Chiếc bàn làm việc bừa bộn, chẳng bao giờ ngăn nắp hóa ra lại là dấu hiệu cho thấy bạn là một thiên tài

09/01/2018 14:39 PM | Khoa học

Chiếc áo không làm nên thầy tu... Ai bảo cứ bừa bộn là "chẳng làm nên cơm cháo"? Đó hẳn là dấu hiệu của một thiên tài đấy nhé!

Theo tổng hợp từ tờ Entrepreneur, chiếc bàn làm việc bừa bộn không hẳn là một dấu hiệu xấu. Ngược lại, có rất nhiều lí do cho thấy, đây hẳn là một điều tốt lành. Vì nó là dấu hiệu của... những thiên tài.

1. Bạn có thói quen của một thiên tài

Rất nhiều người nổi tiếng ưa sự lộn xộn. Dù là trước đây hay hiện tại, họ đều thành công và dành được sự kính trọng của mọi người. Có thể kể đến như Steve Jobs, J.K. Rowling, Alan Turing, Mark Twain, Thomas Edison và Albert Einstein.

Họ đều là những thiên tài, rất nổi tiếng, và có một điểm chung là sở hữu chiếc bàn làm việc lộn xộn. Bởi đằng sau sự thiếu ngăn nắp, họ đã phát triển ra những ý tưởng, sáng chế nổi danh khắp thế giới...

Ngay cả Isaac Newton, người đã viết cuốn sách về trọng lực, cũng từng có thói quen bừa bộn. Trước khi mất, Newton thay vì để lại một bản di chúc, đã để lại cho gia đình cả núi việc, gồm thư từ, bản thảo, cũng như 150 cuốn tiểu thuyết lộn xộn trong phòng làm việc.

2. Bạn làm việc hiệu quả hơn những người khác

Theo Eric Abrahamson và David H. Freedman, các tác giả của cuốn A Perfect Mess: "Lợi ích bí ẩn của sự lộn xộn là một đầu óc linh hoạt, làm việc hiệu quả và cực kì sáng tạo".

Các tác giả này cho rằng, đúng là bừa bộn sẽ rất khó coi, nhưng thực ra, đây là một "hệ thống ưu tiên có hiệu quả cao". Dù trên bàn làm việc rất lộn xộn, nhưng những dự án quan trọng, nhạy cảm về thời gian sẽ có xu hướng được ưu tiên để lên trước, ở những nơi dễ tìm thấy. Trong khi những công việc kém quan trọng hơn sẽ được đẩy xuống dưới đáy bàn.

Trên thực tế, chẳng có ai là hoàn toàn bừa bộn. Những người bừa bộn có đặc điểm chung là thích sự tự do, thoải mái, nhưng vẫn sẽ có những trật tự lập ra nhất định. Ưu tiên của họ sẽ là sáng tạo, bởi chúng thường ập đến rất bất ngờ. 

Chiếc bàn làm việc bừa bộn, chẳng bao giờ ngăn nắp hóa ra lại là dấu hiệu cho thấy bạn là một thiên tài - Ảnh 1.

Steve Jobs cũng là người từng rất bừa bộn

 3. Bừa bộn làm nên những điều không tưởng

Một nghiên cứu của Đại học Minnesota đã tạo ra một thử nghiệm với 2 căn phòng: một ngăn nắp sạch sẽ và một lộn xộn để xem môi trường làm việc có thực sự ảnh hưởng tới hành vi con người.

Sau đó, các nhà nghiên cứu đã phát cho tình nguyện viên một loạt những câu hỏi trắc nghiệm và được yêu cầu điền vào chỗ trống. Các câu hỏi đại loại như, nếu bạn được tặng quà cho một tổ chức từ thiện, bạn sẽ chọn món đồ gì? Một bữa ăn nhẹ, một quả táo, hay một thanh sô cô la?

Thống kê lại, tình nguyện viên ở căn phòng ngăn nắp, sạch sẽ đưa ra các đáp án liên quan tới các sản phẩm lành mạnh, truyền thống. Trong khi ở căn phòng bừa bộn, người ta đưa ra một loạt những ý tưởng tuy điên rồ, nhưng lại rất sáng tạo và thuyết phục.

Nhờ đó, ý tưởng của các tình nguyện viên này được giới chuyên gia đánh giá cao hơn. Tác giả Kathleen Vohs cho biết: "Môi trường hỗn độn dường như truyền cảm hứng cho người tham gia, họ sẽ có xu hướng phá vỡ nét truyền thống. Trong khi môi trường trật tự, quy củ lại khuyến khích sự quy ước và an toàn".

4. Thực ra sự bừa bộn là một vòng lặp

Theo Adam Frank - một nhà thiên văn học, rõ ràng chúng ta đang sống trong một thế giới hỗn độn. Sự bừa bộn là không thể tránh khỏi, vì vậy, thay vì chiến đấu với nó, con người nên dựa vào nó để trở nên sáng tạo và làm việc hiệu quả hơn.

"Sự bừa bộn thực ra là một vòng lặp, chúng ta cố gắng tỏ ra sạch sẽ, ngăn nắp, thậm chí là dọn dẹp bàn làm việc thường xuyên. Nhưng cuối cùng lại quay trở về với sự bừa bộn. Cũng giống như thiên văn học, không có sự trật tự nào là mãi mãi. Điều gì mới, sáng tạo, đột phá thường sẽ sinh ra từ sự hỗn độn".

Chu Lang

Cùng chuyên mục
XEM