Chỉ số tia cực tím vượt ngưỡng: Gia tăng nguy cơ gây ung thư da

05/05/2016 10:10 AM | Sống

TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ đang hứng chịu đợt nắng, nóng gay gắt. Đặc biệt, trời nắng gắt làm cho chỉ số bức xạ tia cực tím UV (Ultra Violet) ở ngoài trời đạt ở mức 8-10, trong khi ngưỡng được các chuyên gia khuyến cáo là khi UV từ 3 trở lên phải mặc áo che chắn, đeo kính mát để bảo vệ cơ thể.

Với chỉ số UV đạt mức 8-10 như hiện nay, nếu tiếp xúc trực tiếp với nắng trong thời gian nhất định sẽ làm da bị bỏng, lão hóa, suy giảm miễn dịch, tổn thương mắt và thậm chí làm gia tăng nguy cơ gây ung thư da.

Chỉ số tia cực tím vượt ngưỡng an toàn

Ngày 4.5, nhiệt độ tại TPHCM và các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai đạt 36-370C. Riêng khoảng thời gian từ 10 giờ đến 14 giờ, ở ngoài đường khu vực TPHCM nắng gắt làm nhiệt độ có lúc lên đến gần 400C. PV Báo Lao Động cũng ghi nhận, người dân khi lưu thông ngoài đường bằng xe gắn máy phần lớn trang bị áo, váy chống nắng che chắn bảo vệ cơ thể.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hường (P.Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú), bịt kín từ đầu đến chân khi ra đường, cho biết: “Không những mặc áo chống nắng, đeo kính mát, những ngày này trước khi ra đường tôi còn phải thoa kem chống nắng, nếu không mỗi lần đi về rát cả da”. Tuy vậy, trên các trục đường phố TPHCM, một số người lưu thông vẫn phơi nắng với áo ngắn cộc tay, không khẩu trang. Còn tại một số công trình đang xây dựng tại TPHCM (tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, xây dựng các trục đường khu đô thị Thủ Thiêm); công nhân đang xây dựng cầu Ghềnh, các ga khu vực Đồng Nai đều mặc áo che chắn…

Anh Cường - một công nhân đang thi công khu vực cầu Ghềnh - cho biết: “Để đảm bảo việc xây dựng đúng tiến độ, các anh em công nhân được huy động làm việc cật lực bất kể thời tiết nắng nóng. Trời nắng gay gắt, anh em công nhân làm việc đều phải mặc quần áo dài, vải dày che chắn cơ thể, đội nón và đeo khẩu trang nhằm hạn chế ảnh hưởng của trời nắng. Dù vậy, da của anh em công nhân ai nấy cũng bị rám, đen”.

Theo ông Lê Đình Quyết - Phó phòng Dự báo Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ - trong những ngày tới nhiệt độ khu vực miền Nam vẫn duy trì ở mức 36-370C, một số khu vực của tỉnh Đồng Nai, Bình Phước nhiệt độ có thể tăng đến 380C. Đặc biệt, tình hình nắng gay gắt làm cho chỉ số UV tăng cao.


Các chỉ số tia cực tím được đo bằng điện thoại thông thường.

Các chỉ số tia cực tím được đo bằng điện thoại thông thường.

Thực tế ngày 4.5.2016, các phần mềm thông báo thời tiết trên điện thoại di dộng đo được tại TPHCM vào lúc 9 giờ 30 sáng 4.5, chỉ số UV đạt ở mức 5-6. Sau đó vào khoảng thời gian từ 10-14 giờ cùng ngày, chỉ số UV đạt mức 8-10. Tương tự, một số tỉnh như Tây Ninh, Bình Phước, trời nắng hơn khu vực TPHCM nên chỉ số UV cũng đạt mức cao 8-10. Với các chỉ số UV đạt từ 8-10 đã vượt ngưỡng an toàn. Bởi theo các chuyên gia môi trường và các tổ chức y tế trên thế giới, khi chỉ số UV ở mức 2-3 ít gây hại về da; nhưng khi UV đạt từ mức 3 trở lên thì khi ra đường hoặc làm việc ngoài trời nắng nên mặc quần áo che chắn để bảo vệ cơ thể và đeo kính mát bảo vệ mắt trước tia cực tím.

Ông Lê Đình Quyết cho biết, dự báo từ ngày 9.5, một số nơi của khu vực miền Nam, xuất hiện mưa nhỏ không đáng kể, song với những cơn mưa nhỏ dự kiến sẽ làm cho nền nhiệt độ giảm xuống 34-350C, trời dịu mát, đến khi đó hy vọng UV mới giảm xuống.

Nguy cơ ung thư da

Theo cảnh báo từ các bác sĩ da liễu, chuyên gia về môi trường, khi ngoài trời UV đạt tới mức 6 thì da người sẽ bị cháy nắng trong vòng 30 phút, nếu UV ở mức 12 thì thời gian trên giảm còn 15 phút. TS Phạm Sanh - chuyên gia về môi trường - cho hay, tác hại cấp tính của tia cực tím có thể xảy ra khi người dân tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng gay gắt thời gian lâu. Tương tự như khi da bị cháy nắng, các tế bào bao bọc mắt có thể bị hủy do tia nắng, nhất là khi phản chiếu dội lên từ mặt tuyết, ximăng, cát hay nước. Sau khi bị UV chiếu nhiều giờ sẽ khiến người có những rối loạn thị giác như giảm thị lực và cảm thấy như có dị vật ở trong mắt, chảy nước mắt, rất sợ ánh sáng.


Công nhân đang thi công đường sắt dẫn qua cầu Ghềnh khu vực Đồng Nai dưới nắng gay gắt. Ảnh: H.A.C

Công nhân đang thi công đường sắt dẫn qua cầu Ghềnh khu vực Đồng Nai dưới nắng gay gắt. Ảnh: H.A.C

Còn BS Nguyễn Phúc Cẩm Anh - nguyên giảng viên Khoa Da liễu, Trường ĐH Y, hiện đang công tác tại Phòng khám Hoàng Hạc - cho biết, nhờ ánh sáng mặt trời mà cơ thể tổng hợp nhiều vitamine D đủ cho cơ thể. Ánh sáng mặt trời, có chứa những loại bước sóng ánh sáng có tác động chữa lành da và vết thương, chống viêm và xung huyết… Tuy nhiên, nếu nắng gay gắt làm cho chỉ số UV tăng cao thì sẽ gây ra những tác hại đáng kể cho da.

Cụ thể khi da tiếp xúc trực tiếp dưới nắng có chỉ số UV cao với thời gian lâu sẽ làm cho da đỏ, rát, đau kèm theo ngứa, phù và có thể sốt. Đặc biệt, khi tác động lâu dài với UV ở mức cao còn làm tăng nguy cơ gây ung thư da do bị tổn thương ADN trong nhân tế bào da ở lớp thượng bì.

PGS-TS Phùng Chí Sỹ - Tổng Thư ký phụ trách phía Nam Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam - cũng cảnh báo, chỉ số UV cao hiện nay tại các tỉnh miền Nam sẽ nguy hiểm về da nếu tiếp xúc trực tiếp lâu với ánh nắng mặt trời.

Theo bác sĩ Nguyễn Phúc Cẩm Anh, do những tác hại của nắng khi UV tăng mạnh nên những ngày này, người dân cần phải bảo vệ da và cơ thể bằng cách che dù, đội nón, mắc áo quần che phủ kín hơn, mang kính mát cho mắt, mang khẩu trang che mặt và dùng kem chống nắng khi không che nắng được.

Cùng chuyên mục
XEM