Loại ung thư hay mắc ở nam giới, số ca tử vong cao gấp 3,8 lần tai nạn giao thông

13/09/2022 14:32 PM | Sống

Dự đoán đến năm 2025, Việt Nam có 60.000 bệnh nhân xơ gan, 25.000 bệnh nhân ung thư gan và 40.000 trường hợp tử vong.

Đầu năm 2022, tại Hội nghị Khoa học phòng chống ung thư thường niên lần thứ 9 đã báo cáo về số liệu mới nhất từ Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) 2020. Theo đó, tỉ lệ mắc ung thư mới của Việt Nam đã tăng lên 9 bậc xếp thứ 90/185 quốc gia, từ 165.000 ca mới vào năm 2018 tăng lên 182.000 ca mới vào năm 2020, và tỉ lệ tử vong do ung thư tăng 6 bậc xếp 50/185 sau 2 năm.

Ước tính, cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư. Tình hình này cũng tương tự với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các quốc gia phát triển như Anh, Pháp, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong do ung thư tại các quốc gia này lại giảm.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2021 là năm mà cả thế giới đã vượt qua một ngưỡng mới nghiêm trọng hơn khi ước tính đã có khoảng 20 triệu người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, đã có 10 triệu người tử vong do ung thư. Đại dịch Covid-19 lại càng tác động xấu hơn đối với việc chăm sóc và điều trị bệnh nhân ung thư.

Khảo sát của WHO tiến hành trên nhiều nước cho thấy 77,5% bệnh nhân ung thư bị gián đoạn hoặc chậm trễ điều trị trong thời gian dịch bệnh. Việc gián đoạn này trải dài từ giai đoạn chẩn đoán, điều trị đến tái khám và ảnh hưởng đến tất cả các phương pháp điều trị như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, chăm sóc giảm nhẹ...

Chỉ trong 2 năm, tỷ lệ mắc ung thư của Việt Nam tăng 9 bậc: Đây là loại ung thư hay mắc ở nam giới, số ca tử vong cao gấp 3,8 lần TNGT - Ảnh 1.

Tỷ lệ các loại ung thư mắc mới tại Việt Nam theo số liệu cập nhật 2020. Nguồn: IARC

Đâu là căn bệnh ung thư đang tăng nhanh nhất tại Việt Nam?

Theo Globocan, có 5 loại ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam trong năm 2020 bao gồm: ung thư gan chiếm tỉ lệ cao nhất (14,5%), tiếp đến là ung thư phổi (14,4%), ung thư vú (11,8%), ung thư dạ dày (9,8%) và ung thư đại trực tràng (9%).

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, ung thư gan cũng là ung thư có số ca tử vong dẫn đầu với 25.272 ca, chiếm 21% tổng số tử vong do ung thư, gấp 3,8 lần tổng số ca tử vong do tai nạn giao thông năm 2020 (6.700 ca).

Năm 2018, WHO xác định Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ mắc ung thư gan theo giới tính nam cao thứ 3 thế giới, chỉ đứng sau Mông Cổ và Lào. Tỷ lệ mắc ở nam giới nước ta là 39/100.000 dân, trong khi nữ giới là 9,5/100.000 dân. Tỷ lệ mắc bệnh là 23,2 trên 100.000 người ở cả hai giới.

Dự đoán đến năm 2025, Việt Nam có 60.000 bệnh nhân xơ gan, 25.000 bệnh nhân ung thư gan và 40.000 trường hợp tử vong.

TS.BS Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa Ngoại gan mật tụy, Bệnh viện K cho biết, ung thư gan khó sàng lọc phát hiện sớm vì ở giai đoạn sớm biểu hiện của bệnh thường mơ hồ, người bệnh ít chú ý tới. Trong đó có 80% ung thư gan là dạng ung thư biểu mô tế bào gan nguyên phát (chiếm 80%).

Chỉ trong 2 năm, tỷ lệ mắc ung thư của Việt Nam tăng 9 bậc: Đây là loại ung thư hay mắc ở nam giới, số ca tử vong cao gấp 3,8 lần TNGT - Ảnh 2.

Ung thư gan chiếm tỷ lệ cao nhất tại Việt Nam

Trong đó có 5 nguyên nhân chính gây ung thư gan khiến người Việt có tỷ lệ mắc và chết cao thứ 4 thế giới là:

Xơ gan 

80% bệnh nhân mắc ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) có biểu hiện của xơ gan, do đó các yếu tố nguy cơ của xơ gan cũng được xem là yếu tố nguy cơ của HCC. Bình thường, gan có màu nâu, mềm, nhẵn, khối lượng từ 1,2-1,5kg. Khi bị xơ, gan bị đổi sang màu vàng nhạt, khối lượng giảm xuống, các mô gan được thay thế bằng mô xơ, sẹo, gan cứng, bề mặt sần sùi do các cục u nổi lên.

Viêm gan B và viêm gan C

Với ung thư gan, người ta đã xác định được nguyên nhân hàng đầu là do virus viêm gan B hoặc C. Đây là 2 loại virus gây nhiễm trùng mạn tính, được ví là "sát thủ thầm lặng" dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Trên 80% bệnh nhân ung thư gan là do tiến triển từ viêm gan virus B, khoảng 5% bệnh nhân ung thư gan được xác định là do virus viêm gan C.

Đáng nói, cả viêm gan B và viêm gan C đều diễn tiến hết sức âm thầm, thường khi bệnh bước vào giai đoạn nặng (xơ gan, ung thư gan) bệnh mới có những biểu hiện rõ ràng hơn. Trong đó, đến nay viêm gan C vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh.

Theo số liệu mới nhất, Việt Nam có khoảng 20 triệu người nhiễm virus viêm gan B (15 triệu) và C, trong đó khoảng 8 triệu người đang trong tình trạng viêm gan, xơ gan và ung thư gan., nằm trong top cao của khu vực và thế giới.

Rượu bia

Uống rượu bia thường xuyên là nguyên nhân quan trọng của xơ gan. Xơ gan do rượu chiếm khoảng 15% các trường hợp mắc HCC. Tổ chức nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) xếp rượu bia là tác nhân gây ung thư mức độ 1. Đây là nguyên nhân trực tiếp gây ra 7 loại ung thư phổ biến gồm: Miệng, thực quản, thanh quản, vú, gan, đại trực tràng, dạ dày. Tác hại dễ thấy nhất của rượu bia là làm tổn thương các tế bào gan, gây xơ gan, dẫn đến ung thư gan.

Thừa sắt

Bệnh thừa sắt (hemochromatosis), bệnh di truyền tyrosin huyết, và bệnh viêm gan mạn tự miễn thể hoạt động là nguyên nhân gây xơ gan và làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển HCC.

Ngoài ra, các yếu tố khác ít có bằng chứng thuyết phục như nhiễm độc tố aflatoxin B1 (được tiết ra từ nấm Aspergillus), steroid androgenic, thorotrast (chất cản quang), thuốc uống tránh thai, và bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.

Cách phòng bệnh ung thư đơn giản hàng ngày

Tổ chức Y tế thế giới WHO đã nghiên cứu và chỉ ra rằng, 40% ung thư có thể phòng ngừa và 1/3 bệnh nhân có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị tích cực. Để phòng tránh bệnh ung thư nên:

- Bỏ thuốc ngay: Hút thuốc có mối quan hệ mật thiết với nhiều loại bệnh ung thư khác nhau như ung thư phổi, ung thư vòm họng, ung thư thanh quản, ung thư tuyến tụy, ung thư cổ tử cung và ung thư thận. Ngay cả khi không trực tiếp hút thuốc nhưng việc hít phải khói thuốc cũng khiến nguy cơ mắc bệnh tăng lên.

- Có chế độ dinh dưỡng hợp lý: Việc hạn chế đồ ăn chế biến sẵn, đồ ăn nhanh sẽ giúp bạn có một sức khỏe tốt. Việc sử dụng thực phẩm tươi sống và tự chế biến sẽ mang lại chuyển biến tích cực cho sức khỏe của bạn. Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh và khoa học cần có nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế đồ ăn dầu mỡ, hạn chế đồ nhiều calo, uống rượu bia trong mức cho phép. Thay vì mỡ động vật, bạn nên chuyển qua các loại dầu thực vật tốt cho sức khỏe như dầu oliu, dầu đậu nành, dầu mè, dầu hướng dương...

Chỉ trong 2 năm, tỷ lệ mắc ung thư của Việt Nam tăng 9 bậc: Đây là loại ung thư hay mắc ở nam giới, số ca tử vong cao gấp 3,8 lần TNGT - Ảnh 3.

Hãy bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khỏe của bạn

- Duy trì cân nặng ở mức lý tưởng và chăm tập thể dục: việc giữ cân nặng ở mức độ lý tưởng theo chuẩn BMI sẽ giúp bạn phòng tránh được nhiều loại bệnh ung thư như ung thư vú, ung thư phổi, ung thư đại tràng và ung thư tuyến tiền liệt. Việc chăm chỉ tập luyện thể dục thể thao thường xuyên không chỉ giúp bạn duy trì cân nặng và vóc dáng mà còn giúp bạn có một cơ thể khỏe mạnh miễn dịch với ung thư.

- Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời: Ánh nắng mặt trời là nguyên nhân chính gây ra bệnh ung thư da. Việc hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cường độ cao sẽ giúp bạn nâng cao khả năng phòng bệnh. Nếu có việc nhất định phải ra ngoài từ 10h sáng đến 4 giờ chiều, hãy che chán và bảo vệ da thật cẩn thận bằng quần áo dài và kem chống nắng.

- Tiêm chủng đầy đủ: Việc tiêm phòng đầy đủ sẽ làm giảm khả năng mắc bệnh ung thư. Chẳng hạn như tiêm đầy đủ vắc xin viêm gan B sẽ làm giảm nguy cơ ung thư gan, tiêm vắc xin HPV sẽ giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung.

- Khám sức khỏe định kỳ: đa số ung thư ở giai đoạn đầu đều không có biểu hiện lâm sàng. Bệnh chỉ được phát hiện sớm trong quá trình khám sức khỏe và sàng lọc ung thư. Chính vì vậy, việc khám sức khỏe định kỳ 1 – 2 lần/năm được xem là cách đơn giản nhưng mang lại hiệu quả rất cao trong phòng và điều trị bệnh ung thư.


Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM