Chiến lược 'Zero Covid' bất chấp của Trung Quốc: Xét nghiệm 70 lần với 1 em bé, khóa chặt 34.000 người bên trong Disneyland vì 1 ca nghi nhiễm

23/11/2021 10:09 AM | Xã hội

Trung Quốc có chưa đến 5.000 ca tử vong trong số hơn 5 triệu người chết trên toàn cầu vì dịch. Tất cả là nhờ 'Zero Covid'.

Theo hãng tin Bloomberg, Trung Quốc đang phải đối mặt với cuộc chiến chống dịch Covid-19 vào giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi đại dịch này bùng phát. Thay vì phủ sóng vaccine và mở cửa trở lại với nền kinh tế như nhiều quốc gia đã làm, Trung Quốc tiếp tục tăng cường gấp đôi các biện pháp giãn cách, xét nghiệm nhằm đảm bảo chiến lược "Zero Covid" bất chấp chúng ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội.

Hãng tin Bloomberg cho biết nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang phải trải qua giai đoạn bùng dịch nặng nề nhất kể từ khi biến thể Delta được phát hiện vào tháng 5/2021 tại Trung Quốc. Đây cũng là lần bùng dịch có tốc độ lây lan mạnh chưa từng thấy kể từ khi đại dịch được phát hiện ở Vũ Hán 2 năm trước đây.

Tồi tệ hơn, bất chấp việc tăng cường các biện pháp phòng dịch như xét nghiệm 70 lần với 1 bé sơ sinh hay đóng cửa toàn bộ khu Disneyland tại Thượng Hải với khoảng 34.000 người ở bên trong vì 1 ca nghi nhiễm, Trung Quốc vẫn chưa dập tắt được hoàn toàn đại dịch và đạt mục tiêu mở cửa trở lại.

Chiến lược Zero Covid bất chấp của Trung Quốc: Xét nghiệm 70 lần với 1 em bé, khóa chặt 34.000 người bên trong Disneyland vì 1 ca nghi nhiễm - Ảnh 1.

Quyết không từ bỏ

Số liệu theo dõi của Bloomberg cho thấy Trung Quốc đã thành công ngăn chặn đại dịch trong 18 tháng đầu tiên khi không có ca lây nhiễm mới nào trong khoảng 1/3 tổng thời gian. Con số này là vô cùng ấn tượng khi Mỹ có tới 85.000 ca nhiễm mới bình quân mỗi ngày trong cùng thời điểm, dù dân số của Mỹ chỉ bằng ¼ Trung Quốc.

Thế nhưng thành công đó giờ đây đang đi xa dần khi biến thể Delta với tốc độ lây lan kinh khủng đã khiến những biện pháp giãn cách hiệu quả trước đây của Trung Quốc trở nên kém cỏi. Tồi tệ hơn, việc siết chặt giãn cách giữa các tỉnh trong bối cảnh đại dịch đã lây lan ra hầu như cả nước khiến nền kinh tế lẫn an ninh xã hội chịu ảnh hưởng. Mùa đông và dịp Tết Nguyên Đán đến gần thường là thời điểm người dân Trung Quuoocs mua bán, đi lại nhiều nhất trong năm.

Theo Bloomberg, thành công từ chiến dịch chống Covid-19 giai đoạn đầu đã củng cố niềm tin cho chính quyền Bắc Kinh về "Zero Covid". Thế nhưng biến thế Delta dường như đang làm tan rã những cố gắng này với khả năng lây lan nhanh chóng của mình.

Tại những quốc gia từng thực hiện "Zero Covid" như Singapore hay Australia cũng đã phải thừa nhận chiến lược này có cái giá quá đắt đỏ với nền kinh tế lẫn người dân, qua đó từ bỏ chúng và để Trung Quốc ở lại bơ vơ với cách chống dịch của riêng mình.

Việc hàng loạt nước chấp nhận sống chung với dịch và số ca nhiễm ngày một tăng tại Trung Quốc đang tạo áp lực lớn lên chính quyền Bắc Kinh. Tuy nhiên Hội đồng y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết tình hình dịch bệnh phức tạp tại các nước láng giềng cũng như trên thế giới khiến họ khó lòng từ bỏ "Zero Covid" để mở cửa hoàn toàn bình thường trở lại.

Chiến lược Zero Covid bất chấp của Trung Quốc: Xét nghiệm 70 lần với 1 em bé, khóa chặt 34.000 người bên trong Disneyland vì 1 ca nghi nhiễm - Ảnh 2.

