Chiến sĩ PCCC lao vào đám cháy cứu nam thanh niên 17 tuổi: "Tôi không phải người hùng, vì mình tôi không thể cứu sống em ấy"
"Nếu mọi người muốn gửi lời cảm ơn sau vụ cháy ở Núi Trúc thì nên dành cho tất cả các anh em trong đội PCCC quận Đống Đa và Ba Đình. Tôi không phải người hùng, vì mình tôi không thể cứu sống em ấy" - chiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng nói.
10h15' sáng 10/9, đội cảnh sát PCCC quận Đống Đa nhận được một cuộc điện thoại báo cháy. Căn nhà 5 tầng trong ngõ 12 Núi Trúc (phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội) nghi ngút khói lửa, người dân la hét hoảng sợ.
Đội PCCC nhận lệnh, xuất 2 xe cứu hỏa cùng 1 xe chỉ huy tức tốc đến hiện trường. Khi đó, tại con ngõ nhỏ, khói đã đen kịt trên bầu trời. Tầng 1 của ngôi nhà số 8 gần như bị ngọn lửa bao vây. Trên tầng 4, một thanh niên 17 tuổi bị mắc kẹt, ngất lịm, không thể cất lời kêu cứu.
Hình ảnh chiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng lao vào đám cháy, cùng anh em cứu sống nam thanh niên 17 tuổi. Ảnh: Infonet, TTXVN.
"Tôi gần như kiệt sức..."
Vũ Ngọc Hoàng (SN 1992, Đông Anh, Hà Nội) là chiến sĩ PCCC trực tiếp tham gia dập lửa ngày hôm đó. Nhận sự phân công của chỉ huy, Hoàng cùng anh em tiến hành phá cửa tầng 1. Từ bên ngoài, thang được nối lên, tiếp cận tầng 2 của căn nhà. Thông tin có người mắc kẹt được phát đi, nhưng không ai biết chính xác nạn nhân nằm tại tầng bao nhiêu.
Trên tầng 2, đồ đạc gần như che kín cửa, công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn. 4 người khác đã kịp thời thoát thân theo cầu thang bộ, trèo sang nhà bên cạnh và tiếp đất an toàn. Khi đó, một người phụ nữ lớn tuổi thất thần: "Còn cháu tôi ở trên đấy!".
Khoảng 5, 7 phút sau, công an quận Ba Đình chi viện 2 xe, cùng lực lượng quận Đống Đa nỗ lực khống chế ngọn lửa. Từ tầng 4, một đồng chí cố gắng nói vọng xuống: "Vẫn còn nạn nhân mắc kẹt!". Theo quán tính, Hoàng chạy thật nhanh, mặc cho trên người không có bất cứ đồ bảo hộ nào.
Cậu thanh niên chừng 17 tuổi nằm một góc trong căn phòng, khuôn mặt trong tư thế úp xuống sàn nhà. Hoàng đỡ nạn nhân nằm ngửa, một chiến sĩ tên Hiếu vội nhường bình thở rồi xốc nạn nhân lên lưng Hoàng.
"Khi tôi cõng nạn nhân gần đến cửa, gần như không thể di chuyển được nữa. Cửa bé và chỉ hé một cánh. Tôi phải vứt hết đồ bảo hộ, chỉ mỗi 2 anh em, rồi cố gắng nghiêng người. Khi xuống tới chiếu nghỉ giữa tầng 3 và tầng 2, tôi gần như kiệt sức. Tôi hít khói nhiều, chùng mất khoảng 1 phút, cố bám vào tay vịn cầu thang.
Tôi đã nghĩ, nếu không đi tiếp, chắc chắn cả 2 anh em sẽ cùng ngất. Tôi chỉ biết phải tìm cách thoát ra ngoài nhanh nhất" - Hoàng nhớ lại.
Vũ Ngọc Hoàng, chiến sĩ PCCC đội PCCC quận Đống Đa.
Cõng nạn nhân xuống tầng 1, Hoàng ngồi sụp xuống đường. Trời đổ cơn mưa lớn, nhưng ngọn lửa vẫn chưa thôi buông tha những người lính. Hoàng đi dưới trời mưa, gương mặt đen sạm và ướt sũng. Anh thở hắt, như vừa dốc trọn một bầu tâm sự. Khi đó, dù hơi thở còn yếu, nạn nhân đã được anh em trong đội PCCC sơ cứu ban đầu và nhanh chóng đưa tới bệnh viện. Mọi việc sắp tới, phụ thuộc nhiều vào nghị lực sống của cậu bé.
"Em ấy quá may mắn, vì khi nằm sấp, lượng khói hít vào không nhiều. Bất cứ ai trong trường hợp của tôi cũng đều hành động như thế, chỉ kịp nghĩ làm sao cõng nạn nhân thoát ra một cách nhanh nhất".
2 ngày sau, Hoàng bị sốt xuất huyết, nhập viện gần 10 ngày. 6 chiến sĩ khác của đội PCCC quận Đống Đa cũng lần lượt "thi nhau" nằm viện. Dự định ghé thăm cậu thanh niên 17 tuổi đành hoãn lại, chờ đến khi tất cả anh em đều khỏe.
"Tôi không phải người hùng, vì mình tôi không thể cứu sống em ấy"
Vũ Ngọc Hoàng bắt đầu công tác tại đơn vị PCCC quận Đống Đa từ tháng 8/2015. Từ đó đến nay, anh cũng như bao chiến sĩ khác, không thể đếm nổi số vụ cháy đã từng tác nghiệp. Ngày kinh khủng nhất 6 vụ hỏa hoạn cùng bùng phát khắp địa bàn thành phố Hà Nội, quân số trong đội không thiếu một ai, đều lần lượt trải qua sự bỏng rát, hơi cay và những lúc mệt nhoài.
