Chỉ có thể là Nhật Bản: Ngôi trường mở cửa chỉ để dạy 1 học sinh, giáo viên phải thay nhau đóng giả học trò để không khí bớt buồn chán
Đây đã không phải lần đầu tiên trường Oteshima mở cửa chỉ để phục vụ 1 học sinh. Các thầy cô tại đây thậm chí phải đóng giả làm học sinh trong các lớp của nhau để tránh bị nhàm chán.
Mới đây, tờ Mainichi cho biết một ngôi trường trung học nằm cách bờ biển tỉnh Kagawa 15km về phía Tây đã làm lễ tốt nghiệp cho một học sinh nữ 15 tuổi. Điều đáng nói là ngôi trường này chỉ có duy nhất 1 học sinh, nghĩa là sau lễ tốt nghiệp trên thì ngôi trường sẽ đóng cửa. Đáng ngạc nhiên hơn, đây đã không phải lần đầu ngôi trường này mở cửa chỉ vì 1 học sinh.
Mọi chuyện bắt đầu từ ngôi trường trung học Oteshima tại đảo Oteshima, nơi vốn có diện tích 0,6km2 và cách đất liền 3,8km. Tính đến tháng 3/2023, hòn đảo này chỉ có 34 người sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh cá.
Tương tự như bao ngôi làng khác ở Nhật Bản, Oteshima cũng đối mặt với tình trạng dân số lão hóa nhanh và cô bé 15 tuổi Akino Imanaka là cư dân duy nhất trên đảo dưới 18 tuổi.
“Mọi thứ diễn ra quá nhanh. Em rất biết ơn khi được trải nghiệm cuộc sống học đường nhờ sự hỗ trợ của các thầy cô, gia đình và mọi người trên đảo”, cô Imanaka nói.
5 giáo viên, 1 học sinh
Trường Oteshima Junior High School trên đảo Oteshima chỉ có 5 giáo viên và để cô bé Imanaka có hứng thú học tập hơn mà không bị cô đơn, các giáo viên đã đóng giả làm học sinh trong các tiết học của nhau, qua đó giúp cô bé này có thể học nhóm hoặc trao đổi ý kiến.
Mỗi tuần 1 lần, Imanaka lại đến trường trung học trong đất liền để bổ túc.
Việc ngôi trường chỉ có một mình Imanaka khiến trong những ngày lễ như hội thể thao diễn ra vào tháng 6/2022, cô học sinh này phải tự mình tham gia nhiều giải đấu như thi môn thể dục, nhảy… nhằm đại diện cho trường OteShima.
“Vì chỉ có một mình tôi nên đôi khi cũng cảm thấy cô đơn. Thế nhưng tôi cũng là chủ tịch hội sinh viên của trường và thường xuyên được đi thăm thú nhiều nơi với tư cách là đại diện của trường Oteshima nên cũng có nhiều trải nghiệm thú vị”, Imanaka thừa nhận.
Trường Oteshima được thành lập vào năm 1914 và tại thời kỳ đỉnh cao năm 1964, ngôi trường này có đến 91 học sinh nhưng giảm dần từ đó theo thời gian.
Vào năm 2013, ngôi trường này đã đóng cửa một lần sau khi người học sinh cuối cùng, chị của Imanaka tốt nghiệp. Thế nhưng vào năm 2020, trường Oteshima lại mở một lần nữa chỉ để phục vụ Imanaka, sau đó tiếp tục đóng cửa lại vào năm 2023 sau khi cô tốt nghiệp.
Gia đình lớn
Bố của Imanaka là ông Nobuyoshi nay đã 65 tuổi, mẹ là bà tami đã 54 tuổi và cả hai đều làm nghề đánh cá. Cách đây 9 năm, gia đình Imanaka đã cảm thấy rất ngại ngùng khi trường tiểu học của ngôi làng nhỏ phải mở cửa trở lại chỉ để phục vụ một mình đứa con của gia đình.
Tại thời điểm đó, ông Nobuyoshi đang phải chăm sóc người mẹ già cả và không thể rời đảo sang nơi khác. Bởi vậy khi Imanaka đến tuổi vào trung học, cô bé buộc phải tiếp tục theo học ngôi trường trên đảo thay vì chuyển đến các trường học khác trên đất liền.
Bởi vậy, người mẹ Tami rất cảm động khi cho biết mọi người trên đảo Oteshima cứ như một gia đình lớn. Người dân trên đảo rất quan tâm, chăm sóc đến Imanaka, đưa tặng thực phẩm khi cô bé bị ốm...
Kể từ tháng 4/2023 tới đây, Imanaka sẽ bắt đầu theo học trường cấp 3 trên đất liền và sống cùng người chị gái và anh rể tại tỉnh Kagawa.
Thực trạng
Trên thực tế, Oteshima không phải nơi duy nhất có ít học sinh. Số liệu của Bộ giáo dục Nhật Bản cho thấy tính đến năm 2022, khoảng 2.066/19.161 trường tiểu học và 1.33/12.012 trường trung học tại quốc gia này có số học sinh chưa đến 50 người toàn trường.
Bất chấp điều đó, các giáo viên vẫn kiên trì với nghề cho dù chỉ còn 1 học sinh như ở Oteshima.
“Văn hóa trân trọng giá trị của từng học sinh có thể thấy rõ ở Oteshima. Kể cả khi trường học nằm ở vùng sâu vùng xa thì cũng phải biến điều đó thành thế mạnh và áp dụng cho giáo dục”, hiệu trưởng của trường Oteshima nói với tờ Mainichi.
Ngày 14/3/2023, khoảng 50 người dân trên đảo lẫn khách mời đã tham dự lễ tốt nghiệp của Imanaka. Cô bé 15 tuổi này cho biết mình có hứng thú làm trong mảng giáo dục hoặc an sinh xã hội khi ra trường.
“Tôi rất hạnh phúc khi được sinh ra ở Oteshima. Lưu giữ những kỷ niệm này trong tim, em sẽ bắt đầu cuộc hành trình mới với ý chí và niềm kiêu hãnh mạnh mẽ”, Imanaka gạt lệ phát biểu trong ngày lễ tốt nghiệp.
*Nguồn: Mainichi