Chi nhiều tiền mà chẳng có mấy thành tích, chính phủ Trung Quốc vào cuộc cải tổ lại nền bóng đá

06/10/2021 08:35 AM | Xã hội

Chi tiền nhiều gấp 10 lần các CLB Hàn Quốc, gấp 3 lần Nhật Bản nhưng đội tuyển quốc gia vẫn thua, chính quyền Trung Quốc phải vào cuộc cải tổ lại nền bóng đá.

Nguồn ảnh: Chinadaily
Nguồn ảnh: Chinadaily

Ngày 7/10 tới đây, đội tuyển bóng đá Trung Quốc sẽ gặp Việt Nam ở lượt trận thứ 3 vòng bảng B, thuộc vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Thật không may, nền bóng đá của nền kinh tế số 1 thế giới này lại đang rúng động chỉ vì một công ty bất động sản.

Theo hãng tin Bloomberg, Trung Quốc đang lên kế hoạch cải tổ lại giải bóng đá chuyên nghiệp của nước này nhân cơ hội tập đoàn bất động sản Evergrande gặp khó khăn về tài chính và có nguy cơ phá sản.

Chi nhiều tiền mà chẳng có mấy thành tích, chính phủ Trung Quốc vào cuộc cải tổ lại nền bóng đá - Ảnh 1.

Nguồn ảnh: Financial Times

Cụ thể, chính quyền các địa phương hoặc cấp tương đương có thể sẽ sở hữu cổ phần của các đội bóng tham gia giải Siêu cúp Trung Quốc (CSL). Trong đó bao gồm cả những đội tầm cỡ như Guangzhou Football Club vốn đang được sở hữu bởi hãng bất động sản China Evergrande Group.

Việc can thiệp này sẽ được thực hiện trước cuối năm này và tùy thuộc và tình hình của các đội bóng.

Chính phủ vào cuộc

Trên thực tế, Trung Quốc đã muốn can thiệp vào ngành bóng đá nước nhà kể từ năm 2015 sau khi đã được đầu tư nhiều tiền nhưng chẳng đem lại kết quả là bao. Hàng loạt cầu thủ được trả lương cao để rồi thành tích đội tuyển nước nhà lại luôn khiến người hâm mộ thất vọng.

Năm 2015, Trung Quốc đã cải tổ lại các quy định nhằm khuyến khích chính quyền địa phương tham gia nắm giữ cổ phần với nhà đầu tư cá nhân, qua đó hạn chế việc vung tiền quá tay nhưng không hiệu quả của các doanh nghiệp. Quy định mới cũng đề nghị các CLB không nên đặt tên doanh nghiệp đi kèm tên đội bóng.

Dẫu vậy, hãng tin Bloomberg cho biết Trung Quốc vẫn chưa có động thái với các đội bóng là vì không muốn khiến chính trị ảnh hưởng đến các câu lạc bộ (CLB). Những nhà hoạch định chính sách muốn biến các đội bóng thành những thương hiệu kinh doanh tư nhân tương tự như các CLB quốc tế.

Chi nhiều tiền mà chẳng có mấy thành tích, chính phủ Trung Quốc vào cuộc cải tổ lại nền bóng đá - Ảnh 2.

CLB Guangzhou Evergrande. Nguồn ảnh: China Daily

Bởi vậy, phải đến khi các công ty lớn đứng đằng sau những CLB nổi tiếng chính thức gặp khó khăn thì chính phủ Trung Quốc mới dứt khoát vào cuộc. Tháng 2/2021, tức chỉ 100 ngày sau khi giành ngôi vô địch Super League 2020, CLB Jiangsu Suning FC đã bị công ty chủ quản là Suning Appliance Group giải thể vì lý do khó khăn tài chính.

Tương tự, tình hình khó khăn của Evergrande đang khiến hoạt động của CLB Guangzhou FC gặp nhiều khó khăn. Gần đây, khi Evergrande lâm vào cảnh nợ nần chưa từng thấy, CLB này đã đệ đơn xin được chính quyền địa phương cứu trợ.