Tình dịch bệnh tại Trung Quốc tồi tệ hơn kể từ khi biến thể Delta được phát hiện

Trên thực tế, đại dịch Covid-19 vẫn chưa gây nhiều sợ hãi cho người dân nước này dù chúng được phát hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc. Cho đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc mới ghi nhận chưa đến 5.000 ca tử vong trong số hơn 5 triệu người chết vì dịch trên toàn cầu.

Chuyên gia dịch tễ học Liang Wannian và cũng là người đứng đầu đội phản ứng nhanh chống Covid-19 của Trung Quốc trả lời với đài truyền hình trung ương CCTV rằng dù chiến lược "Zero Covid" khắt khe nhưng họ có thể nhanh chóng xác nhận được ổ dịch, qua đó tập trung dập dịch cũng như điều trị để giảm số ca tử vong xuống mức thấp nhất. Thêm nữa, chuyên gia Wannian khẳng định nền kinh tế Trung Quốc cũng không thực sự chịu ảnh hưởng bởi những quy định giãn cách như hiện nay.

"Hãy chỉ nhìn vào kết quả...Tất cả mọi người đều thấy rõ hiệu quả của chúng", chuyên gia Wannian nhấn mạnh.

Bởi vậy chuyên gia Wannian cảnh báo việc mở cửa trở lại quá sớm có thể xoá bỏ mọi thành quả đạt được như hiện nay khi số ca bệnh tăng trở lại, gây áp lực cho cả hệ thống y tế lẫn nền kinh tế Trung Quốc.

Thành công xa dần

Dẫu vậy, chiến lược của Trung Quốc vẫn khiến nhiều chuyên gia quốc tế nghi ngờ bởi tình hình dịch hiện nay của nước này khá tệ. Chỉ vì một đợt bùng dịch nhỏ từ nhóm du lịch vùng Tây Bắc, đại dịch hiện đã lan ra 2/3 đất nước.

Tương tự như đợt chống dịch giai đoạn đầu, chính quyền địa phương cũng ra lệnh giãn cách, tăng cường xét nghiệm và cách ly những vùng có F0. Thế nhưng số ca nhiễm mới vẫn tăng và nhiều ổ dịch bùng phát mới xuất hiện.

Hãng tin Bloomberg cho biết đã có thành phố tại Trung Quốc bật hết đèn đỏ giao thông lên để hạn chế người dân đi lại trong mùa dịch. Khu Disneyland Thượng Hải vào đêm Halloween đã lặng lẽ đóng cửa ngăn mọi người trở về vì có ca F0. Du khách phải xét nghiệm xong rồi mới được ra khỏi cửa.

Chiến lược Zero Covid bất chấp của Trung Quốc: Xét nghiệm 70 lần với 1 em bé, khóa chặt 34.000 người bên trong Disneyland vì 1 ca nghi nhiễm - Ảnh 3.

Số tỉnh tại Trung Quốc thông báo có ca nhiễm mới mỗi ngày

Rất nhiều thành phố của Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp chống dịch. Thậm chí một thị trấn biên giới với Myanmar đã lập hàng rào chống Covid-19 để ngăn cản sự lây lan.

Chuyên gia kinh tế trưởng Wang Tao của ngân hàng UBS chi nhánh Trung Quốc cảnh báo những biện pháp chống dịch quyết liệt như trên sẽ ảnh hưởng đến thị trường tiêu dùng cũng như giảm tốc tăng trưởng trong bối cảnh thiếu hụt năng lượng và bong bóng bất động sản như hiện nay. Chắc chắn việc ngăn sông cấm chợ sẽ gây thiệt hại nặng cho ngành du lịch, dịch vụ cũng như vận tải.

Theo dự báo của UBS, tăng trưởng năm nay của Trung Quốc có thể chỉ đạt 4%, thấp hơn so với mức dự báo 5,4% trước đó. Thậm chí Thế vận hội Olympic mùa đông tại Bắc Kinh diễn ra vào tháng 2/2022 cũng có thể chịu ảnh hưởng vì các lệnh giãn cách này.

Rõ ràng, việc ngăn chặn hoàn toàn đại dịch Covid-19 trong bối cảnh nhiều biến thể xuất hiện mà không làm ảnh hưởng nền kinh tế cũng như người dân là không khả thi.

"Tôi cho rằng mục tiêu ‘Zero Covid’ này chẳng hợp lý tý nào. Chiến lược này sẽ rất khó áp dụng trong bối cảnh nhiều biến thể xuất hiện", giám đốc Jason Wang của trung tâm CPOP thuộc trường đại học Stanford nhận định.

*Nguồn: Bloomberg

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM