Chỉ được thưởng 5% số tiền đề nghị, UBND TPHCM đưa kiến nghị nhằm "bù" vào chỗ thiếu hụt

14/07/2016 05:56 AM | Kinh tế vĩ mô

Chính phủ vừa thông báo thưởng cho TPHCM 453 tỷ đồng nhờ thành tích thu ngân sách năm 2015 vượt dự toán, số tiền này chỉ tương đương gần 5% con số TP đề xuất. UBND TPHCM ngay lập tức có những kiến nghị cũng như tìm giải pháp nhằm "bù" vào chỗ thiếu hụt vì ngân sách chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu đầu tư hàng năm .

Theo bà Phan Thị Thắng - Giám đốc Sở Tài chính TPHCM, năm trước ngân sách của TPHCM thu hơn 255.000 tỷ đồng, đạt 109% dự toán, tăng 16% so với cùng kỳ. Căn cứ theo quy định của pháp luật, lãnh đạo thành phố đề nghị Chính phủ thưởng hơn 10.000 tỷ đồng. Theo bà Thắng dù chỉ nhận được 5% so với số tiền đề nghị, song thành phố có thể tự cân đối nguồn vốn. Tuy nhiên, những dự án đầu tư sẽ bị kéo chậm lại vì chờ vốn.

Hồi cuối tháng 6, báo cáo trước Thủ tướng, các Phó thủ tướng và lãnh đạo các bộ ngành, lãnh đạo TPHCM cho rằng, tỷ lệ điều tiết từ tổng thu ngân sách để lại cho thành phố ngày càng giảm; từ 33% năm 2003 nay chỉ còn 23%.

Thực tại, sau khi đảm bảo các nhiệm vụ chi thường xuyên, an sinh xã hội, thanh toán các khoản nợ gốc… số vốn cân đối dành cho chi đầu tư phát triển thành phố chỉ còn khoảng 6.800 tỷ đồng một năm, chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu đầu tư hằng năm.

Được biết, UBND TPHCM vừa kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh, bổ sung một số nội dung trong dự thảo Quy định về cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với TPHCM.

Cụ thể, TPHCM kiến nghị được cấp lại một phần số thu các khoản thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu trong 10 năm. Đồng thời cho phép TP nghiên cứu cơ chế phụ thu thuế đối với một số ngành, lĩnh vực kinh doanh trên địa bàn phù hợp với tình hình thực tế.

Được thu tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý và được hưởng 50% đối với khoản thu này. Trên thực tế, hiện nay nhiều khu đất vàng tại trung tâm TPHCM đều do các cơ quan, doanh nghiệp Trung ương quản lý như SJC, Sabeco, Petro Việt Nam...

Ngoài ra, UBND TPHCM cũng kiến nghị được hưởng 50% phần thu lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập quỹ của các doanh nghiệp nhà nước Trung ương đại diện chủ sở hữu cho ngân sách TPHCM.

Kiến nghị Bộ Tài chính bổ sung quy định giữ lại nguồn thu từ việc cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp do TP làm chủ sở hữu, ví dụ như cổ phần hóa VISSAN...

Tại một hội thảo về huy động vốn đầu tư hạ tầng cho TPHCM gần đây, lãnh đạo UBND TPHCM ước tính giai đoạn 2015-2030, TPHCM cần nguồn vốn khoảng 1 triệu tỷ đồng (tương đương 44 tỷ USD) để đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách của thành phố không thể đáp ứng nhu cầu vốn này và cần huy động các nguồn lực khác.

Theo TS Trần Du Lịch - chuyên gia kinh tế, quỹ đất đô thị trong quá trình đô thị hóa chính là con gà “đẻ trứng vàng” nhưng từ trước đến nay ta đã để thất thoát quá nhiều, do đó cần tận dụng triệt để nguồn lực này.

Ngoài ra, TP còn nguồn quỹ nhà đất công nhiều, cần mạnh dạn đề xuất Trung ương giao quyền chủ động cho TP khai thác, sử dụng tạo vốn thêm cho đầu tư phát triển hạ tầng. TP cũng có nhiều Tổng Công ty, doanh nghiệp Nhà nước đang cổ phần hóa với nguồn lực rất lớn, TP cần chủ động đề xuất Trung ương giao lại cho TP bổ sung vào nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, cải thiện dân sinh cho TP.

Ông Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, đề xuất cần phải đánh phí phát triển đối với những dự án được hưởng lợi từ sự phát triển hạ tầng. Ví dụ những dự án bất động sản được hưởng lợi từ tuyến metro số 1 phải trả một khoản phí do giá trị đất tăng lên, sau đó phí này được sử dụng để xây dựng cơ sở hạ tầng.

Một phương thức huy động vốn mà lâu nay ít được thực hiện là huy động vốn nhàn rỗi trong dân được ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Phó trưởng khoa Tài chính, Đại học Kinh tế TPHCM, đề xuất nên thực hiện trong những năm tới.

Dẫn số liệu tổng hợp từ các nguồn khác nhau, ông Bảo ước tính tổng số tiền nhàn rỗi của người dân trong cả nước gồm tích trữ vàng, tiền gửi ngoại tệ, tiền gửi tiết kiệm ước tính vào khoảng 50 tỉ USD. Theo ông Bảo, việc huy động vốn nhàn rỗi trong dân có thể được thực hiện thông qua trái phiếu chính quyền địa phương.

Duy Khánh

Cùng chuyên mục
XEM