Chiêm ngưỡng văn phòng "cao ốc nằm ườn" của Google, có cả công viên trên sân thượng
Khi hoàn thành, trụ sở mới của Google tại London có chiều dài ngang với chiều cao của The Shard, tòa nhà cao nhất Vương quốc Anh.
The Shard cao khoảng 310 mét. Trụ sở mới của Google tại London cũng có kích thước tương tự nhưng nằm ngang, nó dài tới 330 mét.
Đơn vị thiết kế tòa nhà, Bjarke Ingels Group and Heatherwick Studios, gọi công trình của mình là "landscraper" bởi nó mở rộng kích thước theo chiều ngang trên mặt đất chứ không vươn mình lên bầu trời theo chiều dọc như các tòa nhà khác.
"Landscraper" của Google là tòa nhà đầu tiên trên thế giới được thiết kế theo hình thức này. Tuy nhiên, theo Amy Webb, một người theo chủ nghĩa tương lai, landscraper sẽ trở thành chuẩn mực mới cho các tòa nhà tại Mỹ trong vòng 20 năm tới.
""Landscraper" sẽ tạo ra những dấu ấn mới, chưa từng thấy cho các thành phố tại Mỹ và có thể giúp cuộc sống của chúng ta dễ dàng hơn, thực tế hơn", Webb nói.
Dưới đây là chi tiết về trụ sở "landscraper" sắp được hoàn thành của Google và lý do tại sao nó lại trở thành chuẩn mực cho các tòa nhà tại Mỹ:
Theo Webb, bốn xu hướng chủ đạo đều chỉ ra rằng "landscraper" là chuẩn mực của tương lai.
Thứ nhất, làn sóng "di cư" ngày càng mạnh mẽ từ các trung tâm đông đúc như New York và San Francisco tới những vùng đất kém phát triển hơn như Austin, Texas, Phoenix và Arizona. Theo Webb, "landscraper" sẽ phát triển mạnh mẽ tại các khu đô thị mới bởi có nhiều không gian hơn phục vụ cho việc xây dựng chúng.
"Chúng ta sẽ được thoải mái trong việc chọn nơi để xây dựng những trung tâm kinh tế mới và mở rộng ra xung quanh chứ không phải hướng lên cao", Webb nói. "Năm 2030, các "landscraper" sẽ giúp Mỹ sẽ trở thành trung tâm của công nghệ, bao gồm công nghệ sinh học, nông nghiệp, chỉnh sửa gen...".
Những đổi mới gần đây trong công nghệ thang máy cũng sẽ giúp việc di chuyển bên trong "landscraper" trở nên dễ dàng hơn. Hồi tháng 6, hãng sản xuất thang máy Thyssenkrupp của Đức đã tuyên bố rằng họ vừa tạo ra một mẫu thang máy không dây, không chỉ di chuyển lên xuống mà còn có thể đi sang ngang.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư và hãng công nghệ cũng đang đầu tư rất nhiều vào công nghệ drone tự lái, đặc biệt là trong lĩnh vực giao hàng. Ví dụ, đầu năm nay Amazon đã tiết lộ kế hoạch giao hàng bằng drone. Trong những năm tới, Webb nghĩ rằng các drone giao hàng sẽ hoạt động nhộn nhịp trên bầu trời các thành phố. Để điều phối, các cơ quan chức năng của những thành phố trong tương lai có thể sẽ phải điều trình không gian trên cao bằng những phương pháp như hạn chế chiều cao của các tòa nhà.
"Chúng ta sẽ có nhiều thứ có thể bay", Webb nói. "Không gian trên đầu chúng ta sẽ sớm bị kiểm soát để tạo ra những cao tốc vô hình".
Cuối cùng, những thảm họa thiên nhiên như bão, lũ ngày càng gia tăng cả về số lượng và tàn phá do biến đổi khí hậu. Vì thế, trong tương lai, việc xây dựng và sinh sống các tòa nhà cao tầng sẽ trở nên nguy hiểm hơn.
"Biến đổi khí hậu gây ra những thảm họa tồi tệ và càng nguy hiểm hơn khi hầu hết những trung tâm kinh tế lớn hiện tại của Mỹ đều nằm trong khu vực phải hứng chịu những vấn đề liên quan tới khí hậu trong tương lai gần", Webb nói.
Dự kiến, "landscraper" của Goole bắt đầu được xây dựng vào năm 2018. Tòa nhà 11 tầng này có diện tích mặt sàn lên tới 93.000 mét vuông và có thể cung cấp không gian cho 7.000 nhân viên. Nó cũng có cả một công viên, khu giải trí, nhà hàng trên sân thượng.
Theo Business Insider