Theo các dự đoán, chính quyền Quảng Đông có thể sẽ lấy 10-15% cổ phần của Evergrande trong CLB, số còn lại sẽ được bán cho một tập đoàn quốc doanh khác. Trong trường hợp tồi tệ nhất, đội bóng này sẽ bị giải thể.

Trước khi quyết định chính thức được đưa ra, CLB Guangzhou FC đang cố bán bớt các cầu thủ của mình để kiếm tiền duy trì hoạt động. Những cầu thủ của đội bóng này cũng đang tìm kiếm đường ra cho bản thân trước khả năng CLB bị giải thể.

Từ cục vàng hóa cục nợ

Theo Bloomberg, tập đoàn Evergrande lỗ khoảng 1-2 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 155-310 triệu USD mỗi năm cho hoạt động của đội bóng. Thậm chí các chuyên gia đánh giá tổng giá trị của CLB Guangzhou hiện nay chỉ là con số 0 khi chẳng đem về lợi nhuận gì cho phía đầu tư.

Đây quả là một thông tin xấu khi chỉ cách đây không lâu, tập đoàn này còn được cho là động lực chính thúc đẩy nền bóng đá nước nhà. Các chuyên gia khi đó cho rằng việc sở hữu và tài trợ các đội bóng sẽ giúp quảng bá thương hiệu và để các công ty dễ đàm phán vay vốn hoặc thương lượng mua bán dự án bất động sản hơn.

Quả đúng như vậy, việc được vay vốn rộng rãi từ giữa thập niên 2010 khiến các CLB vung tiền mạnh tay. Ví dụ như đội Guangzhou Evergrande đã chi tiền thuê cựu huấn luyện viên đội tuyển Italy, ông Marcello Lippi về với mức lương kỷ lục trên thế giới.

Chi nhiều tiền mà chẳng có mấy thành tích, chính phủ Trung Quốc vào cuộc cải tổ lại nền bóng đá - Ảnh 3.

Thế rồi nhiều đội bóng Trung Quốc khác cũng chi trả số tiền cao hơn thị trường để tuyển mộ các siêu sao từ Châu Âu hay Nam Mỹ.

Vào thời kỳ hoàng kim, đã có lúc CLB Guangzhou Evergrande được định giá tới hơn 1 tỷ USD. Năm 2014, tập đoàn Alibaba Group đã đồng ý chi trả 1,2 tỷ Nhân dân tệ để mua 50% cổ phần của CLB này.

Việc dễ vay vốn, quảng bá thương hiệu và hỗ trợ đàm phán với chính quyên địa phương cho các dự án bất động sản khiến vô số công ty đầu tư vào đây. Theo ước tính có ít nhất 7 đội bóng lớn tại Trung Quốc đang được sở hữu hoặc tài trợ bởi các doanh nghiệp bất động sản.

Hầu hết những CLB này đều đang lao đao vì doanh nghiệp đằng sau họ gặp khó khăn về tài chính. Hãng China Fortune Land Development, sở hữu CLB Hebei FC, và Central China Real Estate, sở hữu CLB Henan Songshan Longmen đều đã tuyên bố gặp khó khăn về tài chính.

Tại thủ đô Bắc Kinh, CLB Beijing Sinobo sở hữu bởi tập đoàn bất động sản Sinobo Group cũng đã nợ lương cầu thủ nhiều tháng nay.

Báo cáo của Liên đoàn bóng đá Trung Quốc (CFA) cho thấy các CLB tranh giải siêu cúp quốc gia tại đây chi tiêu nhiều gấp 10 lần so với những đội tham gia K-League của Hàn Quốc và gấp 3 lần so với các CLB Nhật Bản, thế nhưng đội tuyển quốc gia Trung Quốc vẫn chẳng có thành tích gì.

"Bong bóng đầu tư trong ngành này không chỉ ảnh hưởng đến nền bóng đá Trung Quốc hiện nay mà sẽ còn tác động xấu đến cả tương lai nữa", Chủ tịch Chen Xuyuan của CFA ngậm ngùi thừa nhận.

*Nguồn: Bloomberg

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM