Chiếc bát đựng 10 hạt óc chó và bài học đắt giá dành cho kẻ vùi đầu làm việc mà mãi chẳng thăng tiến
Bận bịu không đồng nghĩa với việc mang lại giá trị. Chỉ những cá nhân biết sắp xếp thứ tự ưu tiên mới tối ưu hóa năng suất bản thân.
Ai làm công sở cũng biết, đều đặn mỗi ngày, chúng ta có rất nhiều công việc cần được xử lý. Chưa dừng lại ở đó, những hạng mục công việc cũ chưa được hoàn thành, việc mới lại tiếp tục được giao. Việc chồng việc khiến sự căng thẳng ngày một leo thang và dần dẫn đến những mệt mỏi và chán nản.
Ở một môi trường nào đó khác thì không cần nói đến, tuy nhiên, trong công sở nói riêng, người tối ngày bận bịu không đồng nghĩa với việc đó là một nhân viên kiểu mẫu. Người đi đầu và gặt hái được thành công là những có nhân có khả năng tối đa hóa năng suất, làm được nhiều công việc, mang lại nhiều giá trị cho công ty.
Vậy làm cách nào để có thể tối đa hóa năng suất làm việc, nâng cao năng lực cũng như khả năng thể hiện của bản thân. Cuộc đối thoại giữa chú tiểu và người sư phụ của mình bên dưới đây ít nhiều sẽ để lại cho dân công sở những bài học quý giá.
"Ở một ngôi chùa trên núi có một lão thiền sư, ông phát hiện rằng, có một chú tiểu vô cùng cần cù chịu khổ chịu khó, bất kể là đi hóa duyên, hay xuống bếp rửa rau, chú tiểu này luôn bận rộn tất bật từ sáng đến tối.
Chú tiểu này nội tâm rất dằn vặt, quầng mắt chú càng ngày càng thâm đen, cuối cùng, không chịu nổi, chú tìm đến sư phụ: “Sư phụ, con mệt mỏi quá rồi, nhưng vẫn chưa thấy có được thành tựu gì cả, không biết là nguyên nhân gì ạ?”.
Lão thiền sư trầm tư một lát nói: “Con đem cái bát hàng ngày đi hóa duyên lại đây”.
Chú tiểu liền đem cái bát đến, lão Thiền sư nói: “Được rồi, hãy để nó ở đây, con lại đi lấy quả óc chó bỏ đầy bát cho ta”. Chú tiểu không biết dụng ý của sư phụ, đem một đống quả óc chó đến. Bỏ vào bát khoảng 10 quả, bát đã đầy rồi.
Lão Thiền sư hỏi chú tiểu: “Con có thể bỏ thêm quả óc chó vào bát được nữa không?”.
“Không thể thêm được nữa, bát đã đầy rồi, nếu bỏ thêm nữa sẽ rơi ra ngoài” – Chú tiểu trả lời.
“Ô, bát đã đầy rồi ư? Con hãy đem ít gạo tới đây” – lão Thiền sư nói.
Chú tiểu lại đem ít gạo ra, chú bỏ gạo vào kẽ hở giữa các quả óc chó trong bát, thì lại có thể bỏ được rất nhiều gạo vào, cho đến khi gạo bắt đầu tràn ra ngoài. Chú tiểu lúc đó mới dừng lại, bỗng nhiên như ngộ ra điều gì, chú nói: “Ôi, thì ra cái bát lúc nãy vẫn chưa đầy”.
“Thế bây giờ đã đầy chưa?” – lão Thiền sư hỏi.
“Bây giờ đầy rồi” – Chú tiểu trả lời quả quyết.
“Con hãy đem ít nước đến đây” – lão Thiền sư yêu cầu.
Chú tiểu lại đi lấy nước, rồi đổ một gáo nước vào trong bát, lượng nước khoảng gần nửa bát được rót vào thì các khe hở đã được điền đầy hết.
Lão Thiền sư lại hỏi: “Lần này đầy chưa?”.
Chú tiểu nhìn cái bát đã đầy, nhưng cũng không dám trả lời. Chú tiểu thực sự không biết sư phụ còn có thể bỏ thêm cái gì vào được nữa. Lão Thiền sư cười nói: “Con đi lấy thìa muối lại đây”.
Lão Thiền sư lại bỏ muối tan vào nước, không chút nước nào bị tràn ra.
Chú tiểu như ngộ ra điều gì. Lão Thiền sư hỏi tiếp: “Con nói coi, điều này nói lên cái gì?”.
Chú tiểu nói: “Con đã hiểu ra, điều này nói rõ, thời gian nếu biết tranh thủ, thì luôn luôn có”.
Lão Thiền sư lại cười, lắc đầu nói: “Đó không phải là điều ta muốn nói với con”.
Tiếp theo, lão Thiền sư lại đem những thứ trong bát đổ ra chậu, chỉ còn lại cái bát không.
Lão Thiền sư chậm rãi thao tác, vừa đổ vừa nói: “Vừa rồi chúng ta bỏ vào quả óc chó vào trước tiên, bây giờ chúng ta bỏ ngược lại, xem xem sẽ như thế nào?”.
Lão Thiền sư bỏ một thìa muối vào trước, rồi lại đổ nước vào. Sau khi đổ đầy nước, lại bỏ gạo vào bát, nước bắt đầu tràn ra ngoài. Khi bát đã đầy gạo, lão Thiền sư hỏi chú tiểu: “Con xem, bây giờ có bỏ quả óc chó vào bát được nữa không?”
Lão Thiền sư nói: “Nếu cuộc đời của con như chiếc bát, khi trong bát toàn là những việc nhỏ mọn như hạt gạo này, thì những quả óc chó to của con làm sao có thể bỏ vào được nữa?”.
Chú tiểu lúc này mới triệt để hiểu rõ.
Trong cuộc sống cũng như trong công việc, chúng ta có vô vàn những mối quan tâm khác nhau. Tuy nhiên, để có thể hoàn thành nhiều thứ nhất có thể, chúng ta cần biết đánh giá bản chất của sự việc để biết đâu mới là thứ quan trọng nhất cho bản thân mình rồi từ đó sắp xếp thứ tự ưu tiên.
Ưu tiên những công việc quan trọng nhất trước, xử lý một cách triệt để rồi mới chuyển hướng sang những thứ ít quan trọng hơn và rồi làm từ từ cho đến khi mọi thứ xong xuôi. Có như vậy, việc mới không dồn việc khiến dân công sở cảm thấy chán nản, mệt mỏi.