy tác động tới sự tăng trưởng của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Tuy nhiên, ông Trump có vẻ không muốn dừng lại ở đấy.
Tổng thống Mỹ tuần trước đe dọa mở rộng phạm vi đánh thuế với lượng hàng hóa 500 tỷ USD nhập khẩu Trung Quốc. Về cơ bản, nó sẽ bao gồm gần như tất cả hàng hóa nhập khẩu từ châu Á vào Mỹ chứ không chỉ từ Trung Quốc.
Với kịch bản này, các chuyên gia kinh tế cũng không thể đo lường được đầy đủ tác động trực tiếp và gián tiếp của cuộc chiến thương mại. Dẫu vậy, họ vẫn khẳng định Thị trường Tài chính Mỹ cũng khó có thể tránh được tác động khi chiến tranh thương mại leo thăng. Giá cổ phiếu, hiệu ứng dây chuyền với nền kinh tế và tốc độ tăng trưởng 0,4%/năm của Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Ở bên kia Thái Bình Dương, cổ phiếu và tiền của Trung Quốc cũng đã bị tác động bởi lo ngại một cuộc chiến thương mại quy mô lớn. Chỉ số Shanghai Composite nằm trong chuỗi giảm điểm dài nhất suốt 6 năm qua. Đồng nhân dân tệ vừa có quý giảm tồi tệ nhất từ năm 1994. Các nhà hoạch định chính sách phải đưa ra những biện pháp nhằm ổn định tâm lý nhưng cũng chưa thu lại nhiều hiệu quả.
Kinh doanh và niềm tin của người tiêu dùng là "một yếu tố X khác". Tại nhiều khu vực ở Mỹ, người ta đã thu nhỏ hoặc hoãn tăng vốn trong kinh doanh bởi nguy cơ từ chiến tranh thương mại. Thông tin này được nêu ra trong báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
"Nguy cơ là bạn bắt đầu thấy nhiều doanh nghiệp phản ứng tiêu cực hơn bằng cách hạn chế những khoản đầu tư của họ. Bạn cũng bắt đầu thấy những bằng chứng cho thấy các doanh nghiệp tạm ngừng các kế hoạch chi tiêu vốn đã được đưa ra", ông Gregory Daco, chuyên gia kinh tế trưởng tại Oxford Economics, nhận định.
Trong một kịch bản nghiêm trọng, suy giảm đầu tư kinh doanh và chi tiêu tiêu dùng sẽ dẫn đế giảm nhu cầu. Điều này khiến các nước phải đối mặt với nhiều rào cản thương mại hơn, tạo ra một vòng luẩn quẩn gắn kết chủ nghĩa bảo hộ với tăng trưởng chậm.
"Thật khó để đo lường những tác động gián tiếp từ Chiến tranh Thương mại với nền kinh tế toàn cầu. Chúng ta chưa phải trải qua một cuộc chiến tranh thương mại quy mô lớn nào trong một thời gian dài. 50 năm qua kinh tế thế giới khá ổn định. Chúng ta không có những bài học từ quá khứ để cảnh tình hiện tại", ông Atsi Sheth, quản lý cấp cao của Moody’s Investors Service, nhấn mạnh.
Tàn phá những mối quan hệ
Chiến tranh thương mại cũng kéo theo những điều không thể đoán định về chính trị.
Hiện tại, Trung Quốc đã thể hiện họ không muốn một cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng đã nhấn mạnh hôm 6/7, thời điểm Mỹ nổ phát súng khơi mào cuộc chiến thương mại: "Quan điểm của chúng tôi là chiến tranh thương mại không bao giờ là giải pháp. Nó chẳng có ích lợi gì".
Gene Ma, trưởng khoa Tài chính của Viện nghiên cứu Tài chính Quốc tế của Trung Quốc, cũng nhấn mạnh Bắc Kinh đã phản ứng rất hạn chế. Phía Bắc Kinh cũng cố gắng để cho vấn đề này nằm trong phạm vi kinh tế và được giải quyết như một vấn đề thương mại chứ không muốn đẩy nó trở thành vấn đề địa chính trị.
Tuy nhiên, chẳng có gì đảm bảo Bắc Kinh vẫn sẽ mãi như thế.
Nếu ông Trump tiếp tục cáo buộc Trung Quốc cạnh tranh không công bằng và ăn cắp tài sản sở hữu trí tuệ của Mỹ, quan hệ Mỹ - Trung có thể sẽ khác dù ở thời điểm hiện tại, mối quan hệ này đang ở mức tệ nhất nhiều năm qua. Các biện pháp đáp trả của Bắc Kinh cũng có thể vì thế mà tăng lên, chẳng hạn như nhằm vào các công ty Mỹ đang hoạt động ở Trung Quốc hay những chính sách với đồng nhân dân tệ yếu hơn nữa.
Bill Spinsch, cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhấn mạnh, càng để lâu, mọi thứ sẽ càng nan giải và phức tạp hơn. Trong khi thiệt hại ngắn hạn của thuế quan và những phản ứng đáp trả không quá phức tạp, những tranh chấp dài hạn với là điều thực sự đáng lo.