Chiếc lồng đèn Trung thu con cua độc đáo và chuyện người trẻ kỳ công phục dựng những món đồ chơi cổ xưa trăm tuổi

19/09/2023 09:10 AM | Sống

Trong khi nhiều người trẻ chọn con đường đi tìm cái mới, cái hiện đại để nâng cao đời sống tinh thần của người dân, thì có những người trẻ khác chọn hướng quay về chốn cũ với những giá trị xưa cũ.

Thời điểm Tết Trung thu đang cận kề, trong ký ức của của nhiều người hiện lên những sắc màu gắn liền với những món đồ chơi dân gian. Tuy nhiên những năm gần đây, khi cuộc sống ngày càng hiện đại và sung túc hơn, những đèn ông sao, đèn kéo quân, tiến sĩ giấy... dần mất đi sự phổ biến. Trẻ con bây giờ có nhiều lựa chọn hấp dẫn hơn với chúng, người lớn thì cảm thấy tiếc nuối khi hoài niệm về tuổi thơ của mình. Và có những bạn trẻ, đang nỗ lực để những nét đẹp văn hóa từ thời cha ông không bị lãng quên. 

Khởi đăng tác khí - một xưởng thủ công được sáng lập bởi các bạn trẻ ở quận 3, TP.HCM đang hàng ngày tỉ mỉ phục dựng những món đồ chơi Trung thu truyền thống, có thể khá lạ lẫm với nhiều người như đèn lồng cua, cá... 

Độc đáo lồng đèn con cua dịp Trung thu 2023

Suốt cả tuổi thơ vắng bóng những món đồ chơi Trung thu cổ và đẹp, sau này dù đi đến nhiều nơi, thăm nhiều chỗ, Nguyễn Thị Kim Thủy - người sáng lập xưởng thủ công Khởi đăng tác khí (30 tuổi, TP.HCM) cũng chưa một lần được chạm tay vào những đèn lồng con cá chép hay con cua lung linh và chân thực của ngày xưa ấy. Tuổi thơ của Thủy, giống nhiều người khác, chủ yếu chỉ được chơi với những món đồ chơi mang dáng vẻ "ngô nghê" hoặc là các sản phẩm du nhập sản xuất hàng loạt.

Cho đến khoảng 5 năm trước, khi bắt gặp hình ảnh lồng đèn Trung thu xưa ở Hà Nội được chụp từ những năm đầu thế kỷ XX, Thủy đã nhen nhóm trong lòng ý tưởng về việc phục dựng những món đồ chơi cổ, góp phần bảo tồn sản phẩm truyền thống này. Sau khi nghiên cứu, tìm tòi, hơn 1 năm trở lại đây, Thủy cùng Khởi đăng tác khí bắt tay vào tạo ra các đèn lồng thủ công truyền thống. 

Bắt đầu từ tình yêu dành cho những nét văn hóa truyền thống, vợ chồng Thủy cùng các bạn sinh viên trường Kiến trúc, Mỹ thuật đã tạo nên xưởng thủ công Khởi đăng tác khí. Lấy cảm hứng từ điển tích "Nhất cổ tác khí" (tức là tiếng trống trước chiến trận giúp động viên tinh thần), cái tên Khởi đăng tác khí ra đời với mong muốn những chiếc đèn lồng do mình tạo ra có thể thắp lên tình yêu đồ thủ công truyền thống và góp thêm phần nào vào việc gìn giữ văn hóa Việt.

Công đoạn nằm khung đèn đòi hỏi nhiều công phu

Để tạo nên một chiếc đèn Trung thu, dù to nhỏ, công phu hay đơn giản cỡ nào, thì thứ quan trọng nhất chính là phần khung. Thủy đã thử và từng sai rất nhiều, đôi khi hoàn thành rồi vẫn phải bỏ đi vì chưa ưng ý. Không nản lòng, Thủy liên tục thử nghiệm với nhiều chất liệu khác nhau để uốn được khung đèn ưng ý nhất. Thủy kể, cô từng thất bại khi sử dụng ruột mây làm khung, vì chúng có tính chất mềm nên không đảm bảo việc tạo hình. Tiếp đó, Thủy thử nghiệm với nan tre truyền thống nhưng cũng không khả quan, do tre quá giòn. Cuối cùng, cô tìm đến nan trúc và từ đó, vật liệu này trở thành cốt lõi cho các sản phẩm của Khởi đăng tác khí.

Hết khung thì đến vấn đề giấy lợp phủ ngoài. Đây cũng là một thách thức, khi Thủy và các cộng sự phải tìm cách thích nghi với những vật liệu mới, như giấy bóng kính thay vì những thứ như giấy nhiễu vốn gần như đã "thất truyền". Đây là một điều khiến Thủy tiếc nuối, khi không thể sử dụng được loại giấy cổ xưa, nhưng theo một góc nhìn khác, Thủy cho rằng việc các sản phẩm của cô sử dụng được những vật liệu mới cũng là một minh chứng cho việc văn hóa truyền thống vẫn có thể sống tiếp trong thời hiện đại, với một dạng thù hình khác.

Mỗi hình tượng đèn lồng Trung thu đều mang ý nghĩa đặc biệt. Chẳng hạn như lồng đèn Cự Giải (lồng đèn con cua), không nhiều người biết đến sự tồn tại của nó, hoặc có biết cũng chỉ mơi hồ, không hiểu được ý nghĩa hình tượng lồng đèn. Vỏ cứng của mai cua cũng được gọi là giáp (giống như quy giáp - mai rùa), chữ giáp này giống với chữ giáp trong giáp bảng (bảng tiến sĩ thi khoa cử ngày xưa). Chính vì vậy lồng đèn con cua cha mẹ tặng con vào Tết Trung thu gửi gắm mong ước con cái học hành giỏi giang, thành công như vậy.

Ngay cả những con cá chép soi mình trong ánh trăng dưới đáy nước vào tiết Trung thu cũng trở thành biểu tượng của sự đỗ đạt. Theo tích xưa, vào đêm Rằm tháng 8, cá chép tìm cách nuốt trăng hòng "vượt vũ môn" vào đầu hè tới. Tương truyền, con cá chép vào vượt qua được vực nước sẽ hóa thành rồng. Sự biến chuyển đó cũng tương tự như với các nho sinh ngày xưa, khi vượt qua được các kỳ thi sẽ đỗ đạt làm quan. 

Vì vậy, trong Tết Trung thu, người ta thường bày lên bàn học của trẻ con các hình trạng nguyên giấy, tiến sĩ giấy,... của những khoa thi ngày xưa để con trẻ "lấy vía" may mắn cho con đường học hành.

Lồng đèn cá chép và tiến sĩ giấy của Khởi đăng tác khí

Nhắc đến tiến sĩ giấy, đây cũng là kỷ niệm đáng nhớ nhất khi Thủy bắt đầu bắt tay vào việc phục dựng các sản phẩm thủ công này. "Do sự chủ quan đối với công việc làm thủ công, sau khi hoàn thành thiết kế (thời gian tìm nguyên liệu, cách thể hiện lại tiến sĩ giấy, các kỹ thuật cần thiết hết... 1,5 tháng) và bắt tay vào làm, Khởi đăng tác khí đã đặt mục tiêu làm được 100 tiến sĩ giấy, có lẽ nhanh thôi mà. Thực tế thì, để đạt được sự tinh tế, không lem keo khi dán, giữ được chính xác từng chi tiết khó hơn tưởng tượng rất nhiều. Gần 2 tháng xưởng chỉ làm được 18 tiến sĩ giấy và cuối cùng sau 3 tháng, chỉ có thể dừng lại ở 30 tiến sĩ giấy, dù làm ngày làm đêm vẫn không kịp mục tiêu đề ra".

Lồng đèn nan trúc là sản phẩm ưng ý nhất của xưởng tính đến hiện tại. Thủy chia sẻ, nếu lựa chọn làm bằng dây thép sẽ dễ hơn nhiều nhưng chúng sẽ không cho ra vẻ đẹp tự nhiên khi đối chiếu với tư liệu hình ảnh về lồng đèn xưa. Phải cố gắng giữ được nguyên cốt lõi tự nhiên mới tìm được đường phục dựng các sản phẩm truyền thống cần đến sự tỉ mỉ này.

Tết Trung thu năm 2023, tại xưởng của Thủy cho ra 4 mẫu đồ chơi truyền thống, đó là lồng đèn giấy dó, lồng đèn cá, lồng đèn cua và tiến sĩ giấy. Họa tiết mới năm nay là Phúc Đáo Ngư Long với ngụ ý cầu mong mang lại bình an, hạnh phúc cho chủ nhân chiếc lồng đèn. Họa tiết vảy cá được lấy ý tưởng từ những cánh hoa mẫu đơn tượng trưng cho phú quý. Các họa tiết trang trí trên thân đèn chủ yếu được lấy ý tưởng từ các họa tiết cổ mang ý nghĩa tốt lành. Bên cạnh đó, theo nhu cầu của người mua, Thủy cũng sáng tạo thêm việc dùng màu sắc ánh nhũ lấp lánh để truyền tải vẻ sinh động và giúp tăng độ thu hút của lồng đèn.

Những chiếc đèn lồng nan trúc đẹp đẽ, tinh xảo sau khi hoàn thành sẽ được đặt tên khá mỹ miều, chẳng hạn như Hoàng Kim Ngư Long, Bạch Ngân Ngư Long,... Đây không chỉ là ý tưởng giúp bật lên vẻ đẹp của một sản phẩm công phu mà chủ nhân của những chiếc đèn còn muốn diễn tả vẻ đẹp của ngôn ngữ, khơi gợi lại những nét đẹp tinh hoa cổ được gửi gắm thông qua những món đồ chơi truyền thống này.

So với các sản phẩm thủ công trên thị trường, có không ít tranh cãi về giá thành của mỗi sản phẩm tại xưởng. Chia sẻ thêm về điều này, Thủy cho biết: "Những vị khách đã mua sản phẩm tại Khởi rất đa dạng, từ phụ huynh muốn có món quà đẹp cho con cháu, từ bạn bè mua làm quà tặng phương xa đến những chủ nhà hàng, quán cà phê muốn tạo điểm nhấn thu hút từ không gian, và ngay cả những họa sĩ, nghệ sĩ muốn sáng tác trên các tác phẩm truyền thống. Theo tôi, khi bỏ tiền ra mua không phải mua xa xỉ phẩm, mà cũng là chung tay làm sống lại một nét đẹp vốn có của truyền thống".

Thực ra, người ta bàn luận về những sản phẩm của xưởng cũng chứng tỏ một điều rằng những sản phẩm đó đã gây chú ý và để lại ấn tượng trong lòng họ.

Khó, nhưng không bỏ cuộc để nối lại những "đứt gãy văn hóa" của thời gian

Không lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nghề thủ công, cũng chưa được sống trong không gian làng nghề bao giờ, Thủy và chồng cho rằng, đây là một bất lợi vì không có người chỉ bảo, dẫn dắt. Tuy nhiên, đó cũng là lợi thế giúp vợ chồng chị có thể tự do hơn trong việc sáng tạo.

Xuất thân từ ngành Thiết kế nội thất, Thủy cho biết dựa vào kiến thức hình khối, màu sắc, mỹ thuật lẫn kỹ thuật được học, xưởng của Thủy đã kết hợp tất cả những gì chắt lọc, góp nhặt được để tạo nên những sản phẩm trung thu truyền thống giống với bản gốc nhất. 

Một thiệt thòi và cũng là cái khó của Thủy khi lựa chọn đi theo con đường phục dựng những món đồ chơi cổ này là chỉ dựa vào những hình ảnh phỏng dựng hoặc ảnh chụp lồng đèn của Việt Nam được trưng bày hiện vật tải Bảo tàng Quai Branly, Pháp. Ngoài ra, không có tư liệu chính xác bằng văn bản hay vật chứng để đối chiếu. Cũng chính vì vậy, Thủy rất mong muốn được những chuyên gia, nhà nghiên cứu khi thấy sản phẩm có thể góp ý, giúp cho phiên bản phục dựng ngày càng hoàn thiện và giống nguyên bản hơn.

