Chỉ với 100.000 đồng, bạn cũng có thể sở hữu một đội bóng ở V-League
Trên thế giới, chúng ta đã nhiều lần nghe đến các thông tin về giá cổ phiếu của các đội bóng lớn, như “Cổ phiếu MU tăng mạnh sau khi sa thải David Moyes”, hay “Nhà Glazer rao báo cổ phiếu MU”… Thế nhưng ở Việt Nam thì điều này chưa từng xảy ra vì không có CLB nào phát hành cổ phiếu ra công chúng.
CLB bóng đá Sài Gòn (mới đổi tên từ CLB bóng đá Hà Nội) sẽ là đội bóng đầu tiên làm điều này. Theo thông tin từ Chủ tịch Nguyễn Giang Đông, Công ty quản lý đội bóng sẽ tăng vốn điều lệ gấp 4 lần, từ 25 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng. Hoạt động tăng vốn sẽ diễn ra ngay sau khi công ty chính thức chuyển trụ sở vào TPHCM.
Theo ông Đông, các cổ đông lớn sẽ sở hữu 70-75% vốn của đội bóng. Phần còn lại 25-30% sẽ được phát hành ra công chúng. Đây chính là hình thức IPO như một doanh nghiệp thực sự, điều mà chưa một công ty bóng đá nào thực hiện.
Với mệnh giá cổ phiếu 10.000 đồng, người hâm mộ chỉ cần chi ra 100.000 đồng là sẽ sở hữu được cổ phiếu của CLB và trở thành cổ đông. Vị Chủ tịch này còn cho biết, hiện đã có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn quan tâm và đặt mua cổ phần của đội bóng. Kế hoạch chi tiết về việc bán cổ phần đội bóng sẽ được công bố vào giữa tháng 4.
Số tiền huy động được CLB bóng đá Sài Gòn sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh ra nhiều mảng khác nhau, hoạt động như một công ty đại chúng trên sàn chứng khoán, công bố đầy đủ báo cáo tài chính cho cổ đông và cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường.
Tài chính là yếu tố then chốt
CLB bóng đá Sài Gòn tiền thân là đội bóng của Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Viettel, với thành phần cầu thủ là lứa trẻ của Thể Công. Năm 2012, dưới cái tên cũ - CLB bóng đá Hà Nội đã đứng thứ 2 trên bảng xếp hạng giải hạng Nhất quốc gia và giành quyền lên chơi tại giải bóng đá Vô địch Quốc gia 2013.
Tuy nhiên, do CLB này và CLB Hà Nội T&T cùng chung chủ sở hữu nên không được phép chơi trong cùng một giải đấu.
Vì vậy, CLB liên tiếp được đổi chủ, sang Công ty Nhựa Quang Huy và sau đó là CTCP Phát triển bóng đá Hà Nội. Đến năm 2015, đội bóng này thi đấu thành công và giành được suất lên hạng V-League 2016, giúp Thủ đô có 2 đại diện góp mặt tại đấu trường cao nhất này.
Tuy nhiên, người dân Thủ đô không thể vui mừng lâu. Có lẽ chứng kiến Hà Nội T&T thi đấu trên sân Hàng Đẫy với lượng khán giả khiêm tốn đã khiến CLB quyết định Nam tiến. Bên cạnh đó, yếu tố tài trợ cũng là một vấn đề quan trọng, khi dường như các mạnh thường quân ở Thủ đô không mặn mà với thể thao cho lắm.
Theo ông Đông, CLB khó lòng vươn lên thành một đội bóng mạnh ở V-League với tình hình tài chính hiện tại. Nếu vào TPHCM, đội sẽ nhận được thêm hiều nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp, đời sống cầu thủ sẽ được đảm bảo tốt hơn.
Nếu CLB bóng đá Sài Gòn kêu gọi vốn và hoạt động thành công, có lẽ trong thời gian tới, sẽ có nhiều hơn các công ty chủ quản phát hành cổ phiếu ra công chúng và người hâm mộ sau khi sở hữu cổ phiếu sẽ có thêm lý do để tới các sân vân động tiếp sức cho các “nhân viên” của mình. Khi đó, bóng đá Việt Nam sẽ ngày càng có cơ hội phát triển.
CTCP phát triển bóng đá Hà Nội là đơn vị sở hữu CLB bóng đá Hà Nội mới đây đã được chấp thuận đổi tên thành CTCP phát triển bóng đá Sài Gòn. Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) sau đó đã chấp thuận cho đội bóng được đổi tên và chuyển trụ sở vào TPHCM, bởi lẽ việc này không ảnh hưởng đến chủ sở hữu doanh nghiệp.
Ngành nghề kinh doanh của công ty là bán lẻ, bán buôn thiết bị, dụng cụ thể dục thể thao, hoạt động của các cơ sở thể thao, quảng cáo, nghiên cứu thị trường và thăm dò dư luận…