Chỉ với giấy và bút, trí nhớ của bạn sẽ cải thiện đáng kể
Bạn muốn lưu giữ một cái gì đó thật lâu trong tâm trí mình? Tốt nhất là hãy cầm bút lên.
Có thể mỗi ngày bạn vẫn phải viết nguệch ngoạc vài chữ. Nhưng nếu giữ được thói quen này và phát triển lên thành các đoạn văn bản dài hơn, bạn sẽ giúp cho khả năng ghi nhớ của mình tăng lên đáng kể.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những sinh viên ghi lại bài giảng bằng bút có kết quả học tập tốt hơn những người đánh máy lại bài giảng. Những người dùng bút ghi chép có khả năng lưu giữ thông tin và nắm được các khái niệm mới tốt hơn vì hành động viết đặt các thông tin này trên một mặt phẳng tư duy khác và đòi hỏi tâm trí phải nỗ lực hơn so với việc gõ bàn phím. Theo các nhà tâm lý học thì các công cụ điện tử hỗ trợ không giúp gì được trong hoàn cảnh này.
Kenneth Kiewra, một nhà tâm lý học giáo dục, cho biết: “Chính tính năng làm cho việc gõ phím trên laptop trở nên hấp dẫn – tức tính năng ghi chép nhanh hơn – lại là yếu tố cản trở khả năng ghi nhớ thông tin”.
Không còn phụ thuộc vào các thiết bị số – dù là làm việc gì – cũng là một thử thách thực sự trong thời đại ngày nay. Thậm chí ngay cả khi việc dùng bút ghi chép là việc bạn thường làm, thì áp dụng quy trình đó vào bất kỳ việc gì dài hơi hơn (ngoài việc chỉ ghi mấy dòng ghi chú) cũng có vẻ lạc hậu và lỗi thời.
Tuy nhiên, ngoài việc tăng cường khả năng ghi nhớ của bạn, còn có một số lợi ích khác nữa khi bạn thường xuyên dùng bút ghi chép. Theo các nhà khoa học, viết ra giấy những điều khiến bạn lo lắng và ném chúng đi có thể khiến bạn cảm thấy nhẹ đầu. Bên cạnh đó, viết ra những gì bạn đang suy nghĩ có thể làm giảm căng thẳng rất hiệu quả.
Bạn đã sẵn sàng để quay trở lại với thói quen viết chữ xưa cũ chưa? Dưới đây là một số cách để làm quen lại (và lý do tại sao bạn nên làm thế):
1. Viết nguệch ngoạc trên giấy
Hãy giải thích cho cấp trên của bạn nếu bạn bị phê bình là hay lơ đãng trong các cuộc họp. Nghiên cứu cho thấy được tự do viết linh tinh trên giấy trong một cuộc họp thực ra lại giúp bạn tập trung hơn.
2. Viết ra một danh sách những việc cần làm
Theo dõi những việc cần làm trên giấy giờ đây sẽ mang lại cho bạn lợi ích thiết thực về khả năng ghi nhớ: Thay vì dựa vào các phần mềm trên máy tính hoặc trên điện thoại, hãy cố tự mình lập ra danh sách những việc cần làm. Nhờ thế, sự phụ thuộc vào các phương tiện kỹ thuật số sẽ giảm đi rất nhiều.
3. Viết nhật ký
Nếu bạn chưa viết nhật ký, thì đây là lúc để cân nhắc đấy. Hãy đưa thêm hoạt động viết lách vào cuộc sống của mình bằng cách ghi lại 3 thứ bạn cảm thấy biết ơn mỗi ngày. Các nghiên cứu cho thấy lòng biết ơn có thể đẩy mạnh các cảm xúc tích cực và khiến bạn lạc quan hơn.
4. Viết lời cảm ơn
Từ bây giờ, nếu có ai đó làm điều gì tốt cho bạn – hay đơn giản là bạn muốn cảm ơn họ vì đã ủng hộ mình – hãy thể hiện sự biết ơn của mình, dù chỉ là trên một mẩu giấy nhỏ. Sự chân thành này không chỉ khiến họ hạnh phúc, mà nó còn khiến niềm vui của bạn được nhân lên nhiều lần.