Từ năm 2007, nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách với tình yêu dành cho những chiếc đèn Trung thu truyền thống, đã bỏ nhiều công sức tìm tòi ở khu Phú Bình (quận Tân Phú, TP.HCM) - nơi nhiều dân làng Báo Đáp (Nam Định) di cư vào, để nghiên cứu cách phục chế đèn Trung thu xưa. Làng nghề Báo Đáp vốn nổi tiếng làm đèn Trung thu quy mô lâu đời và bài bản ở miền Bắc. Nhà nghiên cứu Trịnh Bách đã sử dụng giấy nhiễu - loại giấy bên trong có trộn vụn tơ hay sợi vải để chịu nước; sau khi vẽ xong họa tiết, đèn được phết một lớp dầu trẩu để chống thấm nước và một lớp dầu bạch tùng để tăng độ trong. Phải đến năm 2022, chiếc đèn con cua sống, con cua luộc và cá hóa long của nhà nghiên cứu mới hoàn thành và gây tiếng vang lớn.

Nói để thấy, việc phục dựng vốn không hề đơn giản, ngay cả với một chuyên gia như Trịnh Bách. Có lẽ so với những nhà nghiên cứu văn hoá dày dặn kinh nghiệm, những gì góp nhặt được của người trẻ như vợ chồng Thuỷ vẫn còn phần "non dại". Về cơ bản, để tìm được công thức, nguyên liệu như thuở ban đầu sau cả hàng thế kỷ vật đổi sao dời, là vô cùng khó khăn. Nhưng ở Thủy hay những người trẻ đam mê giá trị truyền thống, có sự nhiệt huyết và tình yêu lớn hướng về nguồn cội, đây là thứ sức mạnh lớn lao truyền cảm hứng cho họ. Họ mong sau này, khi thế hệ sau nhìn lại sẽ thấy được sức sáng tạo đáng nể của người Việt, sự tinh hoa đáng tự hào của văn hóa Việt.

Hành trình phục dựng di sản của cha ông chưa bao giờ dễ dàng. Nghệ nhân làng nghề không còn nhiều, hình ảnh tư liệu thời xưa cũng bị thất truyền nên để tìm lại được linh hồn của những món đồ chơi Trung thu xưa là một bài toán khó, cần có sự kiên nhẫn và tình yêu sâu sắc để sẵn sàng bước lên một hành trình dài. Thức thâu đêm suốt sáng để trăn trở vẽ nên hình khối, đau đáu chọn loại nan để uốn khung sao cho chuẩn, căn ke từng lớp giấy bóng kính phủ sao cho vừa vặn. Thành phẩm phải có được vẻ tự nhiên, chân thực và thần thái sắc nét... Cứ từng bước nhỏ một, với tình yêu mến vẻ đẹp truyền thống, có lẽ Thủy, cũng như những người trẻ hướng về vẻ đẹp truyền thống, sẽ tìm được con đường riêng để phục dựng lại được những tinh túy ấy.

Bước theo sau các nghệ nhân làng nghề, những nhà nghiên cứu văn hoá, nhiều người trẻ vẫn không quên nguồn như vợ chồng Thuỷ, muốn tìm lại những gì đã cũ của một thời, muốn nâng niu những nét truyền thống tốt đẹp thành một món quà văn hoá cho thế hệ mai sau.

Thật khó để yêu thương và trân trọng những gì ta chưa từng gắn bó. Thế nhưng hình ảnh từ kí ức, từ tuổi thơ của ông cha, của chính chúng ta sẽ trở thành dữ liệu chân thật nhất giúp tìm lại những nét đẹp truyền thống đang dần mai một này.

"Nhiều bạn trẻ hiện nay có thể không biết đến những món đồ truyền thống xưa do sự đứt gãy văn hóa nhưng khi đã biết đến sự tồn tại những sản phẩm mang vẻ đẹp ký ức xưa vừa công phu lại tỉ mỉ, chắc chắn các bạn ấy sẽ muốn chung tay giữ gìn". - Thủy chia sẻ.

Thời đại mới cho chúng ta nhìn thấy một thế giới đầy màu sắc và hoa lệ, nhưng nét đẹp văn hoá truyền thống cho ta những gì ấm áp, gần gũi và kéo gần tinh hoa xứ sở ở quá khứ về với hiện tại. Mỗi một nét đẹp văn hoá ấy không to tát để làm thay đổi được đất nước, nhưng chúng giữ cho bản sắc Việt luôn sáng và đậm đà trong lòng người dân, dù cho năm tháng vội vã rời đi.

Theo PV

Từ khóa:  lồng đèn
Cùng chuyên mục
XEM