Hoàng bảo, anh đến với PCCC như một cái duyên. "Cảm giác như nghề chọn tôi vậy. Trong ký ức của mình, tôi thi vào lực lượng công an nhân dân vì... hồi bé hay xem phim Cảnh sát hình sự". Nói đoạn, Hoàng cười, như nhớ lại sự ngô nghê, non nớt thuở bé. Sau khi học qua lớp trung cấp PCCC, Hoàng chính thức gia nhập đội ngũ lực lượng PCCC.
Đơn vị là ngôi nhà thứ 2 của Hoàng, thời gian anh ở đây còn nhiều hơn ở nhà. Gia đình vợ từng không hài lòng, vì anh em PCCC đều sẽ phải trực 100% quân số, nhất là những ngày lễ, Tết.
"Tình cảm 2 vợ chồng ban đầu có chút khó khăn. Nhưng vợ càng ngày càng hiểu, vì đó là công việc, ai trong nghề cũng đều phải thế, chứ không riêng tôi. Có thể tôi buộc phải dành ít thời gian cho gia đình, nhưng tình cảm thì không bao giờ ít".
Nhìn thấy hình ảnh chồng với khuôn mặt đen sạm sau vụ hỏa hoạn trên phố Núi Trúc, chị từng trách: "Lần sau anh phải đảm bảo an toàn cho mình, sao đi chữa cháy lại không có thiết bị bảo hộ".
"Nhưng mọi người phải hiểu được trong tình huống đấy nếu tôi đeo bình thở hay các thiết bị bảo hộ khác thì chắc chắn không thể cõng nạn nhân. Anh em chiến sĩ PCCC khi đã có nhiệm vụ thì cứ thế mà làm, không ai nghĩ sẽ phải đảm bảo an toàn cho bản thân trước tiên".
Người ta gọi lính cứu hỏa là những người chiến đấu giữa thời bình. Họ được rèn giũa để hình thành tính cách gang thép, không sợ khói lửa nguy nan. Điều duy nhất sợ hãi, chính là việc thường xuyên đối mặt với nỗi đau của sự chết chóc. Cả tiếng gào khóc, xác người nằm sâu trong đám cháy...
Ở đơn vị Đống Đa, từ nếp xa xưa, anh em thường được đánh giá là khá "thiện chiến" trong công tác. Họ chưa từng nghĩ sẽ nuối tiếc nếu chẳng may phải đánh đổi tuổi xuân hay tính mạng để giành lấy sự yên bình cho nhân dân. Riêng Hoàng, hay bất cứ chiến sĩ nào, một khi đã dấn thân vào ngọn lửa đều chỉ có một tâm niệm duy nhất: Hoàn thành tốt nhiệm vụ và đảm bảo an toàn, tính mạng cho chính mìnhh và người dân.
"Bác Hồ từng nói với lực lượng PCCC: Bác chúc các chú thất nghiệp. Anh em chúng tôi thất nghiệp bao nhiêu thì cuộc sống người dân tốt lên bấy nhiêu. Nếu mọi người muốn gửi lời cảm ơn sau vụ cháy ở Núi Trúc thì nên dành cho tất cả các anh em trong đội Đống Đa và Ba Đình. Tôi không phải người hùng, vì mình tôi không thể cứu sống em ấy".
"Chúc em mau khỏe và thành công trong cuộc sống"
"Tôi không được tận mắt chứng kiến vì nghe tin mới chạy từ Minh Khai xuống Núi Trúc. Khi đến nơi thì xe cấp cứu đã đưa con trai vào bệnh viện. Sau được nghe mọi người kể lại mới biết, một chiến sĩ tên Hiếu đã nhường bình ôxy của anh ấy cho con tôi và tiến hành sơ cứu.
Sau đó, một chiến sĩ nữa là anh Ngọc Hoàng, ở đội PCCC quận Đống Đa chính là người trực tiếp cõng con trai tôi từ trên tầng 4 xuống. Khi được nghe kể chuyện và xem những hình ảnh ấy, tôi đã không cầm được nước mắt, thực sự quá biết ơn và cảm thấy may mắn vì sự sống sót diệu kỳ của con trai tôi".
Anh Nguyễn Viết Thành (45 tuổi) dùng 2 từ "vị thần" để nói về những ân nhân đã cứu sống con trai anh. Nhập viện trong tình trạng khá nguy kịch, chỉ thở thoi thóp, khó bảo toàn tính mạng, đến nay, cậu thanh niên 17 tuổi vẫn được điều trị tích cực, nhưng may sao, cậu đã bình phục hoàn toàn, 1 - 2 ngày tới có thể xuất viện.
"Bây giờ cháu có thể ngồi gẩy đàn và hát được rồi, chỉ phải theo dõi thêm. Ngay khi con trai xuất viện, bố con tôi sẽ trực tiếp đến gặp để gửi lời cảm ơn các chiến sĩ PCCC dũng cảm" - Anh Thành nói, hệt như một phép màu khi con trai anh được cứu sống trong tích tắc khỏi bàn tay tử thần.
- "Nếu được gửi lời tới cậu thanh niên 17 tuổi, anh sẽ nói gì?".
- "Chỉ 1 câu thôi. Chúc em mau khỏe và thành công trong cuộc sống".