Chỉ vì 1 báo cáo, thị trường toàn thế giới chao đảo, Nikkei giảm mạnh 9% khiến chứng khoán Nhật Bản phải tạm 'ngắt mạch', đến Bitcoin cũng mất 10% giá trị

05/08/2024 14:41 PM | Kinh tế vĩ mô

Tất cả cũng chỉ vì một báo cáo.

Chỉ vì 1 báo cáo, thị trường toàn thế giới chao đảo, Nikkei giảm mạnh 9% khiến chứng khoán Nhật Bản phải tạm 'ngắt mạch', đến Bitcoin cũng mất 10% giá trị- Ảnh 1.

Tờ New York Times (NYT) cho hay số liệu báo cáo thị trường lao động Mỹ tháng 7/2024 yếu hơn so với dự báo đã làm dấy lên lo ngại Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất quá chậm, khiến nền kinh tế Mỹ có nguy cơ rơi vào suy thoái, dẫn đến hàng loạt thị trường chứng khoán toàn cầu đỏ lửa.

Kết thúc phiên đầu tuần, thị trường chứng khoán Nhật Bản chứng kiến đà giảm mạnh khi chỉ số Topix mất đến hơn 10%. Đã có thời điểm thị trường chứng khoán phải tạm ngắt mạch (Circuit Breaker) để điều chỉnh lại cho thích nghi với đà giảm quá mạnh.

Chỉ số Nikkei 225, được coi là hàn thử biểu của chứng khoán Nhật Bản, đã giảm đến 9%.

Tương tự, chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng giảm hơn 5%. Hàng loạt chứng khoán tại các thị trường từ Singapore, Australia cho đến Hong Kong đều đỏ sàn.

Chỉ vì 1 báo cáo, thị trường toàn thế giới chao đảo, Nikkei giảm mạnh 9% khiến chứng khoán Nhật Bản phải tạm 'ngắt mạch', đến Bitcoin cũng mất 10% giá trị- Ảnh 2.

Trên thực tế đây là đà tiếp diễn của đà giảm chứng khoán Mỹ và Châu Âu cuối tuần trước sau khi số liệu lao động Mỹ được công bố.

Tại thị trường giao dịch phái sinh (tương lai), chỉ số S&P 500 đã giảm 1,5% trong khi Nasdaq mất đến hơn 2%. Thị trường chứng khoán phái sinh ở Châu Âu giảm bình quân 1%.

Ngay cả thị trường tiền số, nơi được nhiều người ca ngợi là có khả năng chống lạm phát, cũng chứng kiến sắc đỏ. Đồng Bitcoin đã mất giá đến hơn 10%, qua đó cho thấy nỗi lo sợ của nhà đầu tư.

Tất cả chỉ vì một báo cáo

Tờ NYT nhận định báo cáo thị trường lao động Mỹ tháng 7/2024 khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng doanh nghiệp đang giảm tuyển dụng vì gặp khó khăn, khiến tỷ lệ thất nghiệp lên mức cao nhất gần 3 năm qua.

Nền kinh tế số 1 thế giới chỉ tạo ra 114.000 việc làm trong tháng 7, thấp hơn nhiều so với mức bình quân 215.000 việc làm suốt 12 tháng qua. Trong khi đó tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 4,3%, cao nhất kể từ năm 2021.

Điều này khiến nhà đầu tư lo ngại FED đang hạ lãi suất quá muộn có thể khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.

"Báo cáo thị trường lao động Mỹ đã dọa sợ thị trường chứng khoán, làm trầm trọng thêm lo ngại nền kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc nhanh hơn", bản phân tích của ngân hàng Nhật Bản Nomura ghi rõ.

Chỉ vì 1 báo cáo, thị trường toàn thế giới chao đảo, Nikkei giảm mạnh 9% khiến chứng khoán Nhật Bản phải tạm 'ngắt mạch', đến Bitcoin cũng mất 10% giá trị- Ảnh 3.

Đồng quan điểm, báo cáo của Goldman Sachs thì dự đoán FED sẽ cắt giảm lãi suất trong 3 cuộc họp tới đây trước khi hết năm 2024, một thời hạn ngắn hơn rất nhiều so với dự báo trước đó.

Quay trở lại Nhật Bản, thị trường chứng khoán nước này đã có một phen chao đảo từ phiên 30/7/2024 sau khi Ngân hàng trung ương nước này bất ngờ nâng lãi suất lần thứ 2 trong suốt gần 20 năm qua, qua đó cho thấy những bất ổn của nền kinh tế đã khiến chính quyền Tokyo khó có thể duy trì chính sách lãi suất âm thêm được nữa.

Chỉ số Topix phiên 30/7 đã mất điểm đến hơn 18%.

Trên thực tế các nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu bán tháo cổ phiếu Nhật Bản vài tuần nay. SỐ liệu của sàn chứng khoán Tokyo (TSE) cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 4 tỷ USD cổ phiếu Nhật Bản trong tuần kết thúc vào phiên 26/7/2024.

Bước sang tuần tiếp theo, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán tháo 1,5 tỷ USD cổ phiếu Nhật Bản nữa.

"Nếu không cắt giảm lãi suất, các ngân hàng trung ương có nguy cơ sẽ tạo ra một cuộc suy thoái mà họ không mong muốn", chuyên gia Michael Gapen của Bank of America cảnh báo.

*Nguồn: NYT

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM