Chỉ có 8 bác sĩ trên 10.000 dân, đây là xu hướng tất yếu mà y tế Việt Nam cần phát triển hậu Covid-19

09/10/2020 16:24 PM | Xã hội

Tỷ lệ bác sỹ trên 10.000 người dân chỉ dừng ở 19 tại Trung Quốc, 26 tại Mỹ và 24 tại Nhật Bản. Mức độ đô thị hóa ở các quốc gia này cũng vô cùng cao. Các bác sĩ giỏi chỉ tập trung tại bệnh viện lớn ở thành phố. Họ đã làm thế nào để giảm tải cho hệ thống y tế?

Câu trả lời chính là triển khai hệ thống y tế từ xa Telehealth. Đây là giải pháp đã được hầu hết các quốc gia trên thế giới áp dụng và thành công.

Telehealth trên thế giới được ra đời từ đầu năm 1948 tại Pennsylvania – Mỹ khi hình ảnh chụp chiếu của bệnh nhân được gửi đi xa 24 dặm qua dial-up để bác sĩ nơi khác chẩn đoán. Sau gần một thế kỷ phát triển, từ tư vấn qua điện thoại đến video, rồi thậm chí là qua Zoom như hiện tại, y tế từ xa gần như đã trở thành một phần không thể thiếu của hệ thống y tế toàn cầu, và ngày càng phát triển mạnh sau đại dịch.

Covid-19 đã buộc hàng loạt các nước tại châu Mỹ, châu Âu, châu Á đẩy mạnh phát triển Telehealth để giúp người dân khám chữa bệnh từ xa. Mảng dịch vụ y tế qua các phương tiện từ xa và thiết bị di động ước tín sẽ đạt quy mô 78,8 tỷ USD năm 2020 và đến 2025 dự kiến sẽ vượt 118 tỷ USD, tương đương mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 18,2%.

Thống kê của Forrester Research cho thấy, khoảng 1 tỷ lượt thăm khám bác sỹ trực tuyến dự báo sẽ diễn ra trong năm nay riêng tại Mỹ, cao hơn 28 lần con số dự báo trước khi Covid-19 bùng phát.

Ứng dụng KRY.se - ứng dụng Telehealth của Thụy Điển đã tăng gấp 2 lần số phiên tư vấn từ xa. Số người dùng ứng dụng Top Doctors tại Italy, Tây Ban Nha và Anh cũng gấp 30 lần so với bình thường. Tại Pháp, con số này tăng từ 40.000 phiên/tháng trước dịch Covid-19 lên gấp 10 lần chỉ trong vòng 1 tuần từ khi có dịch bệnh. Mọi ca bệnh tại Pháp dùng tư vấn từ xa đều được BHYT chi trả 100% và bằng với mức đi khám bệnh trực tiếp.

Tại Đức, một trong những quốc gia có nền y tế phát triển nhất, các thông tin của bệnh nhân được lưu trữ trực tiếp trong thẻ y tế (sử dụng thẻ chip) như nhóm máu, lịch sử dị ứng, lịch sử sử dụng thuốc và điều trị. Điều này giúp các chuyên viên y tế/ cảnh sát có thể hỗ trợ bệnh nhân ngay lập tức trong các trường hợp khẩn cấp.

Tại Anh, bệnh nhân có thể đặt khám bệnh trực tuyến thông qua di động, website của bệnh viện hoặc các ứng dụng chuyên dụng. Bệnh nhân cũng có thể truy cập website của bệnh viện để xem lịch sử khám chữa bệnh của mình.

Trong một bài báo đăng trên tạp chí JAMA, GS.TS Trevor Royce, Trung tâm Ung thư - Đại học Bắc Carolina, cho biết đại dịch Covid-19 có thể có tác động lâu dài đối với việc cung cấp dịch vụ y tế và chất lượng chăm sóc cho bệnh nhân ung thư. Việc chuyển đổi rộng rãi sang Telehealth sẽ giúp mở rộng quyền được tiếp cận với các dịch vụ y tế của người bệnh.

Thật vậy, 60% những người đã sử dụng Telehealth trong thời đại dịch muốn tiếp tục khám chữa bệnh từ xa, theo một báo cáo của Accenture được công bố vào tháng 7/2020Telehealth đã thực sự trở thành "bình thường mới" hậu Covid-19, ngay cả ở Việt Nam.

Y tế từ xa là giải pháp hữu hiệu để giảm tải cho bệnh viện khi tỷ lệ bác sỹ trên 10.000 người dân chỉ là 19 tại Trung Quốc, 26 tại Mỹ và 24 tại Nhật Bản. Và Việt Nam, với chỉ vỏn vẹn 8 bác sĩ trên 10.000 người (theo PGS.TS Phạm Lê An, Chủ tịch Hội Bác sĩ gia đình TP.HCM), Telehealth trong bối cảnh hiện tại đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Với Telehealth, nhiều ca bệnh phức tạp tại Việt Nam đã được các bác sĩ hội chẩn và cứu sống kịp thời, không phải lên tuyến trên. Những điểm cầu ở vùng sâu, vùng xa đã được kết nối như với Trường Sa, Cô Tô, Mường Nhé… Hiện nay, Việt Nam đã có trên 1.100 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa kết nối với hệ thống Viettel Telehealth và sắp tới sẽ còn mở rộng hơn nữa.

Ngay trong dịch Covid-19, bệnh nhân L.Đ.H ở Bệnh viện Đa khoa huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) đã được cứu sống trước cảnh "ngàn cân treo sợi tóc" qua buổi phẫu thuật từ xa được thực hiện bởi các y bác sĩ Bệnh viện ĐH Y Hà Nội thông qua hệ thống Telehealh. Bệnh nhân có sán xâm nhập vào não, đồng thời còn bị viêm phổi nặng, mắc Whitmore. Nếu không được khám phẫu thuật ngay mà phải di chuyển 150 km, bệnh nhân có thể đã tử vong. Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp bệnh nhân được cứu sống hoặc chữa trị kịp thời nhờ ứng dụng Telehealth.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long giải thích về mô hình Telehealh: "Việc hỗ trợ của các bác sĩ tuyến trung ương với các bác sĩ ở tuyến dưới sẽ theo đúng "đội hình" 1-4-4-2. Tức là 1 người hỗ trợ cho tối thiểu 10 người (mỗi bác sĩ tuyến trên hỗ trợ được 4 bác sĩ tuyến tỉnh, 4 bác sĩ tuyến huyện và 2 bác sĩ tuyến cơ sở). Như vậy, khi một người dân đến cơ sở khám chữa bệnh mà biết rằng đang được các giáo sư, chuyên gia, thầy thuốc giỏi tuyến trung ương tư vấn về chẩn đoán, điều trị thì họ sẽ yên tâm hơn rất nhiều".

Quyền Bộ trưởng cho biết trong tháng 10 này, Bộ Y tế sẽ khai trương mạng xã hội bác sĩ cho ngành y tế để chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm: "Hôm nay là kết nối giữa các cơ sở y tế với nhau, sau này sẽ là giữa các nhân viên y tế với nhau, xa hơn nữa là giữa nhân viên y tế với người dân trên toàn quốc".

Telehealth đã được Bộ Y tế phối hợp cùng Tập đoàn Viettel triển khai tại gần 30 bệnh viện tuyến trên như: Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM… kết nối đến hơn 1.100 cơ sở y tế tại các tỉnh thành trên cả nước. Thời gian tới, Viettel cam kết sẽ đầu tư nguồn lực nhân sự, hạ tầng và ứng dụng các công nghệ 4.0 mới như Big Data, AI để tiếp tục hoàn thiện hệ thống. Đặc biệt, hệ thống được "may đo" theo đúng quy trình khám chữa bệnh và phác đồ điều trị của Bộ Y tế Việt Nam, đã và đang trở thành cánh tay đắc lực hỗ trợ các bác sĩ và người bệnh.

HS

Từ khóa:  Y tế Việt Nam
Cùng chuyên mục
XEM