'Chỉ hơn 1% cây xăng không hoạt động, sao gọi khủng hoảng hệ thống phân phối cả nước?'

21/10/2022 19:25 PM | Xã hội

Đó là câu hỏi Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đặt ra tại buổi làm việc với Công ty Xăng dầu khu vực II (Petrolimex Sài Gòn) về tình hình cung ứng xăng dầu vừa qua ở TP.HCM, nội dung buổi làm việc vừa được công bố ngày 21-10.

Chỉ hơn 1% cây xăng không hoạt động, sao gọi khủng hoảng hệ thống phân phối cả nước? - Ảnh 1.

Petrolimex cho hay đang gặp nhiều khó khăn liên quan đến định mức bảo quản thấp, không đủ trang trải chi phí... do vậy hàng dự trữ quốc gia còn để chung với hàng kinh doanh - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bộ trưởng đặt những câu hỏi về xăng dầu

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chỉ ra những bất cập hiện nay trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Theo ông Diên, để việc quản lý và điều hành hoạt động nhập khẩu, phân phối, lưu thông xăng dầu được thông suốt thì cần sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của nhiều bộ, ngành và các chính quyền địa phương, trong đó việc quản lý hệ thống trên 17.000 cửa hàng bán lẻ trong cả nước.

Ông Diên đặt vấn đề vừa rồi, qua thống kê "có những ngày cao điểm nhất cũng chỉ có khoảng trên 200 cửa hàng bán lẻ không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng".

Theo ông, nếu so với tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong cả nước, con số này chỉ chiếm hơn 1%, và đặc biệt là quan sát kỹ hơn thì thấy hiện tượng này chỉ có xảy ra ở một vài địa bàn là TP.HCM và một vài tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Điều này đã đặt ra câu hỏi: Tại sao hiện tượng này không xảy ra ở các nơi khác? Tại sao chỉ có hơn 1% cửa hàng xăng dầu tạm ngưng mà dư luận lại cho là khủng hoảng hệ thống phân phối xăng dầu trong cả nước?

Phải sắp xếp lại hệ thống phân phối, giảm khâu trung gian

Chỉ hơn 1% cây xăng không hoạt động, sao gọi khủng hoảng hệ thống phân phối cả nước? - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao Công ty Xăng dầu khu vực II trong việc chủ động thực hiện các biện pháp để bảo đảm nguồn cung ra thị trường - Ảnh: BỘ CÔNG THƯƠNG

Bên cạnh đánh giá cao những nỗ lực cung ứng cho thị trường của Petrolimex Sài Gòn, ông Diên cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập cần phải xem xét điều chỉnh phù hợp với thực tiễn.

Ông đề nghị Petrolimex và các thành viên, trong đó có Petrolimex Sài Gòn cần phải nghiêm túc đánh giá việc dự trữ xăng dầu, kể cả dự trữ thương mại và dự trữ quốc gia, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ cung ứng và kinh doanh xăng dầu, nhất là từ những vấn đề đã xảy ra từ đầu năm đến nay, để thấy rõ những hạn chế, yếu kém, những lỗ hổng… kịp thời có giải pháp khắc phục triệt để, bảo đảm đúng luật và phù hợp với tình hình.

Đáng chú ý, ông yêu cầu phải sắp xếp lại hệ thống phân phối, giảm khâu trung gian, tăng chế độ trách nhiệm cá nhân mỗi khâu và tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý trách nhiệm.

"Chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách trong quản lý kinh doanh xăng dầu theo hướng cần kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành để bảo đảm vừa phù hợp với quy luật kinh tế thị trường, đồng thời vừa phải bảo đảm phát huy vai trò quản lý và kiểm soát của Nhà nước", ông nói.

Ông Diên nhấn mạnh trong mọi tình huống, không để xảy ra đứt gãy nguồn cung, đứt gãy hệ thống phân phối hay thiếu hụt dự trữ chiến lược quốc gia; cần tăng cường ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quản lý kinh doanh, dự trữ xăng dầu, cả dự trữ quốc gia và dự trữ thương mại, từ tập đoàn cho tới các đơn vị thành viên, thậm chí là đơn vị cơ sở, cửa hàng bán lẻ…

Đáng chú ý, bộ trưởng yêu cầu hoàn thiện "hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia" để từ tháng 1-2023 trở đi, toàn bộ doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối phải được quản lý, giám sát bằng hệ thống này.

"Nếu chúng ta làm tốt, làm hết chức trách, nhiệm vụ của mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi đơn vị và mỗi người thì tôi tin là những hạn chế, bất cập hiện nay sẽ khắc phục được", ông nói.

Một doanh nghiệp đầu mối không dự trữ xăng dầu

xang dau

Một cây xăng tại quận 7 thông báo hết xăng vào tối 20-10 - Ảnh: NGỌC HIỂN

Tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết thời gian gần đây có hiện tượng một số doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh phía Nam và qua kiểm tra cho thấy: "Trong số các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu ở khu vực phía Nam, có một doanh nghiệp không thực hiện dự trữ xăng dầu theo quy định; có năm doanh nghiệp không đảm bảo dự trữ thương mại và có doanh nghiệp không đảm bảo hạn mức nhập khẩu được Bộ Công Thương phân giao".

Ông Phạm Văn Thanh - chủ tịch HĐQT Petrolimex - cho hay ngay trong tháng 9 và những ngày đầu tháng 10-2022, Petrolimex phải chấp nhận mua cả hàng không ưu đãi, chịu mức thuế cao để đảm bảo nguồn cung trong nước, đặc biệt Petrolimex đã chỉ đạo toàn hệ thống đảm bảo cung ứng xăng dầu trong hệ thống phân phối của mình phù hợp với cam kết hợp đồng và bảo đảm tiến độ nhằm đáp ứng các nhu cầu của xã hội.

Đối với nhu cầu tháng 11, Petrolimex đã chủ động tạo nguồn sớm ngay từ những ngày đầu tháng 10. Hiện tập đoàn đã lên kế hoạch và mua đủ nguồn hàng bảo đảm khoảng 80% nhu cầu của tháng 11. Đồng thời vẫn tiếp tục tìm kiếm và mở rộng các nhà cung cấp để mua cho nhu cầu còn lại trong năm 2022.

Ngọc Hiển

Cùng chuyên mục
XEM